Tô cháo ấu tẩu nóng hổi vừa thổi vừa ăn (Clip: Pear Nguyen)
Cháo ấu tẩu, hay còn gọi cháo ấu tàu, cháo đắng là đặc sản của vùng cao Hà Giang. Ban đầu, cháo ấu tẩu được biết đến như món ăn giải cảm của đồng bào dân tộc Mông. Sau này, người vùng cao bổ sung thêm gia vị, chế biến thành món ngon đậm đà, lạ miệng.
Củ ấu tẩu chỉ mọc ở núi cao, vị hơi cay và ngọt, tính nóng
Củ ấu tẩu vị hơi cay và ngọt, tính nóng, lá giống lá ngải cứu, chỉ mọc ở núi cao. Người dân Tây Bắc đã khéo léo chế biến ấu tẩu thành món ăn ngon và bổ dưỡng.
Nhìn sơ qua, củ ấu tẩu hơi giống với củ ấu miền xuôi nhưng cứng hơn và có độc. Bởi vậy, người dân nơi đây thường chỉ sử dụng vài củ ấu tẩu cho một nồi cháo to.
Một nồi cháo to thường chỉ sử dụng vài củ ấu tẩu
Củ ấu tẩu dùng nấu cháo phải được ngâm kỹ bằng nước gạo, rửa sạch, ninh nhừ khoảng 4-5 tiếng để thải hết chất độc. Khi chín mềm, củ ấu tẩu bở tơi, tạo thành dạng bột đặc sền sệt. Dùng bột này nấu cùng gạo tẻ, nếp cái hoa vàng và chân giò thui.
Cháo ấu tẩu có thể trị đau nhức xương khớp
Khi hạt gạo được ninh nhừ khoảng 4 tiếng thì đánh cháo thật nhuyễn. Nếm thử một chút thấy đầu lưỡi không tê là nồi cháo ấu tẩu đã hoàn thành, độc dược đã được loại bỏ. Tô cháo đặc biệt hấp dẫn bởi màu nâu đậm, vị đắng của ấu tẩu quyện với nước xương hầm.
Cháo ấu tẩu có thể trị đau nhức xương khớp, an thần, ăn cùng lá tía tô giúp giải cảm.
Độ nổi tiếng của cháo ấu tẩu hẳn là điều không cần bàn cãi. Với người dân ở xứ sở hoa tam giác mạch, cháo ấu tẩu trở thành món ăn đêm thường nhật vì theo quan niệm của họ cháo sẽ có tác dụng cho sức khỏe sau giấc ngủ đêm. Khi ăn, múc cháo ra bát, đập trứng gà, thêm hành, tía tô, trộn đều rồi ăn nóng.
Cháo ấu tẩu ăn cùng lá tía tô giúp giải cảm
Để thưởng thức trọn vị cháo ấu tẩu thơm ngon mà vẫn đảm bảo sức khỏe, bạn cần lưu ý:
- Tuyệt đối không tự mua nguyên liệu và chế biến tại nhà.
- Cháo ấu tẩu kén chọn người ăn vì hương vị cay nồng và đắng như tam thất.
- Phụ nữ mang thai không nên ăn cháo ấu tẩu.
- Sau khi ăn cháo ấu tẩu, bạn không được ăn quả lê vì 2 thứ này tương đối "kị" nhau.
Múc cháo ra bát, đập trứng gà, thêm hành, tía tô, trộn đều rồi ăn nóng
Vì thành phần hóa học chủ yếu là aconitin nên củ ấu tẩu thuộc danh mục thuốc độc bảng A. Lượng độc này có thể khiến chân tay tê cứng, tắc nghẽn mạch máu, đông máu, thậm chí tử vong.
Y học đánh giá cao công dụng chữa bệnh của ấu tẩu
Theo Đông y, củ ấu tẩu tác dụng trợ dương bổ hỏa, trừ phong hàn, táo thấp. Ngoài ra, dùng ấu tẩu ngâm rượu để xoa bóp, chữa chân tay tê bại do phong hàn thấp.
Ấu tẩu còn chữa chứng ra nhiều mồ hôi, dương hư sợ lạnh, ngực bụng lạnh đau, thận dương suy. Đông y chia củ ấu tẩu thành 2 vị thuốc tương ứng 2 công đoạn khác nhau:
- Ô đầu: củ ấu tẩu chưa qua bào chế, có thể gây chết người nên chỉ dùng ngoài da.
- Phụ tử: thành phẩm sau bào chế, qua nhiều công đoạn khử độc, có thể dùng để uống.
Cháo ấu tẩu trở thành món ăn đêm thường nhật với người dân vùng cao
Củ ấu tẩu sau chế biến trở thành vị thuốc quý trong "tứ đại danh dược" (sâm, nhung, quế, phụ). Y học đánh giá cao công dụng chữa bệnh của ấu tẩu, đặc biệt là ngâm rượu để xoa bóp.
Quán Hương: 171 Trần Hưng Đạo, tổ 5, P. Nguyễn Trãi, TP. Hà Giang.
Quán Thùy Linh: Tổ 10, Nguyễn Viết Xuân, P. Trần Phú, TP. Hà Giang.
Quán Ngân Hà: 161 Trần Hưng Đạo, P. Trần Phú, TP. Hà Giang.
Quán Cháo Ấu Tẩu & Bánh Cuốn: 414, tổ 9, P. Nguyễn Trãi, TP. Hà Giang.
Quán Hoa Thể: Quốc lộ 4C, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc.
Quán Mộc Miên: 140, tổ 2, thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn.
Đến Hà Giang, bạn nhớ thưởng thức tô cháo ấu tẩu với đủ cung bậc cảm xúc, mùi vị nhé!!!