Nhân vật chính trong câu chuyện này là chị Vương, một người phụ nữ đến từ Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc). Sau nhiều năm làm việc chăm chỉ, chị đã tích lũy được một khoản tiết kiệm khiến nhiều người ngưỡng mộ, tổng là 8,4 triệu nhân dân tệ (29,4 tỷ đồng). Để số tiền này được an toàn và bảo mật trước kẻ xấu, chị Vương chọn cách gửi vào ngân hàng.
Trong suy nghĩ của nhiều người, gửi tiền vào ngân hàng đồng nghĩa với sự an toàn và đáng tin cậy. Ngoài ra, nếu gửi tiết kiệm thì từ khoản tiền ban đầu, chúng ta còn nhận được tiền lãi hàng tháng. Điều mà chị Vương không ngờ đến là khoản tiền tiết kiệm này lại mang đến cho chị nhiều rắc rối trong tương lai.
5 năm sau, chị Vương đến ngân hàng để chuẩn bị rút tiền cọc. Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng thông báo “tài khoản tiết kiệm của chị còn 0 đồng".
Nguyên nhân là số tiền cọc này không còn là tiền gửi tiết kiệm thông thường, mà được chuyển hết để mua sản phẩm bảo hiểm. Điều khiến chị Vương càng khó chịu hơn là thời hạn của sản phẩm bảo hiểm kéo dài đến hàng chục năm. Nghĩa là theo hợp đồng, phải đến khi chị Vương 80 tuổi, thậm chí lâu hơn thì chị mới có thể nhận được bảo hiểm của mình.
Thông tin 8,4 triệu nhân dân tệ tiền gửi bỗng chốc biến thành bảo hiểm, đã khiến chị Vương suy sụp, rơi vào tình trạng lo lắng và bất an. Chị Vương nhớ rằng, chị chỉ gửi tiền vào ngân hàng mà chưa bao giờ đặt bút ký hợp đồng mua bảo hiểm.
Đến tìm nhân viên ngân hàng, họ giải thích rằng ngân hàng tuân thủ đúng thủ tục và khẳng định chị Vương đã ký thoả thuận có liên quan với cả ngân hàng và công ty bảo hiểm.
Trước lời giải thích quanh co của ngân hàng, chị Vương quyết định tìm đến sự giúp đỡ từ công ty bảo hiểm. Thái độ của các công ty bảo hiểm càng đáng thất vọng hơn. Nhân viên cho rằng hoạt động bán bảo hiểm này do ngân hàng thay mặt doanh nghiệp bán. Do đó, các điều khoản trong hợp và quy trình ký thoả thuận giữa các bên phải được ngân hàng giải thích.
Lúc này, chị Vương thấy mình như một trái bóng. Chị bị ngân hàng và công ty bảo hiểm “đá quá đá lại" mà không bên nào đưa ra được câu trả lời rõ ràng chứ đừng nói đến việc lấy lại số tiền khó kiếm được của mình.
Khi vụ việc “8,4 triệu tiền gửi chuyển thành bảo hiểm" của chị Vương được chia sẻ rộng rãi, ngay lập tức chúng làm dấy lên nhiều mối lo ngại trong xã hội. Nhiều người thắc mắc, với tư cách là một tổ chức tài chính, ngân hàng phải bảo vệ quyền lợi của khách hàng mà tại sao lại xảy ra những sự việc khó tin như vậy? Tiền gửi của khách hàng “chuyển hóa” thành sản phẩm bảo hiểm như thế nào? Liệu có bất kỳ thiếu sót hoặc lỗ hổng được quy định nào đằng sau việc này hay không?
Một số nhà phân tích trong ngành nhận định vụ việc đã bộc lộ một số vấn đề trong quá trình bán sản phẩm tài chính của ngân hàng. Để đạt được mục tiêu về doanh số, một số nhân viên có thể đánh lừa khách hàng bằng cách đóng gói một số sản phẩm tài chính có rủi ro cao hơn dưới dạng sản phẩm tiền gửi để khuyến khích khách hàng mua vào. Lúc đó, ngân hàng không trình bày điều khoản không rõ ràng, công bố thông tin không đầy đủ khi ký hợp đồng với khách hàng, dẫn đến khách hàng vô tình mua phải sản phẩm tài chính không phù hợp.
Vụ việc “8,4 triệu tiền gửi chuyển thành bảo hiểm” cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo người tiêu dùng. Khi lựa chọn sản phẩm tài chính, bạn phải thận trọng, không tin vào những lời hứa hẹn lãi suất cao, đọc kỹ các điều khoản hợp đồng, hiểu đầy đủ về rủi ro và lợi ích của sản phẩm, tránh rơi vào bẫy tài chính. Đồng thời, bạn cũng cần tăng cường nghiên cứu kiến thức tài chính, nâng cao nhận thức phòng ngừa rủi ro, học cách sử dụng vũ khí pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Theo 163.com