Chàng trai được nhắc tới ở đây là Hồ Đình Thạc, cựu sinh viên khoa Luật Đại học Quốc gia Đài Loan, người sáng lập ra SIB (Social Innovation Bus) - Hiệp hội xe buýt cách tân xã hội, ngoài ra anh còn là giảng viên phát triển doanh nghiệp xã hội.
Chân dung chàng trai mắc hội chứng "người hóa đá" ALS với nghị lực phi thường.
Anh là "người hóa đá" trong mắt nhiều người, nhưng so với những người trẻ cùng lứa tuổi, cuộc sống của anh lại sinh động hơn hẳn. Cha mẹ anh li dị từ bé, một tay mẹ anh, bà Hà Mỹ Kim nuôi anh lớn. Vì mắc hội chứng "xơ cứng teo cơ một bên" (ALS, hay bệnh Lou Gehrig), mọi hoạt động dù đơn giản nhất đều khiến anh gặp khó khăn, mẹ anh đã bỏ việc, tự mình mở công ty riêng để tiện chăm sóc người con trai.
Sau đó, mẹ anh cũng phải đóng cửa công ty, hai mẹ con anh đã phải trải qua cuộc sống lang thang nhặt nhạnh đồ ăn thừa ở chợ, hoặc đến siêu thị xin đồ đã hết hạn sử dụng. Anh nói: "Hiện tại nhớ lại, người khiến tôi không thể tưởng tượng nhất chính là mẹ. Từ một bà chủ doanh nghiệp đột nhiên biến thành nhân viên kế toán kiêm chức, còn phải làm thêm mấy công việc như rửa bát, lau dọn... Có thể nói mẹ tôi là hiện thân cho mấy chữ "chấp nhận số phận". Dù có vất vả tới đâu, vẫn phải làm việc kiếm tiền, ăn cơm, đi ngủ, phải duy trì cuộc sống theo quy luật như nó vốn có. Đây là thái độ sống mà bà đã chỉ cho tôi."
Người mẹ vĩ đại đã hy sinh tất cả để nuôi lớn đứa con khiếm khuyết.
"Người mẹ vất vả một mình nuôi tôi khôn lớn"
Người mẹ bên đứa con trai nay đã trưởng thành, đã có thể tự đứng trên đôi chân của mình.
Anh còn nhớ có lần vì quá tuyệt vọng, anh đã cầm dao định tự sát. Mẹ anh đưa tay cầm thẳng vào lưỡi dao, bình tĩnh nói: "Không nghịch nữa, đưa dao cho mẹ, mẹ còn phải nấu cơm." Sau lần ấy, anh càng hiểu thêm đạo lý mà mẹ đã dạy anh: "Cuộc sống dù có khó khăn đến đâu thì vẫn phải sống."
Cuối cùng, bằng tình thương của mẹ, và sự cố gắng không ngừng, anh đã vượt qua số phận, nỗ lực học tập và đã giành được nhiều thành tựu trong cuộc sống. Anh đã sáng lập ra ba doanh nghiệp xã hội là SIB, Pumpkin No.3 và Pinglin Street, giảng viên danh dự cố vấn khởi nghiệp cho thanh niên Học viện Giáo dục, Đại học Hongkong, ngoài ra còn là cố vấn thanh thiếu niên Viện hành chính cấp cao.
SIB - Doanh nghiệp xã hội với mục tiêu tối cao là phát triển xã hội hay bảo vệ môi trường thông qua việc sử dụng phương thức hoạt động như một doanh nghiệp.
Tới tận ngày sinh nhật lần thứ 23 của mình, anh mới có cơ hội viết một lá thư cảm ơn người đã mang cho anh tất cả - Mẹ. Bức thư gây xúc động mạnh không chỉ một lần nữa cho chúng ta thấy tình mẫu tử thiêng liêng và vĩ đại tới nhường nào mà nó còn trở thành cảm hứng, thành động lực cho rất nhiều mảnh đời với số phận kém may mắn tương tự như Hồ Đình Thạc.
Hồ Đình Thạc khi đứng lớp.
Nguyên văn bức thư gửi mẹ của anh:
"Mẹ ơi,
Hôm nay là sinh nhật con, ngày hôm nay của 23 năm trước cho tới bây giờ, mẹ đã phải vất vả rồi.
Con không thể tưởng tượng nổi, sinh ra một đứa con mắc chứng xơ cứng cột bên teo cơ như con, mẹ đã phải trải qua những ngày tháng bị họ hàng thân thích chỉ trích, mắng mỏ như thế nào? Mẹ bỏ công việc làm quản lý công ty bảo hiểm lương cao, kết thúc hôn nhân, quyết tâm nuôi con lớn, mẹ có thể ném con vào trại điều dưỡng mà, nhưng mẹ lại không làm vậy, vì sao hả mẹ?
Bác sĩ nói: "Đứa bé này không sống qua được 6 tuổi đâu, không sống qua được 12 tuổi đâu, nhiều lắm là sống được đến 18 tuổi." Con không biết tại sao lúc ấy, mẹ nghe được tin dữ như vậy mà vẫn có thể mỉm cười dỗ con: "Chú bác sĩ nói 6 tuổi là con sẽ khỏe lên, 12 tuổi là con sẽ khỏi hẳn." Đến năm 18 tuổi, bệnh của con tái phát một cách nghiêm trọng, thậm chí còn bị trầm cảm, ngày nào cũng muốn chết, con không biết, mẹ của ngày đó, dù thất nghiệp nhưng đã làm cách nào để chống đỡ bầu trời, không cho chút mây đen đè xuống đứa con yếu ớt như con.
Hiện tại, con 23 tuổi, mỗi ngày con được sống lâu hơn, đều vì mẹ mà đạt được, vì mẹ mà vinh quang. Vì bận bịu làm việc kiếm tiền trả nợ mà ngay cả việc đến Cao Hùng nhận giải thưởng vinh danh "Người mẹ kiểu mẫu", mẹ cũng không làm được. Ngày hôm nay, con muốn nói với mẹ thật lớn: "Con yêu mẹ, mẹ mãi mãi là người mẹ kiểu mẫu trong lòng con."
Ngày còn bé, có một chuyện khiến con vừa giận vừa khó hiểu. Đó là mỗi lần con vấp ngã, mẹ đều không đỡ con dậy. Dù con phải bò, phải lết mười phút, hai mươi phút trên sân công viên, giữa ánh nhìn của bao người, phải cố gắng vịn vào ghế ngồi trong đó mới có thể nghiêng nghiêng ngả ngả đứng lên, mẹ vẫn không chịu đỡ con. Sau này, lớn lên rồi con mới biết, có rất nhiều người mắc bệnh giống con, thậm chí họ còn chẳng bước đi được. Nếu mẹ không nhẫn tâm, không quyết tâm không đỡ con, con sẽ chẳng học được cách bước đi trên chính đôi chân mình. Con không biết mẹ đã phải nhẫn nhịn thế nào mới có thể không đưa tay ra, mỗi một phút đồng hồ con giãy giụa trên mặt đất, đối với mẹ không phải là như chịu ngàn vết dao chém dài lâu đến cả thế kỉ ư?
Người khác càng thương hại con, mẹ càng yêu cầu nhiều hơn ở con. Lúc nhỏ, các cơ ở phần tay không phối hợp với nhau, chữ xấu, con viết một trang, mẹ xé một trang; thành tích không tốt, con ít đi một điểm, mẹ đánh con một cái, "Đi đã không tốt rồi, giờ học cũng không giỏi, mẹ mất rồi thì con phải làm sao?"
Con vào cấp 3, con học Luật ở Đại học Quốc gia Đài Loan, tất cả chúng, đều là do mẹ chuẩn bị cho con. Học hành không phải con đường duy nhất dẫn tới thành công, nhưng đó là con đường an toàn mà mẹ đã dùng máu và nước mắt để lót cho con đi. Mỗi một roi trong tay mẹ, đánh lên người con, cũng chính là đánh lên người mẹ, mẹ chịu đựng nỗi đau trong trái tim, mẹ muốn con tự mình đứng vững, không muốn bất kì ai thương hại con.
Khi đó tự mẹ điều hành công ty, nhưng dù bận tới cỡ nào, mẹ vẫn tự đưa cơm trưa tới cho con, đơn giản là vì con thích ăn cơm hộp của một hàng ăn duy nhất. Tuy thời điểm mẹ đưa tới luôn quá muộn, con không kịp ăn, mà bị phạt ăn ở ngoài lớp học trong lúc các bạn được ngủ trưa. Nhưng mẹ không biết đâu: Mỗi buổi trưa đều được nhìn thấy mẹ, dù chỉ trong chốc lát, con cũng cảm thấy hạnh phúc vô cùng.
Hồi con lên cấp 3, công ty mẹ mở bị đối thủ chèn ép phải đóng cửa. Ban ngày mẹ đã kiếm được một công việc làm kế toán để sống tạm, vậy nhưng trời còn chưa sáng, mẹ đã phải ra ngoài đến một cửa hàng chuyên bán đồ ăn sáng để làm công, tối đến thì rửa bát ở một nhà hàng buffet, chỉ vì muốn mang thêm chút đồ ăn thừa về cho con cải thiện.
Con còn nhớ một buổi tối, đã 11 giờ rồi mà mẹ vẫn chưa tới đón con. Giáo viên dạy thêm kéo cửa sắt ở tầng 2, đưa con xuống tiệm tạp hóa ở tầng 1, chờ mẹ đi làm về. "Em muốn uống gì thì tự mình chọn nhé." Con đứng trước tủ lạnh, mắt hoa hết cả lên. Con không có tiền tiêu vặt, vì vậy cũng không có thói quen mua đồ uống, cứ đừng tần ngần ở đó, bà Lưu đi bách bộ ngang qua cũng thấy bất lực. "Đây, cái này uống ngon." Cô chủ nhiệm đi tới, chọn hai chai trà sữa màu xanh, đáy hẹp, miệng rộng đi về phía tính tiền.
Con bỗng hiểu được tầm quan trọng của sự lựa chọn. Con không có tiền, con không thể lựa chọn thức uống mà con muốn. Số phận của mẹ cũng là thứ chẳng thể lựa chọn. Khi đó, con nghĩ chỉ cần có tiền, liệu có phải con có thể giúp cuộc đời của mẹ có nhiều thêm những lựa chọn? Con không cần phải biến thành triệu phú, nhưng ít nhất con muốn mình có năng lực lựa chọn thứ mà mình muốn. Mà thứ con muốn, chỉ là buổi tối mẹ có thể về nhà sớm hơn một chút, buổi sáng có thể ngủ nhiều thêm một chút.
Lớp 9 con bắt đầu làm thêm, lớp 10 bắt đầu dạy thêm, năm 2 Đại học, thu nhập một tháng của con đã là 15.000 tệ. Mẹ ơi, việc con làm đều là vì muốn mẹ yên tâm, có thể tự do lựa chọn cuộc sống mà mẹ mong muốn. Hiện tại, con gia nhập con đường làm hoạt động xã hội, doanh nghiệp xã hội này, tuy không còn động một cái là chục nghìn tệ vào túi nữa, nhưng con cũng sẽ không quên bóng lưng mẹ đã vì con mà miệt mài rong ruổi mưu sinh.
Con muốn mẹ an tâm, muốn chăm sóc mẹ, muốn tự chăm sóc mình cho tốt, muốn mẹ mãi mãi đứng thứ nhất trong con. Mẹ luôn nói: "Từ thiện thì để Quách Đài Minh làm là được rồi, không tới phiên dân đen như chúng ta." Con muốn nói với mẹ, việc con đang làm không phải từ thiện, mà là con hy vọng trong lúc kiếm tiền, con có thể làm một chút gì đó cho thế giới này. Giống như lúc mẹ làm hướng dẫn chăm sóc con cái cho các bà mẹ trẻ, hay lúc mẹ làm tình nguyện viên quét dọn đường phố, mẹ bảo con: "Lúc chúng ta khó khăn, người khác giúp đỡ chúng ta nhiều như thế, việc mình có thể làm, thì làm nhiều hơn một chút."
Mẹ có thể nghỉ ngơi hưởng phúc rồi, những trọng trách sau này, con sẽ gánh vác thay cho cả hai ta.
Lên trung học, sau khi phát bệnh, con không thể tự mình bắt xe buýt tan học, không thể tới hợp tác xã nhận cơm trưa nhân ái. Lúc vừa mới ngồi xe lăn, con thậm chí còn không thể chấp nhận đó là sự thật, ngoài khóc ra, con chỉ biết đòi tự tử, và tự hỏi tại sao ông trời lại đối xử như vậy với con. Con biết, mẹ còn khó chịu hơn con. Nhưng mẹ nhịn xuống, chỉ khi con khóc mệt, gục xuống bàn rồi, mẹ mới trêu cho con cười, rồi hỏi con có muốn bổ sung thêm nước không.
Có một ngày, con cầm con dao chuẩn bị cắt cổ tay. Mẹ dùng sức giành lại, lập chí còn dùng tay không trực tiếp cầm lấy lưỡi dao, mẹ không quan tâm mình có bị thương hay không, mẹ chỉ quan tâm con phải sống. Con bị dọa tới mức tay tự buông ra, sau đó ngã ngồi xuống góc tường.
"Đừng nghịch nữa, mẹ phải nấu bữa tối, đưa dao cho mẹ."
Khi đó, con cảm thấy mẹ thật ngớ ngẩn, con người ta đã không muốn sống rồi, lại còn nói ăn cơm gì cơ chứ. Nhưng mẹ không biết, những lời này của mẹ, đã cùng con vượt qua biết bao cơn sóng gió. "Dù đau đớn, gian nan ra sao, ngày mai vẫn sẽ tới, cuộc sống vẫn phải sống." Đây là những gì con đã học được, cảm ơn mẹ, đã hy sinh cả đời mình cho con mà không đòi hỏi báo đáp.
Mẹ thật sự quá vĩ đại, kiếp sau, con sẽ không làm con của mẹ nữa, con muốn làm cha của mẹ, làm mẹ của mẹ, che chở cho mẹ, để mẹ không phải đau như vậy, khổ như vậy nữa.
Mẹ ơi, con yêu mẹ."
(Theo parenting.com.)