Gửi những cha mẹ có con vào đại học: Hãy đọc ngay bài viết này, lớ ngớ là con bạn có thể ôm nợ cả trăm triệu đồng

Thanh Hương, Theo Pháp luật và Bạn đọc 17:03 23/10/2020
Chia sẻ

Sự non nớt, thiếu kinh nghiệm sống khiến các bạn sinh viên năm 1 dễ là miếng mồi ngon của những kẻ lừa đảo.

Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều trường đại học trên cả nước đã cho sinh viên năm 1 nhập học. Phải rời xa gia đình, đến một thành phố xa lạ để học tập dễ khiến các bạn tân sinh viên cảm thấy choáng váng, lạc lõng. Việc thiếu kinh nghiệm sống cũng khiến tân sinh viên trở thành "miếng mồi ngon" bị các đối tượng xấu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Các hình thức, chiêu trò lừa đảo thì có nhiều nhưng phổ biến nhất chính là "lừa đảo môi giới phòng trọ" và "lừa đảo đa cấp". Để tránh bị hại, sinh viên và cả các bậc phụ huynh cần nắm rõ những mánh khóe sau:

Cẩn thận những kẻ môi giới phòng trọ

Nếu tham gia các hội nhóm mạng xã hội, bạn sẽ thấy rất nhiều những bài đăng cho thuê phòng trọ kèm theo loạt thông tin hấp dẫn như: Nhà gần bến xe bus; gần trường đại học A,B,C; vệ sinh khép kín, giờ giấc thoải mái, không chung chủ, điện nước giá dân,... Giá thuê lại chỉ từ 1,8 - 2 triệu đồng/tháng.

Nhiều tân sinh viên đọc xong liền vui mừng hớn hở, gọi điện theo số điện thoại được đăng tải trong bài viết. Nhưng khi đến nơi, các bạn mới tá hỏa biết được mình đã bị lừa. Bởi thực chất những người đăng bài là môi giới phòng trọ. Thông tin, hình ảnh phòng được đăng tải không phải của họ mà là lấy, cóp nhặt từ những nguồn khác trên mạng.

Sinh viên khi đến văn phòng môi giới sẽ được yêu cầu nộp từ 300 - 500 ngàn đồng tiền môi giới thì mới được dắt đi xem phòng. Số tiền đó cũng không được lấy lại nếu như sinh viên không ưng ý với phòng trọ. Trong nhiều trường hợp, phòng được "cò" giới thiệu cho sinh viên vô cùng kinh khủng, xập xệ, khác xa những gì mô tả.

Nhiều sinh viên bị lừa đến những phòng trọ xập xệ, cay đắng mất tiền môi giới (Ảnh minh họa)

Bạn Phương Thanh, 24 tuổi là một cựu sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ lại một trải nghiệm không mấy hay ho của mình: "Khi đó mình học năm 1 đại học. Thời gian đầu mình ở với anh chị họ nhưng vì nhà anh chị xa nên việc đi học cũng khá bất tiện. Mình tự lên mạng và tìm được thông tin cho thuê trọ. Khi mình gọi điện thì người cho thuê quanh co, không nói thẳng là môi giới mà chỉ bảo cứ đến chỗ anh rồi được dẫn đi xem nhà.

Mình vẫn nhớ văn phòng môi giới đó nằm ở đường Láng. Khi đến mình bị bắt đưa 300 ngàn đồng tiền phí chỉ đường. Nhưng đến nơi thì quá kinh khủng, phòng trọ cấp 4, nhà vệ sinh ngồi xổm bốc mùi. Những người cùng dãy trọ thì tạp nham. Lần đó, mình mất trắng 300 ngàn đồng. Với sinh viên năm nhất từ quê lên thì số tiền đó không phải nhỏ, có thể đi chợ được cả tuần". 

Cũng từng bị môi giới phòng trọ lừa và mất đến 500 ngàn đồng, bạn Hồng Vân, cựu sinh viên Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra lời khuyên đối với các bạn năm nhất: "Khi mới lên đại học, sinh viên tốt nhất nên ở ký túc xá hoặc ở cũng người thân. Sau một thời gian, quen với cuộc sống ở thành phố mới, có nhiều kinh nghiệm rồi thì các bạn hãy chuyển ra ngoài.

Gửi những cha mẹ có con vào đại học: Hãy đọc ngay bài viết này, lớ ngớ là con bạn có thể ôm nợ cả trăm triệu đồng - Ảnh 2.

Về phía môi giới, nếu bạn thấy có 2-3 bài đăng cho thuê phòng trọ, mỗi bài đăng một căn nhà khác nhau nhưng phần số điện thoại lại là một thì hãy cẩn thận! Vì đó rất có thể là môi giới. Ngoài ra, môi giới thường không ghi chính xác địa chỉ phòng trọ mà chỉ ghi nhà trong ngõ bao nhiêu. Khi gọi điện, hãy xác nhận rõ: "Anh/chị có phải chủ nhà hay không?". Nếu họ cố tình lảng tránh câu hỏi, trả lời lòng vòng sang câu khác thì hãy cúp máy luôn. Tất nhiên vẫn có trường hợp, sinh viên thuê được phòng trọ tốt nhờ môi giới nhưng những kẻ lừa đảo thì rất nhiều.

Nếu muốn thuê được phòng trọ hãy hỏi kinh nghiệm của các anh chị sinh viên khóa trên, và tìm những bài đăng có ghi địa chỉ rõ ràng, được xác nhận chính chủ đăng bài" .

Ôm nợ cả trăm triệu, mất hết bạn bè vì đa cấp

Sinh viên năm nhất sống xa gia đình, phải tự mình cân đối các khoản chi tiêu để có thể "sống sót" đến cuối tháng. Mong muốn cải thiện cuộc sống khiến nhiều bạn lao vào đi làm thêm và không may bị những công ty đa cấp lừa đảo.

Về bản chất, đa cấp không xấu nhưng đã bị lợi dụng, biến tướng. Công ty đa cấp ẩn nấp dưới vô số hình dạng như bán hàng, trung tâm tiếng Anh... và muốn trở thành nhân viên chính thức thì sinh viên phải mất vài triệu đặt cọc. Các bạn không được hưởng lương hàng tháng mà phải dụ dỗ bạn bè, người thân mua hàng. Nhiều sinh viên bị cuốn mãi vào vòng xoáy rồi hủy hợp đồng, mất thêm tiền cọc.

Theo các chuyên gia tâm lý, đa cấp đánh vào tâm lý khao khát, mong muốn cải thiện đời sống của sinh viên. Khi thấy những hình ảnh, sự kiện, nhân vật "thật" khởi nghiệp, làm giàu nhanh chóng mà không cần học đại học, sinh viên sẽ có tâm lý tò mò, hừng hực khí thế, sẵn sàng đánh đổi để có được cơ hội do những "trưởng phòng", "tổng giám đốc" này đưa ra.

Gửi những cha mẹ có con vào đại học: Hãy đọc ngay bài viết này, lớ ngớ là con bạn có thể ôm nợ cả trăm triệu đồng - Ảnh 3.

Đa cấp đứng trước cổng trường đại học để chiêu dụ sinh viên!

Gửi những cha mẹ có con vào đại học: Hãy đọc ngay bài viết này, lớ ngớ là con bạn có thể ôm nợ cả trăm triệu đồng - Ảnh 4.

Những lời lẽ mật ngọt của đa cấp

Mặt khác, nhóm lừa đảo rất biết cách nói chuyện, dụ dỗ, đánh vào tâm lý non nớt của sinh viên năm nhất. "Nhiều bạn học 4 năm đại học cũng thất nghiệp", "Bây giờ nhiều người ra trường không có việc làm",... những câu nói đó khiến sinh viên sợ hãi và mong mình có cơ hội đổi đời khi theo chân những kẻ đa cấp. Họ ngây ngô tin rằng mình sẽ có 50 triệu đồng/tháng như anh trưởng phòng nọ, mới vài năm đã leo lên vị trí giám đốc như anh trai kia,...

Ngay cả khi biết mình đã mắc bẫy đa cấp nhưng nhiều sinh viên vẫn không thoát ra được bởi tâm lý muốn gỡ gạc lại số tiền đã mất. Không ít bạn tìm cách gỡ gạc bằng cách lừa chính người thân trong gia đình mua hàng hoặc dụ dỗ bạn bè cùng lớp vào đường dây đa cấp. Càng lún càng sâu, tân sinh viên ôm cả trăm triệu đồng nợ nần, bị người quen cạch mặt.

Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, cả nước xôn xao trước vụ án nhiều sinh viên con ngoan trò giỏi bỗng "mất tích", người thân không thể nào liên lạc được bằng bất kì hình thức nào từ điện thoại, mạng xã hội, đến nhà trọ tìm,... Họ đều là sinh viên năm nhất đến từ các tỉnh thành khác, hiện đang theo học tại các trường ĐH nổi tiếng tại TP.HCM.

Đáng chú ý, trước khi mất liên lạc qua điện thoại, các sinh viên này đều vay mượn gia đình số tiền lên đến vài trăm triệu đồng với lý do là để thực hiện thủ tục du học Phần Lan. Hóa ra những sinh viên này đều dính líu đến một đường dây đa cấp, lừa đảo bằng thủ đoạn mới. Theo đó, nhóm lừa đảo lên kịch bản: Dụ sinh viên làm giả hồ sơ du học để xin gia đình hàng trăm triệu đồng nhưng thực chất là đóng tiền để có chức vụ, đầu tư vào nhóm kinh doanh đa cấp.

Từng lạc vào động đa cấp, bị các "trưởng phòng", "tổng giám đốc" xoay mòng mòng 1 tiếng đồng hồ để giảng giải về đạo lý làm giàu, đạo lý thành công, bạn Tiến Đạt (25 tuổi), cựu sinh viên Đại học Giao thông Vận tải chia sẻ lại kinh nghiệm: "Theo mình thấy đa cấp thường có 2 cách để tiếp cận với sinh viên. Một là đến những nơi như bến xe buýt, các khu chợ sinh viên,... để tìm "con mồi". Đa cấp thường đi đông thành từng nhóm và sẽ nhắm đến những bạn có vẻ ngoài giản dị, đi một mình. 

Sau đó, họ quây "mục tiêu" bằng việc trò chuyện, hỏi thăm rồi mỗi người tung hứng một câu về việc đi làm thêm, làm giàu,... Chốt lại, họ mời bạn đến một cuộc hội thảo mà ở đó có cả chục "trưởng phòng", "giám đốc" đang đợi sẵn, nhử bạn đóng tiền để được vào công ty! Hiện tại do mạng xã hội phát triển nên ngoài đi "săn lùng" ngoài đường, đa cấp còn nhắn tin dụ dỗ sinh viên qua Facebook, Zalo,...

Gửi những cha mẹ có con vào đại học: Hãy đọc ngay bài viết này, lớ ngớ là con bạn có thể ôm nợ cả trăm triệu đồng - Ảnh 5.

Mình nghĩ rằng để tránh được đa cấp, các bạn sinh viên cần phải trang bị kiến thức thật tốt, hỏi những anh chị sinh viên khóa trên để tránh bị lừa. Mình từng tham dự hội thảo và hiểu được vì sao nhiều bạn bị đa cấp lừa. Đó là bởi họ nói chuyện rất ngọt, rất khéo, biết đánh vào tâm lý người khác. Ngoài ra họ rất đông, mỗi người bồi 1 câu là đủ áp đảo mình.

Từ kinh nghiệm của bản thân, Tiến Đạt khuyên các bạn sinh viên năm 1 phải thật tỉnh táo. "Không có con đường nào giàu bền vững bằng việc học. Và chẳng có công ty nào mà đích thân giám đốc, trưởng phòng phải ngồi nói chuyện "sùi bọt mép" để gạ một... sinh viên vào làm nhân viên. Chỉ có công ty lừa đảo mà thôi. Bạn không làm mà đòi có ăn, có lương trăm triệu một tháng? Đó là điều không thể.

Với những bạn đã đi hội thảo và phát hiện ra mình bị lừa thì đừng cuống. Bởi bạn đang ở trong tập thể quá đông, nếu xử lý không khôn khéo sẽ dễ gặp nguy hiểm. Thường thì đa cấp sẽ bắt bạn nộp tiền để vào công ty. Một số bạn biết mình bị lừa nên nói "Không có tiền" nhưng các "trưởng phòng" sẽ cho vay tiền ngay và giữ chứng minh thư. Trong trường hợp này hãy kiên quyết nói mình không mang theo giấy tờ và đe dọa báo công an nếu như nhóm người này không cho mình ra về". 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày