Theo ước tính, Hà Nội có khoảng 1 triệu lao động tự do nằm trong gói hỗ trợ an sinh. Hiện, tất cả đang chờ hướng dẫn cụ thể từ phía Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để triển khai.
Cơ bản xong bước đầu
Mấy hôm nay, loa phường Phú Đô (Nam Từ Liêm, Hà Nội) liên tục thông báo về các đối tượng lao động được hỗ trợ từ gói an sinh xã hội.
Anh Lê Văn Tiến (42 tuổi) chủ quán tóc trên địa bàn phường cho biết, rất mừng vì thuộc diện đối tượng này. Hơn 1 tháng qua, quán của anh đóng cửa, thu nhập hầu như không có, cả gia đình phải đi nhờ sự giúp đỡ của bạn bè.
“Tối hôm trước, cán bộ tổ dân phố đến nhà bảo kê khai. Họ hỏi về tình hình công việc, số lượng thành viên gia đình, thu nhập đợt này ra sao…và nói sắp tới sẽ được Nhà nước hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng. Gia đình đông con nên tôi cũng mừng nếu được hỗ trợ khoản này. Nhưng chưa biết khi nào sẽ nhận được”, anh Tiến nói.
Anh Nguyễn Đức Lợi (34 tuổi, phường Phú Đô), thợ cắt chìa khóa chia sẻ: “Cuối tuần vừa rồi, cán bộ tổ dân phố xuống hỏi thăm. Chị Quy (cán bộ dân phố - PV) có chụp chứng minh thư, và quay video hỏi thu nhập từ đầu tháng đến nay như thế nào. Tôi cũng khai thật, bình thường mỗi tháng thu nhập khoảng 6 triệu đồng. Nhưng từ hôm có lệnh cách ly, tôi ở nhà, có khách nào gọi đến thì mới cắt nên từ đầu tháng thu nhập chưa đến 1 triệu đồng”, anh Lợi cho hay.
Cán bộ phường Phú Đô đi rà soát đối tượng lao động tự do
Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, hiện các phường, quận ở Hà Nội đã tiến hành rà soát xong các đối tượng lao động được hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch COVID – 19.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó chủ tịch UBND phường Phú Đô cho biết, thực hiện văn bản chỉ đạo của TP Hà Nội, từ ngày 17/4 phường đã tiến hành phát các mẫu biểu để thống kê các đối tượng lao động.
Ngoài đối tượng hộ nghèo, cận nghèo đã có danh sách từ trước, qua rà soát UBND phường thống kê có khoảng 1.420 lao động tự do gồm những người bán hàng rong, thu gom rác, phế liệu, bốc vác, lái xe, làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch…
Theo ông Hưng, đây mới chỉ là bước đầu. Tiếp theo, hồ sơ sẽ được chuyển lên quận và quận tiến hành duyệt lại nhóm đối tượng.
Để đảm bảo sự chặt chẽ, UBND phường thông báo trên loa phường đề nghị ai thuộc nhóm đối tượng, ngành nghề trên có thể lên phường khai báo. Ngoài ra, UBND phường cử các tổ dân phố xuống địa bàn để rà soát, thành phần có Bí thư, Chủ tịch phường, Hội phụ nữ, các đoàn thể Mặt trận tổ quốc giám sát…
Các cán bộ "đến từng gõ, gõ từng nhà" để thống kê số lao động bị ảnh hưởng do COVID - 19
Ông Hưng cho biết, trước mắt, để hỗ trợ cho những đối tượng này, UBND phường Phú Đô đã vận động và phối hợp với các nhà hảo tâm trao tặng 600 suất quà cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn, và phát 4 tấn gạo cho người lao động trên địa bàn.
Ông Nguyễn Khắc Vững, Phó Chủ tịch UBND phường Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, đơn vị cũng vừa rà soát xong các đối tượng của Nghị quyết 42 và gửi báo cáo lên UBND quận. Theo đó, UBND phường Mễ Trì thống kê có khoảng 882 trường hợp nằm trong diện đối tượng được hưởng, ngoài ra còn có 31 hộ cận nghèo, với 92 nhân khẩu.
Công tác rà soát lao động bị ảnh hưởng do COVID - 19 ở Hà Nội hiện đã cơ bản xong bước đầu
Theo ông Vững, do việc thực hiện gấp chỉ trong vòng 2-3 ngày nên UBND phường đã huy động các cán bộ “đi từng nhà, rà từng hộ”, kể cả đi cả thứ 7, CN.
Trong quá trình rà soát, ông Vững cho biết, khó khăn nhất là đối tượng lao động tự do. Nghị quyết 42 yêu cầu đối tượng này bị giảm thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo (khoảng 1,4 triệu đồng) nên việc xác định phức tạp.
Ngoài ra, những lao động tự do thường tạm trú ở các khu nhà trọ nên để chứng minh họ có phải là người cư trú hợp pháp hay không phải phối hợp với công an và gặp chủ nhà trọ để xác minh
Do vậy, UBND phường đã thành lập tổ giám sát, phân công nhiệm vụ phối hợp với tổ dân số, công an khu vực nhằm rà soát kỹ, tránh bỏ sót đối tượng.
Sốt ruột chờ hướng dẫn cụ thể
Ông Nguyễn Đình Tiên, Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Đống Đa (TP Hà Nội) cho biết, đơn vị đã rà soát xong các đối tượng lao động của gói hỗ trợ an sinh xã hội, và gửi báo cáo Sở LĐ-TB&LĐ vào chiều ngày 21/4. Kết quả rà soát cho thấy, toàn quận có 2.037 lao động nghỉ việc không lương do dịch COVID - 19, số người không đủ điều kiện hưởng BHTN là 2.388 người, đối tượng người có công là 4.017 người, đối tượng hưởng bảo trợ xã hội là 3.807 người, 259 hộ nghèo và 233 hộ cận nghèo.
Cán bộ dân phố rà soát các hộ kinh doanh cá thể
Theo ông Tiên, trong các nhóm đối tượng, nhóm lao động tự do là phức tạp nhất. Nhóm này hiện nay không khống chế độ tuổi, mới chỉ quy định hộ khẩu thường trú, mức thu nhập trung bình theo chuẩn nghèo năm 2016-2020. Nếu không quy định độ tuổi cũng sẽ có những bất cập, đơn cử như một cụ già 80 tuổi, bán trà đá, công việc chính đem lại thu nhập cho cả gia đình, nhưng đã quá tuổi lao động, thì cụ già có được nhận trợ cấp theo nhóm lao động tự do hay không.
Bên cạnh đó, có những người hộ khẩu thường trú ở địa bàn này, nhưng lại đi làm ở địa bàn khác, nên rất khó để nắm bắt được thu nhập và tình trạng thực tế của họ. Đến nay, nhiều phường phản ánh lên quận rằng có những lao động ngoại tỉnh chưa thể thống kê.
“Nhiều người không có căn cứ chứng minh có đăng ký tạm trú trên địa bàn. Nhóm lao động tự do rất khó xử lý, nhưng hiện chúng tôi vẫn cho điều tra, rà soát dần để đợi hướng dẫn chi tiết của Chính phủ”, ông Tiên nói.
Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, hiện mới chỉ có khoảng 2/3 các quận huyện báo cáo, nên chưa có số liệu chính thức về số lao động được bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, căn cứ vào số liệu báo cáo, ước tính Hà Nội có khoảng 1 triệu lao động tự do nằm trong gói hỗ trợ an sinh.
Theo ông Dân, điều quan trọng nhất hiện nay là chờ hướng dẫn cụ thể của các Bộ, ngành Trung ương về các tiêu chí để xác định cụ thể. Nghị quyết đã ra được nửa tháng nhưng hướng dẫn vẫn chưa có.
“Các quận, huyện đều phản ánh, không biết giải quyết các vướng mắc thế nào, tiêu chí, cụ thể ra sao. Thậm chí, người dân còn gọi điện kêu nhiều lắm, tất cả đều rất sốt ruột”, ông Dân nói.