Gọi điện nghe rất vào tai nhưng khi bị dí "vào ngay link này": Tuyệt đối tắt máy ngay!

PV(t/h), Theo Đời sống pháp luật 14:25 19/08/2024
Chia sẻ

Mới đây, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra cảnh báo đối với người dân về hình thức lừa đảo thông qua giả danh shipper lừa đảo người dùng.

Cục an toàn thông tin cho biết, đối với hình thức lừa đảo giả danh Shipper lừa đảo người tiêu dùng, thủ đoạn của các đối tượng là gọi điện thoại cho người dân, tự xưng là nhân viên giao hàng, thông báo có đơn cần giao và yêu cầu chuyển khoản để thanh toán.

Sau khi người dân chuyển khoản thành công, các đối tượng liền thông báo do nhầm lẫn nên số tài khoản trên là số đăng ký thẻ hội viên shipper.

Khi chuyển tiền vào đó, trung tâm sẽ kích hoạt gói cước hội viên, mỗi tháng tự động bị trừ 3,5 triệu đồng từ tài khoản. Đồng thời, gửi cho người dân đường link trang Facebook và số điện thoại giả mạo trung tâm vận chuyển để người dân liên hệ hủy đăng ký hội viên.

Khi bấm vào đường link giả mạo và nhập các thông tin cá nhân, nạn nhân có nguy cơ bị đánh cắp tiền trong tài khoản ngân hàng.

Gọi điện nghe rất vào tai nhưng khi bị dí "vào ngay link này": Tuyệt đối tắt máy ngay!- Ảnh 1.

Ảnh: Cục an toàn thông tin

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người tiêu dùng nâng cao ý thức cảnh giác khi thanh toán mua hàng online. Luôn xác minh thông tin liên quan dịch vụ/chương trình khuyến mãi trực tiếp với đơn vị cung cấp qua số điện thoại hoặc địa chỉ chính thức để bảo đảm giao dịch với đơn vị chính thức và uy tín.

Không chuyển tiền cho bất kỳ ai yêu cầu bạn thanh toán trước khi nhận hàng hoặc trước khi đăng ký dịch vụ. Tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn được đối tượng lạ gửi đến.

Liên quan đến vấn đề này, báo Lao động cho hay, có thể thấy các đối tượng thường chọn thời điểm khách hàng không có mặt tại nhà (giờ hành chính) để gọi điện. Khi không có mặt tại nhà, đối tượng sẽ nói rằng đã gửi hàng cho người quen, hàng xóm, bạn bè… sau đó yêu cầu khách hàng chuyển tiền thanh toán đơn hàng. Nhận được tiền, đối tượng sẽ chiếm đoạt và cắt đứt liên lạc với khách hàng.

Đây là một loại hình lừa đảo mới, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác: Không nhận bất cứ đơn hàng nào mà mình không đặt mua, không chuyển khoản, thanh toán các đơn hàng không có ảnh chụp rõ mã vận đơn, thông tin người nhận và tuyệt đối không click vào bất cứ đường link nào để tránh sập bẫy.

Trao đổi với PLO, Thạc sĩ tâm lý Dương Thị Thu Hà, Phó Viện trưởng Viện Tâm lý đời sống, khẳng định đây chính là thủ đoạn dựng kịch bản để thao túng tâm lý. Phần lớn người thao túng hiểu rõ tâm lý và điểm yếu của người bị thao túng. Trong trường hợp này, mục đích của những cuộc gọi chủ yếu đánh vào nỗi sợ căn bản của con người: Sợ mất tiền, sợ pháp luật, sợ mang tiếng, sợ nợ nần, sợ mất danh dự...

Theo Ths Dương Thị Thu Hà, khi gặp các trường hợp đáng ngờ như trên, để xử lý một cách hiệu quả và an toàn, người bị lừa cần bình tĩnh hít thở, thay đổi trạng thái cơ thể để lấy lại tỉnh táo, không để mình bị cuốn theo những lời đe dọa. Sau khi thoát khỏi trạng thái hoảng loạn, bạn có thể lên mạng đọc để biết thêm thông tin. Hiện có quá nhiều trường hợp bị thao túng và thiệt hại rất nhiều tiền; nghĩ về những tin tức trên mạng và hãy nghi ngờ; chia sẻ và hỏi thêm người thân, bạn bè để họ hỗ trợ giải quyết vấn đề này, tuyệt đối không giấu làm một mình.

Ngoài việc giả danh shipper lừa đảo người tiêu dùng, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã đưa ra một số hình thức lừa đảo trực tuyến khác mới xuất hiện trong thời gian gần đây như:

- Giả mạo trang thông tin của các tổ chức nhằm chiếm đoạt tài sản

- Mua hàng giả, hàng kém chất lượng trên mạng xã hội

- Chiêu trò lừa đảo liên quan đến bất động sản


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày