Grab bị Tổng cục Thuế yêu cầu giải trình vì "mượn" thay đổi trong Nghị định 126 để áp đặt tăng cước phí lên tài xế

Gia Đoàn, Theo Pháp luật và Bạn đọc 15:57 09/12/2020

Cho rằng Grab đã tăng cước sai với quy định, Tổng cục Thuế Việt Nam đã yêu cầu đơn vị này làm giải trình báo cáo.

Tổng cục Thuế vừa có văn bản yêu cầu Grab giải trình về việc doanh nghiệp này dựa theo thay đổi trong chính sách thuế của Nghị định 126 để áp đặt tăng cước, tăng phí lên các tài xế.

Theo đó, trong văn bản được Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ cá nhân, Tổng cục Thuế khẳng định: Theo quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP, tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân (bao gồm cả lĩnh vực taxi công nghệ) phải có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng (VAT) và xuất hóa đơn trên toàn bộ doanh thu theo quy định về thuế suất và khai thuế của tổ chức.

"Grab phải chịu trách nhiệm và phải giải trình về việc vin cớ Nghị định 126/2020 để tăng cước. Các tổ chức này chỉ khấu trừ và khai thay, nộp thay cho cá nhân đối với thuế VAT theo quy định không phân biệt hình thức phân chia khoản tiền thu được giữa tổ chức và cá nhân", Tổng cục Thuế khẳng định.

Trong thời gian qua do chưa có hướng dẫn cụ thể về chính sách thuế đối với mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân nên dẫn đến việc thực hiện khai thuế đối với mô hình Grab không thống nhất, không đúng quy định.

"Nghị định 126 của Chính phủ là văn bản hướng dẫn về quản lý thuế nên chỉ quy định rõ hơn về việc khai thuế đối với mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân, không phải quy định mới về chính sách thuế VAT - chính sách thuế GTGT đối với hoạt động vận tải công cộng không thay đổi, vẫn áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% như từ trước đến nay.

Vì vậy, các quy định mới tại Nghị định 126 không làm tăng nghĩa vụ của cá nhân tài xế (bởi các tài xế chỉ chịu Thuế thu nhập cá nhân 1,5% nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng), không làm tăng giá cước vận tải (do chính sách thuế GTGT 10% đối với vận tải không thay đổi mà vẫn áp dụng từ trước đến nay)", văn bản của Tổng cục Thuế nêu rõ.

Grab bị Tổng cục Thuế yêu cầu giải trình vì mượn thay đổi trong Nghị định 126 để áp đặt tăng cước phí lên tài xế - Ảnh 1.

Phản đối với việc Grab tăng thuế vô lý nhiều tài xế đã kéo đến trụ sở làm việc của đơn vị này để chất vấn

Grab phải có trách nhiệm điều chỉnh lại cơ cấu giá tính thuế để đảm bảo không ảnh hưởng đến người tiêu dùng cũng như thu nhập của tài xế.

Tổng cục Thuế nhấn mạnh, vai trò của hãng xe công nghệ trong đó có Grab phải thực hiện khai thuế VAT được xác định là hoạt động kinh doanh vận tải, không phải là hoạt động kinh doanh công nghệ.

"Thực tế Grab giữ vai trò quyết định về giá vận tải, quyết định về các chính sách với khách hàng, chịu trách nhiệm giao dịch với khách hàng, do đó, Grab có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ về pháp lý trong mọi lĩnh vực (bao gồm nghĩa vụ thuế) với cơ quan nhà nước, nghĩa vụ với khách hàng và các vấn đề liên quan đến tư pháp (nếu có) là đúng với bản chất hoạt động kinh tế phát sinh.

Theo đó, việc Grab thay đổi chính sách giá và tỷ lệ chiết khấu cho tài xế tại thời điểm 5/12 và cho rằng do tác động của Nghị định 126 dẫn đến tăng giá cước từ 8% đến 18% đối với từng loại hình dịch vụ và ở từng khu vực khác nhau, đồng thời giảm tỷ lệ chia cho tài xế 7% là không đúng", văn bản của Tổng cục thuế nhấn mạnh.

Dưới góc nhìn của luật sư, luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng, trong các loại hình vận tải thì xe ôm công nghệ, taxi công nghệ là loại hình mới mà hệ thống pháp luật đang dần dần từng bước hoàn chỉnh để quản lý loại hình vận tải này bởi vậy việc phát sinh những tranh chấp, khiếu kiện giữa các bên liên quan là có thể xảy ra.

Grab bị Tổng cục Thuế yêu cầu giải trình vì mượn thay đổi trong Nghị định 126 để áp đặt tăng cước phí lên tài xế - Ảnh 2.

Cụ thể, theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế, thì từ ngày 05/12/2020, mức thuế GTGT với xe công nghệ sẽ là 10% trên doanh thu.

"Theo quy định này, nếu thuế GTGT với xe công nghệ tăng từ 3% lên 10% trên doanh thu và cước vận tải giữ nguyên, thu nhập của tài xế sẽ giảm 8%. Ví dụ, một chuyến xe có cước phí 100.000 đồng thì tài xế nhận về khoản doanh thu 76.400 đồng (sau khi trừ thuế và phí dịch vụ kết nối). 

Với quy định tại Nghị định 126, tài xế sẽ chỉ còn nhận được 70.800 đồng. Bản chất của thuế giá trị gia tăng là thu của người tiêu dùng, doanh nghiệp vận tải tăng vào giá cước để thu của người tiêu dùng nộp cho nhà nước chứ không phải là thuế mà doanh nghiệp phải nộp. 

Với taxi công nghệ thì lái xe phải nộp thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Còn thuế giá trị gia tăng được tính vào giá thì khách hàng phải nộp. Tuy nhiên việc xác định thuế giá trị gia tăng sẽ làm tăng giá cước phí. 

Không những thế, doanh nghiệp này đang có xu hướng chuyển những chi phí, thiệt thòi về phía người lái xe. Theo một số lái xe cho biết họ phải thu nộp về công ty đến 20%, thậm chí đến 30 % thuế giá trị gia tăng chứ không phải 10% như quy định. Chính vì vậy một số lái xe đã phản đối chính sách của hãng xe công nghệ này", luật sư Cường cho biết.

Grab bị Tổng cục Thuế yêu cầu giải trình vì mượn thay đổi trong Nghị định 126 để áp đặt tăng cước phí lên tài xế - Ảnh 3.