Sau hơn 4 năm đổi giờ học, giờ làm, thành phố Hà Nội tiếp tục ra phương án rà soát để điều chỉnh. Ảnh: PV
Trên 70% người dân ủng hộ
Tại cuộc họp HĐND TP Hà Nội mới đây, đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030” tiếp tục nhận được sự quan tâm của các đại biểu và dư luận xã hội. Theo đó, ngoài phương án dừng hoạt động xe máy thì Hà Nội cũng tính đến việc điều chỉnh giờ học, giờ làm nhằm giảm mật độ phương tiện tham gia giao thông giờ cao điểm.
Theo tờ trình, Công an Hà Nội đã phát hơn 15.000 phiếu khảo sát đến từng hộ gia đình trong phạm vi 30 quận, huyện. Trong phần trả lời về đổi giờ học, giờ làm, hơn 71% ủng hộ việc điều chỉnh giờ học, giờ làm. Trong đó, người dân khu vực vành đai 3 có số người lấy ý kiến ủng hộ hơn 67%.
Lãnh đạo UBND Hà Nội khẳng định sự gia tăng của phương tiện giao thông đã ở mức báo động. Nếu không có biện pháp quản lý kịp thời, trong tương lai, tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ trở nên nghiêm trọng.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, không phải bây giờ chúng ta mới đổi giờ làm, giờ học mà từ năm 2012 Hà Nội và TP.HCM cũng đã thực hiện thay đổi giờ học, giờ làm... Lần này, chúng ta tiếp tục rà soát có thể qui định giờ học giờ làm cho từng nhóm đối tượng tốt hơn để giảm mật độ giao thông trong thực tiễn. Chúng ta đi sớm 15 phút đã khác và chậm 15 phút đã khác.
Nói về việc phải chăng trước đây đã có thất bại khi thực hiện việc này, ông Viện cho rằng, lần trước không phải thất bại mà là chúng ta đã phân được giờ làm việc cho các cơ quan Trung ương, các cơ quan ở Hà Nội, các nhóm đối tượng kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, các nhóm đối tượng này thời gian thực hiện chưa dài. Hơn nữa việc thay đổi giờ học, giờ làm là việc liên quan đến toàn xã hội nên phải nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng vừa đảm bảo khoa học, thực tiễn và khả thi. Nội dung đề án lần này thành phố sẽ chỉ đạo chặt chẽ hơn, đảm bảo tính khả thi hơn.
“Khi có đề án, chúng tôi sẽ lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng để cùng thống nhất lựa chọn phương án tốt nhất. Mọi phương án này Hà Nội đều nhằm phục vụ người dân tốt hơn, đảm bảo lợi ích số đông của người dân. Có thể nói, phương án dù có ảnh hưởng đến 1 bộ phận nhưng mang lại lợi ích chung cho xã hội”, ông Viện cho biết thêm.
Cần thay đổi cho phù hợp xu thế phát triển
Ông Lê Đỗ Mười - Phó Viện trưởng viện Chiến lược và Phát triển GTVT.
Ở góc nhìn chuyên gia, Đại tá Trần Sơn - nguyên Phó Trưởng Phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an) chia sẻ: Mọi cái không phải là bất biến nên cần thay đổi sao cho phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Mục tiêu của việc điều chỉnh giờ học, giờ làm lần này là chống ùn tắc giao thông và đảm bảo an toàn giao thông.
Cụ thể như hiện nay, quy định mọi người đang đi làm lúc 8 giờ sáng. Nhưng làm sao phải đảm bảo làm việc đủ 8 tiếng theo quy định. Như vậy, buổi trưa sẽ nghỉ thời gian ngắn hơn. Mọi người không đổ ra đường cùng một lúc. Ở nước ngoài, công chức bắt đầu làm việc từ lúc 9 giờ sáng và để thực hiện điều đó họ cũng đã phải có cả quá trình nghiên cứu về tâm sinh lý, nhu cầu phân chia thời gian chăm sóc gia đình. Việc thay đổi giờ học, giờ làm giữa các cơ quan trung ương với cơ quan của Hà Nội, giữa các trường học là hợp lý.
“Cần chú trọng đến sự thay đổi thời tiết của mùa đông và mùa hè. Mùa đông thì hơn 7 giờ sáng trời vẫn còn tối; mùa hè, mùa thu, mùa xuân thì lại khác. Do vậy, tôi thấy một năm nên thay đổi 2 lần mỗi mùa 6 tháng. Để có được sự hài hòa nhất nên cần sự đóng góp từ dân. Cùng với việc lệch giờ làm, giờ học thì cũng cần có sự đồng bộ với các giải pháp khác. Một là, tăng cường vận tải hành khách công cộng, lịch trình hợp lý. Hai là, giờ cao điểm thì có thể cấm một số loại ô tô và việc này đã và đang thực hiện; tăng cường thêm sự điều tiết của lực lượng giao thông”, Đại tá Trần Sơn chia sẻ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội phải có tầm nhìn xa, cách làm khoa học và đưa ra phương án giải quyết tận gốc vấn đề. Đơn cử như việc di dời các trường Đại học ra ngoại thành là phương án tối ưu nhất. Sau những kỳ nghỉ khi các sinh viên về quê, Hà Nội đã giảm được đáng kể số lượng người tham gia giao thông. Một phần rất quan trọng là phát triển hệ thống giao thông công cộng, giảm bớt phương tiện cá nhân và cũng để tránh tình trạng bỏ học giữa giờ của sinh viên hiện nay.
Năm 2012, Hà Nội đã thực hiện việc điều chỉnh giờ học, giờ làm để giảm ùn tắc giao thông ở 10 quận nội thành và 2 huyện là Từ Liêm, Thanh Trì sẽ điều chỉnh giờ học, làm việc theo 3 nhóm.
Theo đó, nhóm 1, gồm sinh viên, học viên các trường ĐH, CĐ, trung học nghề và học sinh THPT. Buổi sáng, sinh viên, học viên vào học từ trước 7h và kết thúc sau 7h tối. Nhóm 2 gồm học sinh các trường mầm non, Tiểu học, THCS: Sáng vào học từ 8h, chiều kết thúc vào 5h, riêng các trường bố trí giáo viên nhận cháu từ 7h30 sáng và trả đến 5h30; với cán bộ, viên chức (cả Trung ương và Hà Nội) sáng bắt đầu làm việc từ 8h và kết thúc vào 5h chiều. Nhóm 3 gồm trung tâm thương mại, dịch vụ (trừ ngân hàng, tài chính) sáng bắt đầu làm việc từ 9h và kết thúc vào 7h tối. Với các nhóm đối tượng khác thời gian làm việc vẫn giữ nguyên.
Không thể nói trước đây thất bại vì chưa có ai đánh giá
Xung quanh vấn đề trên, ông Lê Đỗ Mười - Phó Viện trưởng viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Sở GTVT Hà Nội) cho biết: “Đề án thay đổi giờ làm, giờ học để giảm ùn tắc giao thông mới được HĐND TP.Hà Nội thông qua phê duyệt và bắt đầu đề xuất nghiên cứu triển khai. Hiện nay, Hà Nội đang giao cho sở GTVT và các đơn vị nghiên cứu lập phương án cụ thể thì mới thực hiện được vì đây là vấn đề nhạy cảm ảnh hưởng tới đời sống xã hội. Trước đây, Hà Nội đã từng áp dụng việc thay đổi giờ làm, giờ học rồi và chưa thể nói đề án này bị thất bại được vì chưa có ai đánh giá được hiệu quả, hay không hiệu quả, nên vẫn cần phải rà soát nghiên cứu.