Giống như động vật, con người cũng có “mùa sinh sản” và nó rơi vào những tháng thu - đông

THIÊN LONG, Theo TRÍ THỨC TRẺ 12:30 28/12/2018

Mùa sinh sản tốt nhất của con người hóa ra thường rơi vào thời điểm những tháng mùa thu-đông. Đó cũng là một phần lý do giải thích tại sao nhiều cặp đôi lại hay chọn thời điểm thụ thai vào cuối năm.

Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao lại có nhiều người sinh nhật vào mùa hè hơn các thời điểm cuối năm? Vì thời điểm tốt hay là vì gì? Tại Mỹ, hầu hết các ca sinh nở đều xảy ra trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 11. Như vậy hầu như thời điểm mà các cặp đôi muốn thụ thai nhất là vào mùa thu và đông.

Giống như động vật, con người cũng có “mùa sinh sản” và nó rơi vào những tháng thu - đông - Ảnh 1.

Có nhiều giả thiết cho nghi vấn này nhưng hóa ra câu trả lời lại liên quan đến mùa sinh sản. Giống với hầu hết các loài sinh vật sống từ thực vật, côn trùng, bò sát đến chim và động vật có vú, bao gồm con người đều có một mùa sinh sản của riêng mình. Sự tiến hóa chính là yếu tố then chốt quyết định mùa sinh sản.

Trái Đất luôn xoay vần theo mùa mỗi năm, đặc biệt tai hai nửa bán cầu, mùa trong năm càng được thể hiện rõ ràng hơn. Còn ở vùng xích đạo cũng có hai mùa đó là mùa mưa và mùa khô. Nhưng dù ở nơi đâu, con người và các loài sinh vật cũng luôn tự tạo cho mình một chiến lược sinh sản phù hợp nhất trong năm.

Theo PopSci, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu chứng minh tính thời vụ trong quá trình sinh sản của con người từ đầu những năm 1800.

Ở một số quốc gia, phong tục địa phương có thể ảnh hưởng đến mùa sinh sản. Ví dụ vào những năm 1990, các nhà nghiên cứu nhận thấy mùa cưới vào tháng 7-8 tại cộng đồng công giáo ở Ba Lan làm dẫn tới tỷ lệ sinh nở nhiều hơn vào mùa xuân. Nhưng tất nhiên mùa cưới không tác động tới mùa sinh ở khắp nơi trên thế giới.

Tuy nhiên rõ ràng mùa sinh sản chịu sự tác động đáng kể của vị trí địa lý. Tại Mỹ, các tiểu bang nằm ở miền Bắc có tỷ lệ sinh cao hơn vào tháng 6-7. Trong khi đó các bang miền Nam có tỷ lệ sinh chậm hơn vào tháng 10-11. Điều này khá dễ hiểu vì nước Mỹ có sự phân hóa rõ rệt giữa các mô hình khí hậu.

Yếu tố nào ảnh hưởng đến việc thụ thai?

Nghiên cứu cho thấy mùa sinh sản tương quan với sự thay đổi nhiệt độ và độ dài ngày. Ở các khu vực địa lý có nhiệt độ cực đoan thường có hai đỉnh sinh trong năm.

Người dân ở vùng quê có xu hướng sinh ra ngay cả trong những mùa khắc nghiệt nhất so với người dân thành thị. Có lẽ vì người dân ở đây đã quen với nhiều kiểu trường bao gồm thay đổi nhiệt độ và độ dài ngày. Rõ ràng những yếu tố liên quan đến thời tiết và môi trường có tác động không nhỏ đến hành vi tình dục ở người.

Như ở các loài động vật khác, thay đổi môi trường có thể thúc đẩy khả năng sinh sản theo mùa. Điều này có nghĩa, thay vì chỉ tăng tần suất quan hệ tình dục, giống đực và cái có thể thay đổi tần suất tình dục suốt cả năm.

Giống như động vật, con người cũng có “mùa sinh sản” và nó rơi vào những tháng thu - đông - Ảnh 2.

Các nhà sinh học hiểu rằng, khả năng sinh sản của động vật có vú luôn chịu ảnh hưởng của độ dài ngày. Nó cũng là yếu tố giúp xác định lịch trình sinh sản của mỗi loài. Ví dụ như loài hươu thường tận dụng khoảng thời gian ngày ngắn đêm dài khi chuyển mùa thu-đông để phát tín hiệu sinh sản. Những con hươu cái thường có thai vào mùa thu và mang thai trong suốt mùa đông. Mục tiêu của chúng là sinh hươu con vào thời điểm có nhiều thức ăn nhất, thường là vào mùa xuân.

Do đó, những loài động vật mang thai dài có xu hướng chỉ lấy giống trong mùa thu và mùa đông trước khi đẻ con vào mùa xuân hoặc mùa hè. Trong khi đó ở những loài động vật có thời gian mang thai ngắn thường có thời gian lấy giống dài hơn. Chúng hay thụ thai vào khoảng thời gian mùa xuân hoặc mùa hè. Nhiều loài chỉ giao phối và chỉ có thể mang thai trong một khoảng thời gian cụ thể trong năm. Khoảng thời gian ngày dài hay ngắn đó sẽ điều khiển hormone và khả năng thụ thai của chúng.

Con người không quá khác biệt với các loài động vật có vú khác. Độ dài ngày có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của chúng ta và giải thích các mô hình sinh sản ở một số nơi.

Ngoài độ dài ngày, các nhà nghiên cứu chỉ ra tình trạng xã hội và những thay đổi tích cực trong mức sống cũng ảnh hưởng đến mùa sinh sản. Dường như không có một yếu tố tác động duy nhất nào tới mùa sinh sản ở người. Nó liên quan đến hàng loạt các yếu tố như xã hội, môi trường và văn hóa.

Mùa sinh sản có liên quan gì đến bệnh tật?

Một trận cháy rừng sẽ bùng phát nếu có một mồi lửa. Dịch bệnh cũng vậy. Các bệnh truyền nhiễm ở trẻ đều xuất phát từ việc nhiễm mầm bệnh do sự lây nhiễm từ người này qua người khác. Một số loại bệnh truyền nhiễm sẽ tự hình thành các kháng thể miễn dịch sau khi khỏi bệnh như sởi, thủy đậu.

Giống như động vật, con người cũng có “mùa sinh sản” và nó rơi vào những tháng thu - đông - Ảnh 3.

Nhưng rõ ràng dịch bệnh chỉ bùng phát khi có những đứa trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mắc bệnh nhưng không được tiêm phòng. Bên cạnh đó thời điểm sinh cũng là yếu tố quan trọng quyết định mức độ thường xuyên mắc phải dịch bệnh ở trẻ.

Em bé khi mới sinh luôn được bảo vệ bởi cơ chế miễn dịch thừa hưởng từ người mẹ. Kháng thể của người mẹ sẽ giúp trẻ chống lại bệnh truyền nhiễm như sởi, rubella và thủy đậu. Tuy nhiên cơ chế miễn dịch này chỉ có hiệu quả trong vòng 3-6 tháng đầu đời.

Tại nhiều quốc gia có khí hậu phân biệt giữa các mùa, bệnh truyền nhiễm thường có xu hướng tấn công trẻ vào những tháng mùa đông và mùa xuân. Điều này khiến trẻ sinh ra vào khoảng thời gian mùa hè và mùa thu dễ mắc bệnh truyền nhiễm hơn vào mùa đông, mùa xuân khi cơ chế bảo vệ của người mẹ bị mất sau khoảng 3-6 tháng.

Tham khảo PopSci