Bradley Williams, 28 tuổi, đến từ Kent, Anh và Cazzy McGuinness, đến từ Belfast, North Ireland, 29 tuổi, hiện đang sống trong nhà di động và đi du lịch khắp thế giới (Ảnh: Dream Big, Travel Far)
Đó là chia sẻ của một cặp đôi người Anh/North Ireland đang sống trong motorhome toàn thời gian.
Sau một thời gian dài đi du lịch khắp nơi, Bradley Williams, người Anh, đã quyết định sống trong nhà di động với người bạn đời Cazzy McGuinness, người North Ireland, với nguồn thu nhập chính là viết blog Dream Big, Travel Far, hợp tác với một công ty trải nghiệm du lịch.
Anh hồ hởi: “Giờ đây chúng tôi có toàn quyền kiểm soát sẽ đi đến đâu và khi nào. Không cần xe buýt. Không cần lịch trình. Cảm giác như được giải phóng”.
Tháng 6-2020, cặp đôi đã chính thức mua một chiếc motorhome cũ sau một thời gian đi thuê. Họ mua với giá 6.500 bảng Anh (7.900 USD), vừa ở vừa chỉnh sửa để trở thành căn nhà di động thực sự cho riêng mình với chi phí khoảng 13.000 bảng Anh (15.700 USD) trong khoảng 4 tháng.
Đó là một ngôi nhà nhỏ trên bánh xe rộng 2m, cao 1,5m. Sống toàn thời gian trong không gian nhỏ dĩ nhiên không thể thoải mái như một căn nhà thực sự, nhưng cả hai đều cảm thấy thoải mái và hạnh phúc.
Cặp đôi cùng chiếc motorhome Peugeot mua vào năm 2020 (Ảnh: Dream Big, Travel Far)
Nhưng họ cũng thừa nhận, bất cứ cuộc sống nào cũng có mặt trái. Ngay cả căn nhà hạnh phúc của họ cũng vậy.
“Đôi khi, Instagram vẽ ra một bức tranh lý tưởng về cuộc sống trong nhà di động. Trên phương tiện truyền thông xã hội, bạn nhìn thấy những chiếc xe tuyệt đẹp với những con người hấp dẫn tham quan các địa điểm hoang dã. Nhưng không phải lúc nào cũng như vậy”, Williams viết.
Đúng là có những khoảnh khắc đẹp. Nhưng phần nhiều thời gian thì không hề hoàn hảo.
An ninh là một vấn đề. Ở một số khu vực, trộm cắp là phổ biến. Những người sống trong nhà di động có thể trở thành đối tượng “ghé thăm” lý tưởng, đặc biệt khi có những phụ kiện gắn bên ngoài xe, như pin năng lượng mặt trời chẳng hạn.
Dựa vào đó, những tay trộm có thể đoán được chủ xe có sống trong motorhome toàn thời gian và có những thứ giá trị bên trong hay không.
An ninh trong nhà di động khó có thể đảm bảo như căn hộ bình thường (Ảnh minh họa: Dream Big, Travel Far)
Đó là điều Williams và McGuinness đã trải nghiệm trong một lần từ Anh đến Canada. Họ đã bị trộm dụng cụ, thiết bị, quần áo, chưa kể trong quá trình lục lọi có nhiều thứ bị phá hoại.
Hay một khoảnh khắc đáng sợ khi đỗ xe ở Yukon, Canada. Nửa đêm, một người lạ cố gắng phá khóa. Có lẽ, gã đã nhìn thấy chiếc máy ảnh của Cazzy đặt ở ghế trước buồng lái.
Vì vậy, cặp đôi đã phải bổ sung hệ thống báo động, tự động khóa xe khi có kẻ lạ tìm cách xâm nhập. Nhưng tội phạm ngày càng tinh vi và luôn biết cách để phá khóa. “Dù chuẩn bị kín kẽ thế nào thì vẫn có rủi ro”, Williams viết.
Nếu sống trong một ngôi nhà bình thường, điện và nước luôn sẵn có (không tính khả năng trục trặc hệ thống hay quên đóng tiền). Nhưng sống trong nhà di động thì phải luôn nghĩ cách nạp thêm, cho dù là nước uống, nhiên liệu hay nước sinh hoạt.
Khu vực nhà bếp trong căn nhà nhỏ của hai vợ chồng với lò nướng, bồn rửa, tủ bếp, tủ lạnh tiêu thụ ít điện năng (Ảnh: Dream Big, Travel Far)
Lần đầu đến Canada là vào mùa đông, hầu như các cửa hàng tiện ích trong trạng thái đóng cửa, các đường ống ở khu cắm trại (cũng thường là nơi cho motorhome đậu) đều đóng băng. Kiếm nước thực sự khó khăn.
Chỗ giặt là cũng vậy (những dịch vụ như vậy thường ở trong thành phố, cách xa khu cắm trại). “Khi sống trong ô tô, cần lập danh sách các tiện nghi cần đến để luôn cập nhật mọi lúc mọi nơi”, Williams viết.
Một căn nhà di động được trang bị tốt không hề rẻ. Những chiếc motorhome tuyệt đẹp thường thấy trên Instagram có giá khá cao. Khi hai vợ chồng trang bị cho căn nhà pin năng lượng mặt trời, ắc quy và động cơ điện, họ tốn thêm khoảng 5.000 bảng Anh (6.000 USD).
Phòng ngủ với giường đôi cố định, ô cửa sổ nhỏ xinh (Ảnh: Dream Big, Travel Far)
Bên cạnh là phòng tắm và vệ sinh (Ảnh: Dream Big, Travel Far)
Bên dưới giường là nhà kho (Ảnh: Dream Big, Travel Far)
Trang bị không phải là chi phí duy nhất. Duy trì các tiện nghi hoạt động cũng khá tốn kém. Chẳng hạn, có lúc pin xe điện cạn kiệt trong khi bộ sạc lại gặp trục trặc. Hay phải chờ một thời gian dài để linh kiện lò nướng và bếp được chuyển từ Anh đến.
“Thông thường, cứ sau vài tuần hoặc vài tháng, một cái gì đó sẽ trục trặc cần sửa chữa. Phải đảm bảo luôn có sẵn tiền. Thêm vào đó, việc tìm kiếm các linh phụ kiện phù hợp ở các quốc gia khác nhau rất khó khăn. Có khi mất tới 2 tháng để tìm bộ lọc dầu mới phù hợp với chiếc motorhome của chúng tôi”, Williams kể.
Vào khoảng tháng 4-2022, hai vợ chồng đi trên đường cao tốc Dempster, Canada, mà không có tín hiệu di động. Đèn cảnh báo dầu bật sáng, họ cần nhanh chóng đến cửa hàng sửa xe gần nhất.
Nhưng họ không thể tìm được cửa hàng nào, đặc biệt trong cảnh mất sóng. Hai vợ chồng bị mắc kẹt trên đường cả ngày, cho đến khi gặp được một người có điện thoại vệ tinh đi ngang qua. Người đó gọi xe kéo đến đưa họ đến thị trấn gần nhất, cách đó khoảng 2,5 tiếng lái xe. Vậy là hôm đó, họ mất 1.400 đô la Canada (1.080 USD) chỉ riêng cho việc kéo xe.
Một ngày tháng 5-2022, động cơ bị hỏng, họ lại mặc kẹt trên đường trong khi chờ xe tải đến kéo đi. Mất thêm một ngày để sửa xe và tìm lỗi (vì thợ không quen với xe Anh).
Rồi chiếc motorhome cần quạt làm mát mới. Mất thêm 5 ngày để chờ chuyển từ Anh đến. Vậy là, họ sống trong căn nhà di động đậu bên lề đường trong cái nóng 40 độ C mà không có điều hòa.
Luôn phải sẵn sàng đối mặt với khả năng mắc kẹt giữa đường (Ảnh minh họa: Dream Big, Travel Far)
Giao tiếp xã hội có thể khó khăn khi sống trong motorhome. Đúng là có các hội nhóm sống trong nhà di động rất nhiều trên Facebook, nhưng phần lớn thời gian bạn sẽ chỉ có một mình.
Williams và McGuinness may mắn có nhau để vượt qua những khoảnh khắc không có ai xung quanh. Nhưng họ đã gặp rất nhiều người sống trong nhà di động một mình. Williams quan ngại có thể sẽ xuất hiện vấn đề sức khỏe tâm lý liên quan đến việc du lịch một mình, khi không có ai bên cạnh để hỗ trợ.
Cuộc sống trong nhà di động có lúc cảm thấy cô đơn (Ảnh: Dream Big, Travel Far)
Một thách thức khác là cảm thấy không được chào đón ở một số nơi nhất định. Dù motorhome là một phong trào đang nổi, một số quốc gia không hề khuyến khích sống trong nhà di động.
Williams tiết lộ Anh chính là một quốc gia như vậy, khi có thái độ khá kỳ thị với những người sống nay đây mai đó, thể hiện ở việc rất khó kiếm chỗ đậu cho motorhome, hay nhiều người dân địa phương không hề chào đón.
Nhiều khả năng là do họ có định kiến những người sống trong nhà di động là những kẻ bừa bãi, cẩu thả và thậm chí phá hoại những nơi họ đến. “Con sâu làm rầu nồi canh”, Williams cảm thán.
Mặc dù có nhiều phiền phức như vậy, nhưng cả Williams và McGuinness vẫn thích sống trong nhà di động ít nhất một năm nữa. Khi đã mệt mỏi, họ sẽ dừng chân, làm một công việc ổn định.
Nhưng ngay cả khi họ có căn nhà cố định thì đó cũng sẽ là một không gian xanh nhỏ và tối giản. “Không phải cứ nhà cao cửa rộng mới mang lại hạnh phúc”, Williams cho biết.
Anh cũng khẳng định: Bất chấp những thách thức, cuộc sống trong nhà di động vẫn rất tự do. Tự thiết kế hành trình, không ngày nào giống ngày nào, phù hợp với những người không thích sống theo “lối mòn”.
Hai vợ chồng vẫn rất thích cuộc sống trong nhà di động. Nhưng Williams khuyến cáo mọi người nên sống thử một thời gian bằng cách mượn hoặc đi thuê motorhome để xem mình thực sự có phù hợp với lối sống xê dịch hay không (Ảnh: Dream Big, Travel Far)