Ý tưởng kì diệu nảy sinh từ nỗi thất vọng
Andy Ridley - giám đốc truyền thông của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) khu vực Australia cho biết: "Ý tưởng về Giờ Trái Đất thật sự đã nảy sinh từ trong thất vọng."
Andy Ridley trong một buổi tuyên truyền cho chiến dịch Giờ Trái Đất
"Vào năm 2004, WWF nhận được các dữ liệu về tình hình biến đổi khí hậu đang trở nên rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi công bố vấn đề này, chúng tôi lại chưa nhận được sự quan tâm từ công chúng. Chúng tôi đã cảm thấy vô cùng thất vọng và tưởng chừng như muốn bỏ cuộc."
Tuy nhiên, không để cảm xúc buồn và thất vọng ngự trị quá lâu, Andy quyết tâm phải thực hiện cho bằng được một dự án bứt phá, để vấn đề này trở thành mối bận tâm hàng đầu của mọi người.
Bắt tay vào dự án, WWF Australia thảo luận với công ty quảng cáo Leo Burnett Sydney về các ý tưởng truyền thông, nhằm thu hút sự chú ý của người dân Australia về vấn đề biến đổi khí hậu.
Năm 2005, sau một thời gian dài nghiên cứu, WWF Australia và Leo Burnett Sydney đã đưa ra được một ý tưởng khá rõ ràng: hành động tắt điện ở quy mô lớn.
Tại sao lại là hành động tắt điện nhỉ? Bạn biết không, việc tiết kiệm điện năng sẽ làm giảm đáng kể lượng khí thải carbon dioxide - một trong những nguyên nhân chính gây ra hiệu ứng nhà kính đấy!
Đến năm 2006, nhà quảng cáo Leo Burnett bước sang một nhiệm vụ tiếp theo: đặt tên cho chiến dịch. Với mong muốn tên gọi đó không chỉ đại diện cho hành động tắt đèn đơn thuần, mà còn phải bao hàm cả mục tiêu đầy nhân văn của chiến dịch, quá trình lựa chọn ra một cái tên thật sự rất khó khăn.
Cuối cùng, tên gọi "Giờ Trái Đất" (Earth Hour) đã được cả WWF và Leo Burnett nhất trí chọn lựa.
Cũng trong năm đó, thật may mắn làm sao đã có hai sự kiện xảy ra. Một là phim tài liệu "Sự thật bất tiện" của Al Gore được trình chiếu, và hai là báo cáo của Tiến sĩ Lord Stern về tác động của biến đổi khí hậu và hiện tượng nóng lên của Trái Đất đối với kinh tế thế giới được công bố rộng rãi.
Kể từ đây, người dân trên toàn thế giới dần dần bắt đầu chú ý đến vấn đề biến đổi khí hậu. Biết rằng thời điểm vàng đã đến, WWF chính thức đưa ý tưởng ra hiện thực.
Vào ngày 31/3/2007, lễ khai mạc sự kiện Giờ Trái Đất lần đầu tiên đã được diễn ra tại Sydney, Australia, quy tụ hơn 2,2 triệu người dân và 2.100 doanh nghiệp. Sự kiện khuyến khích các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh tắt đèn cùng các thiết bị điện khác trong 1h đồng hồ, bắt đầu vào lúc 8h30 đến 9h30 tối.
Giờ Trái Đất được tổ chức lần đầu tiên ở Sydney (Australia) vào năm 2007
Một cú nổ lớn bắt đầu từ sự giản đơn
Chiến dịch Giờ Trái Đất ban đầu chỉ nằm trong kế hoạch phạm vi quốc gia của Australia. Nhưng thật bất ngờ, chiến dịch này đã thành công vượt xa hơn mong đợi! Giờ Trái Đất nhận được sự thu hút và quan tâm từ khắp mọi nơi trên thế giới và các nước dần dần tình nguyện tham gia vào chiến dịch trong những năm sau đó.
Đặc biệt, vào năm 2009, hiệu quả truyền thông của chiến dịch Giờ Trái Đất đã đưa mức nhận thức của thế giới về biến đổi khí hậu lên một cấp độ chưa từng thấy trong lịch sử. Do vậy, Liên Hợp Quốc cũng đã tiến hành một Hội nghị khẩn về Biến đổi Khí hậu (COP) tại Copenhaghen, Đan Mạch với sự tham gia của hơn 190 quốc gia.
Cũng bắt đầu từ năm 2009, Việt Nam chính thức tham gia chiến dịch Giờ Trái Đất.
Cho đến nay, đã có khoảng 7.000 thành phố thuộc 172 quốc gia và vùng lãnh thổ hưởng ứng chiến dịch.
Vì sao chiến dịch Giờ Trái Đất có thể lan rộng đến như vậy?
Andy giải thích: "Một trong những lý do khiến Giờ Trái Đất thành công đó là vì chiến dịch thúc đẩy hành động chứ không phải là những lời kêu gọi sáo rỗng. Bất cứ ai cũng có thể tham gia bằng hành động thiết thực: tắt đèn, tiết kiệm điện xung quanh nơi bạn sống".
"Hơn thế nữa, vẻ đẹp đặc biệt của Giờ Trái Đất chính là nó không mang nét u tối như các cuộc biểu tình, phản kháng trên đường phố."
"Chúng tôi đã cố gắng khéo léo hết sức có thể để biến sự kiện này thành một ngày hội, một bữa tiệc đường phố với những màu sắc lung linh của nến và hoa. Chúng tôi muốn cả thế giới đấu tranh vì những điều tốt đẹp trong niềm hy vọng, chứ không phải xuất phát từ nỗi tuyệt vọng."
Giờ Trái đất là sáng kiến của Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên Nhiên (WWF) nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng trên toàn thế giới.
Việt Nam tham gia Giờ Trái đất từ năm 2009 và đã đạt được những thành tựu nhất định. Năm 2017, sau 1 giờ kêu gọi hưởng ứng tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết, hệ thống điện quốc gia đã tiết kiệm được 471.000 KWh.
Nguồn: IPRA