Gục ngã trước đại dịch Covid-19, nhiều trường mầm non tư thục trên cả nước phải đóng cửa, sang nhượng

Nhật Anh, Theo Trí Thức Trẻ 14:42 30/03/2020

Sau 2 tháng cho học sinh nghỉ học phòng chống dịch Covid-19, hàng loạt trường mầm non đã phải chấp nhận đóng cửa, sang nhượng vì không còn kinh phí duy trì tiếp được nữa.

Gục ngã trước đại dịch Covid-19, nhiều trường mầm non tư thục trên cả nước phải đóng cửa, sang nhượng - Ảnh 1.

Ảnh: Tuổi trẻ.

Dịch Covid-19 đang khiến nhiều ngành nghề trong nền kinh tế lao đao từ du lịch, khách sạn, nhà hàng, đến dịch vụ ăn uống... Tuy nhiên khi một số ngành có thể tìm cách xoay sở, chuyển từ kinh doanh offline sang online, chấp nhận cung cấp sản phẩm/dịch vụ tận nhà thì một ngành đặc thù như trường mầm non, nếu không có học sinh đến trường hoặc tạm thời chuyển hướng sang mảng khác, chỉ có thể cầm chắc đáp án đóng cửa.

Sau 2 tháng không có học sinh đến trường, đồng nghĩa các cơ sở mầm non sẽ không có nguồn thu từ học phí. Hiện đa phần các trường mầm non tư thục đều lâm vào cảnh lao đao. Thậm chí nhiều chủ trường đã phải thông báo sang nhượng hoặc thanh lý đồ dùng, thiết bị dạy học vì không còn vốn để duy trì tiếp.

Gục ngã trước đại dịch Covid-19, nhiều trường mầm non tư thục trên cả nước phải đóng cửa, sang nhượng - Ảnh 2.
Gục ngã trước đại dịch Covid-19, nhiều trường mầm non tư thục trên cả nước phải đóng cửa, sang nhượng - Ảnh 3.
Gục ngã trước đại dịch Covid-19, nhiều trường mầm non tư thục trên cả nước phải đóng cửa, sang nhượng - Ảnh 4.

Thông tin sang nhượng trường mầm non xuất hiện hàng loạt tại các hội, nhóm trên mạng xã hội.

Với các trường còn trụ lại, tương lai có thể duy trì tiếp hay không vẫn là một ẩn số.

Chia sẻ với VTV, cô Nguyễn Thị Lộc, Hiệu trưởng mầm non Vietkid Hà Nội nghẹn ngào: "Mỗi tháng tiền chi trả mặt bằng đã 300 triệu đồng, trả lương giáo viên gần 500 triệu đồng. Hiện tại chúng tôi vẫn phải duy trì đội ngũ giáo viên, nhân viên vì đó là những nhân vật nòng cốt của hệ thống, những người được đào tạo cao đẳng, đại học, trên đại học và họ rất yêu trẻ. Chúng tôi có thể tiếp tục cầm cự 1-2 tháng nữa, nhưng những tháng tiếp theo quá là khó khăn với chúng tôi".

Tương tự, Phó hiệu trưởng mầm non song ngữ Embassy Hà Nội, cô Phạm Thị Quý Thể chia sẻ: "Đây là một điều đau lòng với ngành giáo dục nói chung. Nếu dịch bệnh kéo dài, chúng tôi không biết có thể tiếp tục được nữa hay không".

Theo thống kê, toàn quốc có khoảng 15.700 nhóm lớp mầm non tư thục, có quy mô dưới 70 học sinh. Với các cơ sở này, chủ trường thường là nhà đầu tư nhỏ, năng lực tài chính không dồi dào, nhiều cơ sở vay từ ngân hàng để hoạt động, trong khi dòng tiền đến từ học phí là chính. Việc không có nguồn thu nhưng vẫn phải chi trả tiền mặt bằng, tiền lương giáo viên thậm chí trả nợ ngân hàng đẩy họ vào tình cảnh cạn kiệt tài chính.

Gục ngã trước đại dịch Covid-19, nhiều trường mầm non tư thục trên cả nước phải đóng cửa, sang nhượng - Ảnh 5.

Ảnh: VTC News

Hiện nay, số trường ngoài công lập chiếm tỷ lệ gần 20% số trường mầm non trên cả nước với hơn 1,2 triệu học sinh đang theo học ở các hệ thống này. Sự việc hàng loạt trường đã và đang có nguy cơ giải thể sẽ dần đến tình trạng mất việc hàng loạt của giáo viên ở bậc học này, đặt áp lực lớn lên hệ thống mầm non khi học sinh đi học trở lại.

Trước đó, hồi đầu tháng 3, 150 trường tư thục nói chung trên cả nước đã đồng loạt "kêu cứu" vì có nguy cơ phá sản do Covid-19. Một khảo sát nhanh do các trường tự thực hiện cho thấy nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, 80% số cơ sở giáo dục ngoài công lập sẽ bị sụt giảm doanh số trên 50%, và 90% số cơ sở này có nguy cơ phá sản do không cân đối được thu chi.

Các trường đã đề nghị một số biện pháp như giảm thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay,… để có thể tiếp tục cầm cự qua giai đoạn khó khăn này.

Gục ngã trước đại dịch Covid-19, nhiều trường mầm non tư thục trên cả nước phải đóng cửa, sang nhượng - Ảnh 6.