Hà Nội: Người phụ nữ cầu cứu trên giường bệnh sau nhiều lần đau đớn như "chết đi sống lại" vì tiêm hóa chất làm đẹp "lạ"

Minh Ngọc, Theo Pháp luật & Bạn đọc 16:03 17/10/2020
Chia sẻ

Chị Phan Thị N. A. (SN 1976, trú tại Q.Ba Đình, Hà Nội) hiện đang nằm điều trị tại Khoa chống độc bệnh viện Bạch Mai sau khi phát hiện đau nhức, cơ thể biến chứng nghi do tiêm thuốc làm đẹp ở cơ sở làm đẹp tư nhân.

Thông tin về người phụ nữ trên mới đây cũng đã được người thân chia sẻ lên mạng xã hội để cảnh báo và mong tìm được cách giải quyết.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chị A. tại giường bệnh khi chị này đang điều trị, với tâm trạng mệt mỏi, chị A. cho biết, hiện tại toàn thân chị vẫn đau nhức, khó vận động.

Hà Nội: Người phụ nữ cầu cứu trên giường bệnh sau nhiều lần đau đớn như chết đi sống lại vì tiêm hóa chất làm đẹp lạ - Ảnh 1.

Chị Anh đang được điều trị tại bệnh viện

Nói về nguyên nhân, chị A. cho biết, do trước đó quen với Trần Thanh M. - chủ Vivian Spa ở địa chỉ 19Q, đường Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội, chị được My tư vấn làm đẹp và thỏa thuận thực hiện liệu trình gói 20 triệu đồng.

Trong quá trình này, M. thực hiện việc tiêm hóa chất vào bắp tay và bụng chị A. với 3 lần khác nhau.

Bao gồm: 3mũi/liệu trình. Mỗi mũi tiêm cách nhau từ 2 tuần đến 1 tháng. Đến mũi thứ 3, sau khi tiêm bắp tay, M. tiếp tục tiêm vào vùng bụng nhiều mũi liền.

Tuy nhiên, cơ thể chị A. bắt đầu có những dấu hiệu bất thường từ sau mũi tiêm vào cuối tháng 8/2020.

"Ban đầu, tôi cứ nghĩ là sức khỏe giảm sút do tôi phải thường xuyên đi lại. Có lần, vào làm việc tại TP.HCM, tôi bỗng đổ gục xuống, ngất xỉu phải đi cấp cứu. Từ cuối tháng 8 đến nay, tôi đi rất nhiều bệnh viện, đến nhiều phòng khám nhưng không tìm ra bệnh. Ban đầu, tôi và người thân cứ nghĩ mình bị đột quỵ", chị N. A. chia sẻ.

Hà Nội: Người phụ nữ cầu cứu trên giường bệnh sau nhiều lần đau đớn như chết đi sống lại vì tiêm hóa chất làm đẹp lạ - Ảnh 2.

Khu vực tiêm thuốc

Với giọng mệt mỏi, chị A. chưa hết hoang mang nói tiếp: "Tôi như từ cõi chết trở về, ai trong hoàn cảnh tôi mới biết biến chứng nó kinh hoàng như thế nào. Cũng may tôi đến đây và phát hiện kịp thời, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng nếu tình trạng suy kiệt cứ kéo dài. Hiện tại sức khỏe của tôi đã cải thiện, nhưng bác sĩ nói để đẩy được hóa chất ra ngoài cơ thể phải mất nhiều tháng trời".

Chị A. cho biết thêm, kể từ đó chị thường xuyên gặp phải tình trạng quay cuồng như đột quỵ, suy tim, huyết áp lúc tăng cao đột ngột, lúc giảm xuống bất thường. Sau khi phát bệnh, gia đình đưa chị đến nhiều bệnh viện lớn thăm khám, điều trị, các bác sĩ đều không chẩn đoán được bệnh. Cuối cùng, mới đây gia đình đã quyết định đưa chị A. đến bệnh viện Bạch Mai để khám và điều trị.

Sau khi xảy ra biến chứng chị A. liên lạc qua tin nhắn và gọi điện thì M. thừa nhận tiêm Botox vào cánh tay chị. Còn loại hóa chất tiêm vào vùng bụng mà chị không yêu cầu tiêm thì M. không nói tên khiến chị lo lắng vì sợ loại hóa chất đó có thể làm ảnh hưởng sức khỏe của chị, thậm chí tới khi về già.

Được biết, hiện Spa Vivian đã đóng cửa, người thân của bệnh nhân và một số phóng viên đến liên hệ nhưng không thể tiếp cận với chủ cơ sở.

Trong một cuộc điện thoại trao đổi ngắn với chúng tôi, người trả lời điện thoại phía Vivian Spa cho biết: "Vấn đề này đúng hay sai thì cơ quan chức năng họ làm việc, nhiều thông tin không hẳn như vậy. Tuy nhiên tôi cũng không muốn minh oan", đầu dây trả lời.

Song người này gửi tin nhắn thông báo cho chúng tôi rằng; sẽ có phản hồi trên trang mạng của cơ sở này.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự việc.

Hà Nội: Người phụ nữ cầu cứu trên giường bệnh sau nhiều lần đau đớn như chết đi sống lại vì tiêm hóa chất làm đẹp lạ - Ảnh 3.

Bệnh nhân luôn trong tình trạng mệt mỏi

Theo quy định tại khoản 4 Điều 10 Nghị định 155/2018/NĐ-CP bổ sung Điều 23a Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như sau: “Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.”

Trường hợp cơ sở spa không có giấy phép hoạt động chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ theo quy định nêu trên, mà thực hiện hoạt động tiêm filler,botox vào khách hàng thì cơ sở spa có thể sẽ bị xử phạt hành chính số tiền từ 50 triệu đến 70 triệu đồng đối với hành vi cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động (Theo quy định tại điểm a, khoản 6 Điều 29 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế).

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày