Hãy trả lời câu hỏi: “Ngành gì phù hợp với tôi?”
GS. Trương Nguyện Thành chia sẻ, học cái gì là câu hỏi mà tất cả học sinh THPT phải trả lời trước khi muốn vào đại học. Khi chọn ngành học, học sinh thường tập trung vào sở thích và đam mê. Trong khi, phụ huynh thì lo lắng về cơ hội việc làm của con em sau khi ra trường. Do đó, thường xảy ra mâu thuẫn khi cha mẹ và con cái có những nhận định khác nhau về việc lựa chọn nghề nghiệp.
Cũng theo GS. Thành, thay vì đặt câu hỏi “Học để làm gì” thì chúng ta có thể trả lời câu hỏi “Ngành gì phù hợp với tôi”. Từ câu hỏi đó, chúng ta sẽ nhận thức được rằng, muốn chọn một ngành nghề phù hợp thì bản thân chúng ta cần phải biết mình là ai.
Giáo sư Trương Nguyện Thành.
“Chúng ta phải hiểu rằng, đam mê, khả năng, sở thíc, tính cách, …và mục tiêu của việc học là nhằm hướng đến cuộc sống tự lập, sung túc. Do đó chúng ta cần cân nhắc về cơ hội cho tương lai”, Giáo sư Thành nhấn mạnh.
Giáo sư Thành cho rằng, muốn chọn ngành nghề, đòi hỏi người học phải nắm 3 vấn đề:
Thứ nhất là đam mê và tính cách: Bạn là người sống nội tâm hay hướng ngoại? Nếu bạn sống nội tâm, giả sử chọn nghề maketing thì không phù hợp.
Thứ hai là khả năng: Bạn thường nghe nếu giỏi toán thì học kĩ thuật, khoa học; giỏi văn thì học về xã hội; giỏi sinh thì học về y, dược,…Đương nhiên khi học những ngành mà mình giỏi thì dễ dàng hơn rất nhiều
Thứ ba là cơ hội việc làm trong tương lai: Không ai muốn có tấm bằng đại học rồi mà phải thất nghiệp cả, do đó cần phải cân nhắc về các cơ hội.
Tuy nhiên, GS. Thành cũng nhận thấy, vấn đề gây khó cho các bạn trẻ ở bậc THPT là: “Khi bạn ở cái thời điểm đó (THPT), nếu không hiểu biết nhiều về cá nhân của mình, về đam mê của mình thì việc lựa chọn nghề nghiệp sẽ khá khó khăn.
Bên cạnh đó, bạn cũng chưa hình dung được, khi bạn vào đại học thì bạn sẽ được rèn luyện về kĩ năng và nâng cao khả năng đó như thế nào. Ngoài ra, cơ hội việc làm ngày hôm nay và khi bạn ra trường nó đã thay đổi nhiều, nhất là khi bạn đang sống trong kỷ nguyên mà tự động hóa cũng như trí tuệ nhân tạo đang thay đổi môi trường làm việc một cách nhanh chóng”.
Sinh viên thay đổi ngành học là chuyện bình thường
GS. Thành cho biết, việc chọn ngành học thật ra không quá nặng nề như mọi người suy nghĩ. Theo khảo sát từ Linkednl gần đây cho biết, sinh viên sau khi ra trường cho đến lúc 32 tuổi, trung bình mỗi người thay đổi việc làm 4 lần. Một bài báo cáo của Bộ Giáo dục Mỹ mới đây cũng thông tin, từ 30-50% sinh viên thay đổi ngành trong vài năm đầu tiên ở đại học.
“Điều này cho chúng ta thấy, việc chọn ngành ở THPT nó không quá nặng nề, điều quan trọng là chúng ta chọn một hướng để phát triển phù hợp với mình. Ví dụ như là, hướng kinh doanh, hướng kĩ thuật, hướng xã hội, hướng nghệ thuật, …
Khi mà bạn đã chọn được hướng và chọn được ngành, cái quan trọng là bạn chọn trường, cho phép bạn có thể thay đổi ngành học một cách dễ dàng, ít tốn kém”, GS. nói.
GS. Thành chốt lại vấn đề: “Chúng ta cũng nên nhớ rằng, cuộc đời không bao giờ là một con đường thẳng mà nó rất nhiều quanh co và nhiều ngã rẽ. Cho nên, khi chúng ta vào đại học, chúng ta cảm thấy rằng việc chọn ngành ở bậc THPT chưa phù hợp thì chúng ta có thể chọn cho mình một cơ hội để thay đổi ngành nghề cho phù hợp với tính cách và đam mê của mình”.