Ngày 20/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết theo số liệu thống kê của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm đến nay, TP Hà Nội ghi nhận 2.605 trường hợp mắc cúm, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Đáng nói, nhiều trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch.
Nếu như giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4, số ca mắc dưới 400 trường hợp/tháng thì đến tháng 5 số mắc là gần 600 trường hợp và tháng 6 tăng gần 900 trường hợp. Hà Nội đang đứng trước nguy cơ bùng phát dịch cúm, đặc biệt là cúm A.
Điều trị bệnh nhân mắc cúm A nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)
Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, những tuần gần đây số người đến khám bệnh do mắc cúm tăng nhanh. Cụ thể, từ 1 đến 15/7, bệnh viện tiếp nhận khám và sàng lọc cho 1.068 ca nghi nhiễm cúm. Con số này lớn hơn cả tống số ca nghi nhiễm cúm trong 6 tháng đầu tới khám ở viện này.
Trong số này, hơn 35% bệnh nhân (tương đương 375 ca) có kết quả test nhanh dương tính với cúm. Đặc biệt, có tới 366 ca dương tính với cúm A. Số trường hợp có chỉ định nhập viện là 71 ca (18,9%), trong đó có 2 trường hợp viêm phổi suy hô hấp tiến triển (ARDS) nhập viện. Trong số các trường hợp có chỉ định nhập viện, chủ yếu là phụ nữ có thai, trẻ em, người có bệnh nền...
Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết trên địa bàn Hà Nội có 252 bệnh nhân mắc cúm A điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các bệnh nhân này phân bố tại 23/30 quận, huyện, thị xã.
Sở Y tế nhận định bệnh cúm hiện nay đang có xu hướng tăng. Số ca mắc cúm tập trung nhiều nhất ở nhóm dưới 5 tuổi là 44,1%, tiếp theo là nhóm tuổi 18-49 tuổi chiếm 39,7%, nhóm tuổi 6-18 tuổi chiếm 11,8% và ít nhất là nhóm tuổi trên 50 tuổi chiếm 4,4%.
Trước nguy cơ bùng phát dịch cúm, CDC Hà Nội yêu cầu Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã của thành phố tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc cúm mùa tại cộng đồng và tại các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt tại các khu vực nguy cơ cao (cơ sở nuôi dưỡng trẻ, trung tâm bảo trợ xã hội, khu thuê trọ, khu sinh sống của công nhân các khu công nghiệp,...) để kịp thời phát hiện và xử lý sớm các khu vực có nhiều bệnh nhân, hạn chế thấp nhất số ca mắc bệnh và tử vong.