Giật mình với động đất ở Kon Tum

Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên, Theo VOV 08:20 22/07/2023
Chia sẻ

Thời gian qua hàng trăm trận động đất, dư chấn đã xảy ra ở địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Dù tất cả các trận động đất, dư chấn đều chưa gây bất cứ thiệt hại nào song cũng đã tạo ra “rung chấn” với các cơ quan chuyên môn, chính quyền và người dân địa phương.

Ghi nhận của Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu cho thấy, chỉ trong 20 ngày đầu tháng 7, tại địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã xảy ra 70 trận động đất, dư chấn. Trước đó Trung tâm cũng đã ghi nhận có tới hàng trăm trận động đất, dư chấn xảy ra tại địa phương này. Sinh sống dưới vùng hạ du của thủy điện Thượng Kon Tum, chị Trần Thị Thu và nhiều người dân ở thôn 3, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy rất lo lắng mỗi khi có thông tin về động đất.

“Khu vực dân ở đây nằm dưới chân đập. Bà con nghe thấy dư chấn, động đất là lo lắng. Nếu như trên kia động đất mà ảnh hưởng gì mà xả nước xuống hoặc là nước lũ trôi xuống thì bà con ở vùng đây là ngập hết luôn. Thường thường là xả lũ đã ngập rồi không biết là sống như thế nào?” - chị Thu nói.

Giật mình với động đất ở Kon Tum - Ảnh 1.

Khảo sát thực tế ảnh hưởng của động đất đối với cuộc sống người dân ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum

Trên thực tế, trong hàng trăm trận động đất, dư chấn xảy ra thời gian qua ở Kon Plông, người dân cảm nhận được rung lắc là rất hiếm. Người dân cũng chỉ biết có động đất, dư chấn qua thông báo của cơ quan chuyên môn và truyền thông đại chúng.

Bà Bùi Thị Oanh, nhà ở thôn Vi Rin, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông nói thế này: “Dân ở đây thì họ cũng thấy bình thường. Đã có thấy ai chết đâu mà sợ. Chưa thấy nguy hiểm nói thật là như thế. Ở đây đã có xảy ra chuyện lớn đâu”.

Trước sự xuất hiện dồn dập của động đất tại địa bàn huyện Kon Plông, để người dân không hoang mang song cũng không chủ quan, các cấp chính quyền tỉnh Kon Tum đã tăng cường theo dõi, thông tin, hướng dẫn kỹ năng ứng phó để trấn an dư luận và ổn định tâm lý nhân dân. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, hạn chế nhất hiện nay là chưa có bất cứ một nghiên cứu chuyên sâu nào về động đất ở khu vực này và đây là dạng thiên tai không thể cảnh báo sớm nên rất bị động.

Giật mình với động đất ở Kon Tum - Ảnh 2.

Một khu dân cư ở vùng tâm chấn động đất huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum

“Tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương, huyện Kon Plông phối hợp chặt chẽ với các Viện nghiên cứu để theo dõi, chủ động ứng phó với động đất. Tỉnh Kon Tum chưa có kinh nghiệm nhiều về quản lý và ứng phó với động đất. Đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai hết sức quan tâm giúp đỡ địa phương để dự báo, ứng phó khi tình huống xảy ra động đất trên địa bàn tỉnh” - ông Tháp nói.

Theo ghi nhận của Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu, trong hàng trăm trận động đất, dư chấn ở địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum từ năm 2022 đến nay, trận động đất có độ lớn nhất là 4.7 xảy ra vào cuối tháng 8/2022.

Giật mình với động đất ở Kon Tum - Ảnh 3.

Camera giám sát mực nước ở cửa xả thủy điện Thượng Kon Tum

Sau trận động đất này, Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã kích hoạt một loạt hoạt động nhằm chủ động ứng phó với động đất, như: khảo sát thực tế; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ tất cả các xã, thị trấn của huyện Kon Plông; tổ chức diễn tập ứng phó với lũ lụt, động đất kích thích...

Tuy nhiên đến nay lại chưa có một công trình khoa học chuyên sâu nào nghiên cứu về nguyên nhân, mức độ nguy hiểm của động đất ở khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum để từ đó đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày