Hà Lan ơi, những ngày xưa cũ nay còn đâu…

Minh Tuấn, Theo Trí Thức Trẻ 14:28 28/03/2017
Chia sẻ

Hà Lan không chỉ đơn thuần là đá bóng, họ biến bóng đá thành nghệ thuật. Đã từng có một thời bóng đá Hà Lan được ví von mỹ miều như thế.

"Bóng đá Hà Lan", nếu cụm từ này bỗng dưng xuất hiện trên màn hình máy tính của một fan bóng đá có thâm niên khoảng trên dưới chục năm trở lại đây, tôi tin 90% trong số họ sẽ vội vàng lăn chuột tìm thứ gì thú vị hơn để đọc. Bóng đá Hà Lan, thú thực rằng nếu không có một trí nhớ tốt, đúng là chẳng cảm thấy nó có gì thú vị.

Một nền bóng đá thậm chí còn không lọt nổi vào vòng chung kết EURO 2016 - giải đấu mà đến những đội tuyển cỡ Albania, CH Ireland, Iceland… cũng có thể góp mặt. Và nền bóng đá ấy cũng đang đứng trước nguy cơ tiếp tục vắng mặt tại World Cup 2018 sau trận thua Bulgaria mới đây.

Hà Lan ơi, những ngày xưa cũ nay còn đâu… - Ảnh 1.

Sự thất vọng của Arjen Robben, ngôi sao sáng nhất ĐT Hà Lan lúc này.

Một nền bóng đá mà cỡ Vua phá lưới giải VĐQG Hà Lan khăn gói sang Premier League chẳng hạn, cũng chỉ để ngồi dự bị. Bản quyền giải VĐQG Hà Lan được bán cho công ty của tỷ phú Rupert Murdoch với giá chỉ 1 tỷ euro trong… 12 năm, trong khi đó bản quyền Premier League lên tới 5,9 tỷ euro chỉ cho 3 mùa.

Liệu một nền bóng đá như thế có đáng để chú ý hay không?

Hà Lan ơi, những ngày xưa cũ nay còn đâu… - Ảnh 2.

Vincent Janssen, vua phá lưới giải VĐQG Hà Lan mùa giải 2015/16. Nhưng hiện tại anh vẫn chưa thể hiện được mình trong màu áo Tottenham.

Thẳng thắn mà nói thì không. Nhưng trong quá khứ, có rất nhiều người chỉ thật sự yêu bóng đá sau khi xem Hà Lan biến trò chơi của 22 gã đàn ông với 1 quả bóng này thành bộ môn nghệ thuật thật sự.

Trong thời đỉnh cao, nghệ thuật phòng ngự Catenaccio do người Italia phát minh ra giống như một tấm lá chắn bằng kim cương. Và logic mà nói: Nếu chỉ kim cương mới có thể cắt đứt được kim cương, thì Johan Cruyff chính là viên kim cương của bóng đá. Năm 1972, một mình ông 2 lần xuyên thủng tấm lá chắn Catenaccio mà Inter Milan mang tới trận chung kết cúp C1 (tên cũ của Champions League ngày hôm nay).

Hà Lan ơi, những ngày xưa cũ nay còn đâu… - Ảnh 3.

Thánh Johan Cruyff giúp Ajax giành Cup C1 năm 1972.

Khả năng của Johan Cruyff từng được ví von "Nếu Chúa có quyền năng ban tài năng cho Pele, George Best, biến họ thành những cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá thì có vẻ như ngài đã hơi hào phóng với Cruyff. Chúa ban cho Cruyff kỹ năng hơn bất cầu thủ nào".

Johan Cruyff chính là những gì tinh túy nhất mà bóng đá Hà Lan từng sản sinh ra và HLV huyền thoại Rinus Michel, người đã sáng tạo ra bóng đá tổng lực (Totaal Voetbal) sử dụng Cruyff như hạt nhân chủ lực biến bóng đá Hà Lan thành một tác phẩm nghệ thuật thật sự - thứ mà chỉ Chúa trời mới có thể tạo ra.

Theo số liệu do CNN công bố, trung bình mỗi dặm vuông ở châu Âu có 181 người sinh sống. Trong khi đó ở Hà Lan, mỗi dặm vuông chứa tới 420 ngôi nhà. Phải nhờ có một bàn tay sắp xếp thiên tài, người Hà Lan mới có thể tận dụng từng mét vuông đất để sống bình yên ở đất nước thấp hơn mực nước biển rất nhiều. Và bóng đá Hà Lan cũng đã tồn tại như nhờ một bàn tay thiên tài của Chúa sắp xếp và đưa tới làng túc cầu.

Ngay kể cả sau khi Johan Cruyff giải nghệ, bóng đá tổng lực của Rinus Michel trở thành thứ được nhân bản rộng rãi khắp châu Âu, thực tế thì bóng đá Hà Lan vẫn liên tục sản sinh ra những nghệ sỹ chơi bóng. Dennis Bergkamp có lẽ là ví dụ thuyết phục nhất.

Hà Lan ơi, những ngày xưa cũ nay còn đâu… - Ảnh 4.

Dennis Bergkamp được ví như người kế nhiệm Johan Cruyff với những pha bóng mê hoặc lòng người.

Đáng buồn thay, đất nước sản sinh ra những thiên tài sân cỏ, cái nôi của bóng đá tổng lực, giờ đây giống như một ngôi nhà xuống cấp, chỉ đủ che nắng che mưa. Những người Hà Lan không bao giờ biết sợ hãi ngày nào bỗng dưng lại trở nên hèn nhát và sợ trách nhiệm. Tại World Cup 2014, HLV Louis van Gaal từng đau lòng tiết lộ rằng, có tới 2 tuyển thủ Hà Lan đã từ chối đá quả penalty đầu tiên trong trận đấu với Argentina ở bán kết. Họ từ chối vì quá hoảng sợ trước áp lực.

Thật khó tin khi biết, những người hâm mộ bóng đá Hà Lan đã phải truyền miệng nhau khẩu hiệu "Je Maintiendrai", tức là "chúng tôi chịu đựng" để đủ kiên nhẫn đồng hành cùng ĐTQG sau mỗi thất bại cay đắng. Tại EURO 2012, tôi từng gặp mặt trực tiếp CĐV nổi tiếng của Hà Lan, suốt hơn chục năm qua đi cổ vũ ở đâu cũng mang theo mô hình cúp vô địch… bằng giấy để động viên tinh thần các cầu thủ. Cả một đời người sắp trôi qua, Hà Lan vẫn chưa biến chiếc cúp bằng giấy ấy thành đồ thật và có lẽ, NHM sẽ còn phải chờ rất lâu nữa để được ăn mừng cảm giác vô địch.

Hà Lan ơi, những ngày xưa cũ nay còn đâu… - Ảnh 5.

Các cầu thủ Hà Lan chịu quá nhiều áp lực trong trận đấu với Argentina tại World Cup 2014.

Bóng đá Hà Lan thoái trào tới cực độ có rất rất nhiều nguyên nhân. Từ việc giải VĐQG này hết tiền, cho tới tình trạng chảy máu cầu thủ ra nước ngoài, những lò đào tạo nổi tiếng ngày càng hoạt động kém hiệu quả, tình trạng cạn kiệt nhân tài, lối chơi bị bắt bài… Nhưng cho dù là bất kỳ nguyên nhân nào, những người Hà Lan hoài cổ vẫn không thể chấp nhận thực tế: Một biểu tượng bất tử của bóng đá thế giới lại ra nông nỗi như ngày hôm nay.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày