Hà Nội thiếu trường, lớp

Hà Linh, Theo Tiền Phong 13:42 30/08/2022
Chia sẻ

Nhiều trường học tại Hà Nội đang quá tải, thậm chí có nơi, trẻ phải bốc thăm suất học ở trường công.

Phụ huynh lo mất ăn, mất ngủ

Sự việc hàng trăm phụ huynh ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) vừa phải bốc thăm suất học cho trẻ mầm non 3 và 4 tuổi gây xôn xao dư luận.

Thực tế, năm học này, Trường mầm non Hoàng Liệt có tới 713 hồ sơ đăng ký cho trẻ độ 3 - 4 tuổi và 226 hồ sơ cho trẻ 5 tuổi, nhưng do thiếu phòng học, sẽ chỉ tuyển được 559 trẻ. Ngoài đảm bảo 100% trẻ 5 tuổi có chỗ học, trường sẽ chỉ tuyển được 333 em trong độ tuổi 3-4.

Do đó, để đảm bảo công bằng, minh bạch, nhà trường buộc phải tổ chức bốc thăm 2 vòng, trong đó vòng đầu bốc thăm số thứ tự và vòng 2 bốc thăm suất học. Nhiều người lo lắng đến mất ăn mất ngủ vì nếu con chẳng may trượt suất học trường công sẽ không biết đi đâu, về đâu.

Hà Nội thiếu trường, lớp - Ảnh 1.

Phụ huynh phải bốc thăm suất học Trường Mầm non Hoàng Liệt

Chị Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, cầm trên tay lá phiếu con không trúng tuyển mà chực trào nước mắt, bởi nhà ở gần trường nhưng con không được học trường công để tiện đưa đón. “Hai vợ chồng thu nhập thấp, nếu gửi ở trường tư, học phí hiện đã gần 4 triệu đồng/tháng, chưa kể trên cháu còn 1 anh lớn nữa, không biết rồi đây sẽ phải xoay xở ra sao”, chị nói.

Đại diện Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai (Hà Nội) nói: “Ngay bậc tiểu học, phường Hoàng Liệt hiện có tới 3 trường, gồm Tiểu học Hoàng Liệt, Tiểu học Linh Đàm, Tiểu học Chu Văn An, tuy nhiên vẫn thiếu phòng học, sĩ số học sinh cao và các em phải học luân phiên cả cuối tuần”.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, ông Trần Quý Thái, nói rằng, việc tổ chức bốc thăm suất học ở trường mầm non là tình huống bắt buộc phải làm vì không có phương án nào khác.

Phường chỉ có một trường mầm non công lập, chưa đáp ứng nhu cầu. Cụ thể, năm học 2022-2023, toàn quận tăng gần 4.000 học sinh ở khối trường công lập. Theo tính toán, ở khối mầm non sẽ phải có thêm ít nhất 3 trường nữa mới đủ chỗ học.

Theo ông Thái, nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải trên là do các khu đô thị mới được xây dựng nhanh chóng cũng như sau dịch COVID-19, nhiều nhóm lớp mầm non ngoài công lập phá sản, phải đóng cửa.

Nơi nào có học sinh, ở đó phải có trường, lớp

Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, quận có phường Dương Nội tập trung rất nhiều chung cư cao tầng. Để đảm bảo chỗ học cho học sinh các cấp, địa phương đã phải xây dựng tới 15 trường công lập (trong đó 7 trường mầm non, 6 trường tiểu học, 2 trường THCS) và 4 trường tư thục.

Ông Phạm Văn Ngát, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì (Hà Nội), cho biết, tuy là huyện ngoại thành nhưng ở bậc tiểu học có tới 11 trường có sĩ số học sinh từ 40-45; 6 trường sĩ số học sinh 46-50 và 1 trường có sĩ số trên 50 em. Nguyên nhân là do tốc độ đô thị hóa nhanh kéo theo việc tăng dân số theo hình thức cơ học là chủ yếu, dân số tự nhiên tăng không nhiều dẫn đến quy mô dân số các xã, thị trấn lớn hơn nhiều so với quy mô hạ tầng cơ sở xã hội. Những khu vực chung cư xây mới nhiều (Thanh Liệt, Tứ Hiệp) đang khiến các trường học ở khu vực này quá tải.

Tuy nhiên, ông Ngát cho rằng, trách nhiệm bảo đảm trường, lớp chỗ học cho học sinh thuộc về ngành giáo dục và UBND quận, huyện trên địa bàn, do đó, năm học 2022-2023, Phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND huyện xây mới 2 trường tiểu học để tách trường có quy mô lớn, giảm sĩ số.

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT một quận tại Hà Nội cho rằng, dù trên địa bàn có nhiều chung cư cao tầng nhưng không thiếu trường, lớp do UBND quận tính toán xây dựng trường, lớp, đảm bảo yêu cầu nơi nào có học sinh ở đó có đủ trường, lớp. Do tính toán nhu cầu trường, lớp đến năm 2035 nên có trường mới xây chỉ có không đến 500 học sinh.

“Phòng GD&ĐT tham mưu là một chuyện, nhưng có quỹ đất và được cấp quản lý quan tâm đầu tư cho giáo dục hay không lại là chuyện khác”, vị này nói.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày