Giày giả lên ngôi, giày thật thất thế: Câu chuyện về góc tối đáng buồn của street style Việt và thế giới

Nam Thanh x nhatanhngx, Theo Helino 09:32 16/03/2018

Đã qua rồi cái thời mà Air Jordan 5 là đôi giày được làm giả nhiều nhất mọi thời đại với những phối màu ngô nghê đến phát sợ. Giày giả giờ đây đã phát triển lớn mạnh và trở nên giống thật tới mức kê nanh vuốt vào cổ của chính những ông lớn như Nike, adidas hay thậm chí là Gucci hay Louis Vuitton.

Cách đây vừa vặn 3 năm, khi những hình ảnh đầu tiên của đôi giày gây mưa gió adidas Yeezy '750' Boost được ra mắt, kéo theo sau đó là sự trỗi dậy mạnh mẽ của thương hiệu 3 sọc, người ta đã được nghe về lới hứa (nhiều khả năng là hão) của Kanye West về cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020, kèm theo đó là lời mời chào đặc biệt "Yeezy for everyone". Câu nói trên còn khuya mới đủ sức nặng để trở thành một slogan tranh cử, thế nhưng một phần của khẩu hiệu đó giờ đây đã trở thành hiện thực, khi mà những đôi giày cộp mác Yeezy dường như đã xuất hiện khắp nơi và được mang bởi tất cả mọi người, nhờ có công của các xưởng giày giả đặt trụ sở tại Trung Quốc.

Giày giả lên ngôi, giày thật thất thế: Câu chuyện về góc tối đáng buồn của street style Việt và thế giới - Ảnh 1.

Cho tới cách đây dăm năm, vào cái thời hoàng kim của Air Jordan, Nike LeBron và những đôi Kobe, giày giả là một khái niệm gì đó... nực cười. Các xưởng Trung Quốc có thể làm ra một thứ gì đó từa tựa như những đôi Air Jordan 3 Black Cement huyền thoại, nhưng nếu cùng đặt lên một bàn cân, hầu hết các trang web hay các diễn đàn về giày dép như Fake Education hay Nike Talk đều sẽ có vô số hảo thủ ra tay tương trợ, chỉ cho bạn lưỡi gà hàng giả méo ở chỗ này, 'elephant-print' bị sai ở chỗ kia. Về cơ bản, vào khoảng thời gian những năm 2010-2013, 2014, giày giả vẫn còn rất sơ khai; đâu đó đã xuất hiện những đôi giày thể thao của Nike được làm giả khá tinh vi nhưng khi được đặt lên trước bàn cân thì vẫn lộ nguyên hình như Tì Bà Tinh trước kính chiếu yêu vậy.

Đầu giày thế giới, trong đó có cả Việt Nam vẫn ung dung như thế cho tới khi một sự kiện khá bất ngờ được khui ra. Vào năm 2014, cộng đồng giày ở Việt Nam, trong các hội nhóm như Thần Kinh Giày hay Đầu Giày Việt ở thời điểm bấy giờ bỗng... đau đầu vì một đôi Air Jordan XI 'Concord', rằng không biết nó là thật hay giả. Cần phải nói thêm, đôi giày này thuộc top một trong những sản phẩm hút hàng nhất của dòng Nike Air Jordan, khi được ra mắt vào năm 2011 thậm chí đã gây ra bạo loạn và bắn giết ở một số cửa hàng tại Mỹ.

Giày giả lên ngôi, giày thật thất thế: Câu chuyện về góc tối đáng buồn của street style Việt và thế giới - Ảnh 2.

Cùng thời điểm đó, bên cạnh những đôi giày fake của Air Jordan 11 Concord được tuồn vào Việt Nam (với những đặc điểm được nhận diện như mũi bo nhọn, icysole có màu quá trong và dây giày sợi nhỏ, méo mó) thì cũng có một số đôi Concord đúng chuẩn - từ hộp, phụ kiện cho tới từng chi tiết giày - được gắn mác B-Grade (hàng chính hãng công ty, có lỗi gia công nhẹ). Người chơi giày Việt Nam (và có lẽ là cả thế giới) cứ vô tư mà mua những đôi Jordan này vì đinh ninh nó là hàng thật, vì "làm gì có đôi giày fake nào đẹp như thế này?". Cho tới 2 năm sau khi cơn sốt Concord đã hạ nhiệt, dần dần, những đôi Concord giả ở mức độ tinh vi dần được tung ra bán, nhìn không khác gì Concord "B-grade" mà các đầu giày sống chết mua về thuở nào. Đến tận bây giờ, sneakerhead thế giới, trong đó có Việt Nam mới bàng hoàng nhận ra, tất cả là cú lừa hết.

Giày giả lên ngôi, giày thật thất thế: Câu chuyện về góc tối đáng buồn của street style Việt và thế giới - Ảnh 3.

Đối với những người không đam mê nền văn hóa sát mặt đất, họ có những quan điểm riêng để mua hàng giả, hàng nhái; phần nhiều là do họ thực sự không quan tâm, chỉ cần có cái để đi vào chân là được. Một số khác, bắt đầu có ý thức về thương hiệu và cái đẹp, họ yêu cầu có những phiên bản cao cấp hơn, giống hàng thật hơn, vậy là vào những năm 2010 cho tới 2014, thuật ngữ "fake 1, fake 2, fake 3" được ra đời, với số đánh càng nhỏ thì mẫu mã lại càng giống so với thật. Ba từ khóa trên tồn tại được một thời gian, sau đó bị một từ khóa khác đánh bay - "Replica".

"Replica" là một từ khóa vốn được sử dụng trong ngành chế tác đồng hồ, khi mà người ta đem chế ra các phiên bản hàng nhái giống y chang hàng thật từ trong ra ngoài. Bình mới, rượu cũ, khi được bê sang ngành sản xuất giày, thuật ngữ "replica" vẫn cứ mang nghĩa là hàng giả, nhưng lại là một kiểu hàng giả mới, có thể khiến nhiều người chơi giày há hốc mồm vì độ sao y bản chính của nó. Thế nhưng chân nhân bất lộ tướng, "replica" có thể giống với hàng thật nhưng không thể là hàng thật.

Giày giả lên ngôi, giày thật thất thế: Câu chuyện về góc tối đáng buồn của street style Việt và thế giới - Ảnh 4.

Thuật ngữ "replica" du hành vào Việt Nam cùng thời điểm mà hai dòng giày làm mưa làm gió, đó là dòng sản phẩm giá rẻ của Rick Owens có tên DRKSHDW và những đôi Yeezy Boost 350 đầu tiên của Kanye West. Được quảng cáo là y chang bản gốc, quả thực, những đôi "replica" của giày DRKSHDW và Yeezy Boost thực sự là một vấn nạn cho sản phẩm gốc của hãng khi mà nhìn qua y chang, nhìn kỹ cũng... y chang. Khi mang lên chân và đi ngoài đường, chẳng mấy ai lại hồn nhiên và rảnh việc tới mức chạy lại gần, yêu cầu bạn giơ chân lên để họ kiểm tra đế Boost hay bắt bạn cởi giày ra xem cận kẽ khóa zip YKK để xem Rick Owens thật hay giả. Vậy là ở Việt Nam (và chắc chắn là nhiều nơi khác trên thế giới), giày "replica" bắt đầu tung hoành, làm đau đầu những người chơi chân chính mỗi kỳ chuyển nhượng, mua qua bán lại giày với nỗi lo nơm nớp mang tên "hàng giả".

Và, sau đó, một khái niệm khác xuất hiện, thổi bay những "fake 1, fake 2, replica" các kiểu, trở thành đỉnh cao của ngành công nghiệp làm giả giày cũng như vấn nạn hàng đầu đối với bất cứ thương hiệu nào.

Giày giả lên ngôi, giày thật thất thế: Câu chuyện về góc tối đáng buồn của street style Việt và thế giới - Ảnh 5.

Bạn có để ý rằng, với túi tiền không thực sự quá rủng rỉnh thì mật độ những đôi Air Jordan 1 x Off-White, Balenciaga Triple-S hay Yeezy 350 đang hơi "dày đặc" không? Ở mọi ngõ ngách của các thành phố lớn cho tới tận các vùng nông thôn, người ta thấy giày hiệu ở khắp mọi nơi, tới mức hàng giả nhìn cũng như hàng thật và ngược lại. Mỗi khi trên các group chơi giày trên Facebook có nghi vấn nổ ra về chuyện thật/giả của một siêu phẩm nào đó, các sneakerhead lại được dịp đau đầu mà săm soi từng chi tiết để rồi đôi khi cãi nhau tới vài ngày liền không ngã ngũ? Vì sao?

Giày giả lên ngôi, giày thật thất thế: Câu chuyện về góc tối đáng buồn của street style Việt và thế giới - Ảnh 6.

Câu trả lời đến từ Perfect Kickz - viết tắt là PK - một xưởng làm giày giả mới phất lên được đặt trụ sở ở nước ngoài. Xưởng làm giày giả này đã đạt tới mức độ tinh vi hoàn thiện tới mức hầu hết các sản phẩm đình đám trong thời gian gần đây (có thể kể tới như adidas NMD Hu, Balenciaga Speed Trainer, Triple-S hay mọi phiên bản của Nike x Off-White) đều được PK xào nấu và cho ra lò... y hệt. Giống đến giật mình là những gì mà các đầu giày cảm nhận về các sản phẩm của PK, mặc dù nếu thực sự mổ xẻ và xem xét kỹ lưỡng, những manh mối truy nguyên vẫn sẽ chỉ ra bên nào là thật, bên nào là giả.

Một hệ lụy tất yếu khi hàng giả trở nên quá giống, hàng thật sẽ bị thất thế.

Vào cái ngày xa xưa của hàng giả, khi mà chất lượng, bản thân nguyên liệu cùng những đường cắt ráp quá thô kệch, sai khác, lý do lớn nhất để một người không gắn mác đầu giày, đồng thời cũng là lực lượng mang tiềm năng mua sắm cực lớn - mua giày chính hãng là sự chênh lệch về chất lượng sản phẩm. Trải qua thời gian, khi mà Air Jordan chính hãng đôi khi cũng bị fan ruột ném đá tơi bời về chất lượng; đế Boost của adidas bị chê nhanh ố vàng trong khi giá cả lại có phần hơi chát thì giờ đây, giày fake rẻ, nhiều và có chất lượng ngày càng được hoàn thiện trở thành một lời mời chào quá sức đam mê và cám dỗ. Trong các group chơi giày... fake (giờ đây cũng đã có hàng nghìn thành viên), thay vì tranh cãi thật - giả thì nhiều bạn trẻ Việt Nam lại đang phân định xem đôi giày giả nào... giống hơn, rằng đây là giày "replica" hay giày "PK God". Đây có lẽ vẫn là một dấu trừ không đáng xuất hiện, khi mà tiêu thụ hàng giả thực ra là phạm pháp, và đối với đam mê sneaker mà nói, mua giày fake chính là cách đơn giản nhất để giết chết thương hiệu ruột.

Giày giả lên ngôi, giày thật thất thế: Câu chuyện về góc tối đáng buồn của street style Việt và thế giới - Ảnh 7.
Giày giả lên ngôi, giày thật thất thế: Câu chuyện về góc tối đáng buồn của street style Việt và thế giới - Ảnh 8.

Không chỉ ở Việt Nam - một đất nước chưa thực sự phát triển đủ để mỗi bạn trẻ đam mê thời trang mua về một đôi Vetements hay Gucci đạp gót - mà ngay cả ở một đất nước kinh tế trù phú như Hàn Quốc, hàng giả vẫn tồn tại như một vấn nạn. Vào năm 2017, một bộ phim tài liệu của tạp chí Highsnobiety đã vạch trần góc tối xấu xí của văn hóa street style Hàn Quốc, khi mà nhiều fashionisto, fashionista xứ Củ Sâm đang khoác lên người nào là Balenciaga, Off-White hay Raf Simons đến từ... Trung Quốc. Anh chàng MC lém lỉnh của đoạn phim liên tục pha trò rằng, xin lỗi Virgil Abloh, xin lỗi Riccardo Tisci mỗi khi cầm lên tay một món O-W hay Givenchy fake, thế nhưng câu nói đó thì không phải đùa.

Giày giả lên ngôi, giày thật thất thế: Câu chuyện về góc tối đáng buồn của street style Việt và thế giới - Ảnh 9.

Hàng giả, giống đến mấy đi nữa thì vẫn là hàng giả. Không có chuyện làm quá giống thật thì nó sẽ trở thành hàng thật, vì vậy khi một người dùng có ý thức mua những món đồ giả, mặc lên người và tạo dáng thật sành điệu trước ống kính - đó chính là khẩu súng Barrett đã lên nòng kê thẳng vào đầu thương hiệu mẹ. Cái chết nhãn tiền của SAKUN - một thương hiệu thời trang đường phố từng rất nổi tiếng vào những năm 2008 - 2009 - cũng đến từ việc nó trở nên nổi tiếng quá nhanh và được làm giả tràn lan, và nếu không có "cách để kìm chế", rồi sẽ tới lúc bản thân các ông lớn như Nike, adidas, thậm chí là Balenciaga hay Gucci phải chịu những tổn thương nặng nề. Và, "cách để kìm chế" về cơ bản lại nằm trong ý thức tiêu dùng và mua sắm của mỗi chúng ta - những người dù có hay không niềm đam mê mãnh liệt với thời trang.