Cũng nhờ có sự phát triển của mạng xã hội, một số nạn nhân đã tình cờ tìm lại được gia đình của mình. Từ đây, vụ bê bối mới được đưa ra ánh sáng.
Năm 2022, khi vào mạng xã hội TikTok, cô sinh viên Elene Deisadze, người Gruzia, tình cờ thấy trang cá nhân của một cô gái tên Anna Panchulidze trông giống hệt mình. Sau nhiều tháng trò chuyện và trở thành bạn bè, cả hai đều biết mình được nhận nuôi nên đã quyết định xét nghiệm ADN. Kết quả cho thấy hai cô gái không chỉ có quan hệ họ hàng mà còn là cặp song sinh giống hệt nhau.
Elene Deisadze kể lại: "Chúng tôi kết bạn trên Facebook. Câu đầu tiên tôi hỏi người mà sau này mới biết là chị em ruột của mình là 'Sao chúng mình lại giống nhau thế nhỉ?'".
Cặp chị em này nằm trong số hàng chục nghìn trẻ em Gruzia bị bán trái phép trong vụ bê bối buôn bán trẻ em kéo dài hàng thập kỷ. Bê bối bị phanh phui khi các nhà báo và các gia đình đang tìm kiếm người thân mất tích cùng lên tiếng.
120.000 trẻ sơ sinh tại Gruzia đã bị đánh cắp và đem đi bán cho nhiều gia đình (Ảnh: Telegraph)
Những đứa trẻ bị đánh cắp, thậm chí bị thông báo là tử vong nhưng thực ra được đưa đi bán cho cha mẹ nuôi ở Gruzia hoặc ở nước ngoài. Các nhà báo phát hiện ra việc nhận con nuôi bất hợp pháp đã diễn ra trong hơn 50 năm với sự tham gia của một mạng lưới các bệnh viện phụ sản, y tá và cơ quan nhận con nuôi. Những đối tượng và cơ sở này đã thông đồng để đánh cắp trẻ, làm giả hồ sơ khai sinh và đưa đến gia đình mới để đổi lấy tiền.
Đến nay, đã có hơn 800 gia đình được đoàn tụ nhờ các hội nhóm trên mạng xã hội. Tuy nhiên, với các nạn nhân, quãng thời gian đã quá khó có thể bù đắp nổi.
Chị Anna Panchulidze trải lòng: "Tôi đã phải rất cố gắng mới có thể tiếp nhận thông tin và chấp nhận thực tại. Tôi có cảm giác như quá khứ đã qua là ảo giác chứ không phải cuộc sống thực của tôi".
Chính phủ tại Gruzia qua các thời kỳ đã nhiều lần nỗ lực điều tra âm mưu này và thực hiện một số vụ bắt giữ trong 20 năm qua. Hiện giới chức nước này đang mở cuộc điều tra dựa trên những thông tin được các nhà báo cung cấp.