Giáo sư Vinton Cerf (thứ hai từ phải sang) tại Hà Nội trong Tuần lễ khoa học công nghệ VinFuture - Ảnh: NAM TRẦN
Ở tuổi 79, ông vẫn sôi nổi khi nói về mạng Internet và tương lai của nó trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho phóng viên Tuổi Trẻ.
* Cơ duyên nào đưa ông đến Tuần lễ khoa học công nghệ VinFuture 2022 ở Việt Nam, thưa ông?
- Khi nghe về những gì quỹ giải thưởng này đang làm, đối với tôi chuyến đi này giống như một hành trình khám phá vậy, không chỉ về VinFuture mà còn về những gì đang xảy ra ở Việt Nam và tầm quan trọng của sự đổi mới.
Và khi tôi đến Việt Nam, đặt chân đến Đại học VinUni, tôi có thể thấy đang có những khoản đầu tư khổng lồ cho giáo dục, không chỉ dành cho những người đang sống ở đây mà còn những người đến từ khắp nơi trên thế giới quan tâm đến nghiên cứu. Đây thực sự là một nơi rất thú vị.
* Vậy chắc đây là lần đầu tiên ông đến Việt Nam phải không?
- Đúng vậy, đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của tôi. Tôi không thể nghĩ ra lý do nào tốt hơn để đến đất nước của các bạn sau khi nghe về giải thưởng VinFuture, nơi tôi sẽ có dịp gặp gỡ một số người đoạt giải và những người chọn ra người thắng cuộc.
Tôi đã nghe về việc lựa chọn các đề cử khó khăn như thế nào vì có quá nhiều đề cử chất lượng. Hội đồng giải thưởng cân nhắc khá nhiều thứ, bao gồm cả tác động của những đề cử này đến xã hội.
Tôi rất tôn trọng những người đã phải căng não chọn lựa ra những đề cử tốt nhất cho giải năm nay.
Tối nay trao giải VinFuture
Lễ trao giải VinFuture - một trong những giải thưởng khoa học công nghệ lớn nhất toàn cầu - sẽ diễn ra vào tối nay (20-12) tại Nhà hát lớn Hà Nội, được phát trực tiếp trên kênh VTV1 và website CNN, Discovery, Euronews, Technode Global.
* Ấn tượng đầu tiên của ông khi nghe đến Việt Nam là gì?
- Một trong những điều tôi ấn tượng nhất chính là tỉ lệ phổ biến của Internet tại Việt Nam gia tăng nhanh chóng.
Nhiều ngành kỹ thuật đang hình thành, với nhiều phát kiến sáng tạo đổi mới rất tuyệt vời. Tôi rất hứng thú với việc tìm hiểu nhiều hơn về câu chuyện của Việt Nam và người dân nước bạn.
Vợ tôi sau khi biết tôi sắp đi Việt Nam đã đến thư viện trong cơ quan và nhanh chóng đặt mượn những quyển sách về Việt Nam, về lịch sử, văn hóa, địa danh, ẩm thực... của đất nước các bạn.
Giáo sư Vinton Cerf
* Ở tuổi 79, nhìn lại thời gian đã qua, điều gì khiến ông cảm thấy tự hào nhất trong công việc nghiên cứu của mình?
- Điều khiến tôi thấy tự hào nhất chính là sự hoàn thiện mạng lưới Internet liên hành tinh mà chúng tôi đã nghiên cứu từ năm 1998. Các nguyên mẫu của chúng tôi đã chạy trên sao Hỏa từ năm 2004.
Chúng tôi đang thực hiện sứ mệnh Artemis đưa con người trở lại Mặt trăng một lần nữa.
Nhân loại đang chuẩn bị quay trở lại không gian và thương mại hóa nó, không chỉ các vệ tinh quay quanh quỹ đạo thấp của Trái đất mà còn hướng tới việc khai thác trên Mặt trăng.
Hãy suy nghĩ thêm về điều này một chút, đó là việc có ai đó sắp sở hữu những thứ không phải trên Trái đất này. Họ sẽ đi đến đâu để đăng ký quyền sở hữu? Nếu có tranh chấp thì sao?
Ai sẽ giải quyết điều đó? Chúng ta không có bất kỳ câu trả lời nào cho những câu hỏi này, bởi vì chúng ta chưa bao giờ rời khỏi hành tinh của mình theo cách này trước đây.
Và vì vậy, đây giống như chương hai của một cuốn sách rất dài mà những người khác sẽ viết, nhưng tôi rất vui khi được tham gia vào một vài chương đầu tiên.
* Ông có hình dung thế giới sẽ như thế nào nếu không có Internet chưa?
- Tôi từng sống trong một thế giới còn không có cả ti vi. Tôi sinh năm 1943 - ngay giữa Thế chiến thứ hai. Sau một thời gian, nhà tôi cuối cùng cũng có điện thoại dây, nối chung đường dây với những nhà khác. Vì vậy, tôi biết rõ thế giới như thế nào khi không có ti vi, không có điện thoại di động.
Điều tôi lo lắng chính là trong thời đại ngày nay chúng ta làm mọi thứ quá thuận tiện. Tôi cũng lo lắng về việc chúng ta quá phụ thuộc vào điện thoại di động. Nếu một ngày nó bị hỏng thì chắc rất nhiều điều tồi tệ sẽ xảy ra.
Chúng ta thực sự quá phụ thuộc vào một số công nghệ của Internet. Chúng ta cần suy nghĩ nhiều hơn về việc làm thế nào để linh hoạt ứng phó hơn. Hay nói đúng hơn là sự dự phòng. Tôi muốn có nhiều lựa chọn dự phòng hơn, bền bỉ hơn nếu ngày nào đó điện thoại di động gặp sự cố.
* Đối với Việt Nam, nơi đang thực hiện chuyển đổi số nền kinh tế, ông có lời khuyên nào cho chúng tôi không?
- Điều hiển nhiên đầu tiên là đầu tư vào nghiên cứu và tìm ra cách biến những thử nghiệm thành công trong phòng thí nghiệm thành những sản phẩm và dịch vụ mà đại đa số có thể sử dụng. Quan hệ đối tác công tư rất có ý nghĩa và tôi đã thấy điều đó ở VinFuture cùng các công ty của Vingroup.
Điều thứ hai là hãy nhớ rằng có một thế giới rộng lớn ngoài kia. Và do đó, nếu chỉ tập trung vào nền kinh tế trong nước là một sự bó hẹp không cần thiết.
Trong thế giới mà tôi đang sống, phần lớn là phần mềm và mạng máy tính, nhờ đó bạn có thể phân phối sản phẩm đó đến bất cứ đâu trên thế giới có Internet. Các quốc gia khác như Ấn Độ đã tận dụng điều đó, biến mình thành nguồn cung cấp phần mềm và sản phẩm chạy trên mạng.
Không có lý do gì Việt Nam không làm được điều tương tự. Các bạn đứng trước cơ hội tăng trưởng GDP của đất nước, không chỉ bằng cách phát triển thị trường trong nước mà còn phát triển ở phần còn lại của thế giới.
* Chúng ta cũng đang nói nhiều về dữ liệu lớn và Việt Nam có rất nhiều dữ liệu như vậy. Làm thế nào để tận dụng dữ liệu lớn đó cho phát triển kinh tế, thưa ông?
- Tôi sẽ tóm gọn trong một chữ "mở". Thông tin giống như phần mềm, nên càng mở càng tốt, để mọi người có thể chia sẻ quyền truy cập vào những dữ liệu công khai.
Khi càng nhiều người có quyền truy cập vào dữ liệu công khai đó thì càng có nhiều bộ óc làm việc, tìm ra cách sử dụng dữ liệu đó để biến nó thành các sản phẩm và dịch vụ.
Do đó, tôi sẽ ủng hộ các dữ liệu mở cho các quy trình và thực hành mở để tận dụng khả năng đóng góp của mọi người. Đó là lý do tại sao Internet phát triển nhanh như vậy, bởi vì rất nhiều thứ được mở. Chúng ta có thể đẩy nhanh tiến độ bằng cách mở như vậy.
* Nhưng có không ít quốc gia đang lo lắng về chủ quyền quốc gia trên Internet, ông có nghĩ điều đó sẽ hạn chế tính mở như ông vừa nói không?
- Vào năm 1648, đã có một hiệp ước hòa bình lớn được gọi là Hiệp ước hòa bình Westphalia.
Và về cơ bản, nó được giải quyết dựa trên ý tưởng về chủ quyền quốc gia dựa trên lãnh thổ địa lý và người ta nói rằng mỗi quốc gia là chủ thể duy nhất trong khu vực địa lý đó.
Một số người đang cố gắng áp dụng điều đó vào Internet. Đây không phải là ý tưởng tốt. Internet đi khắp mọi nơi, theo mục đích thiết kế và không quan tâm đến biên giới quốc gia.
Đối với một số quốc gia, sự không biên giới đó thật đáng sợ. Nhưng đây không phải là một vấn đề.
Nếu bạn lo lắng về dữ liệu và lo lắng về việc ai có quyền truy cập vào dữ liệu đó, hãy sử dụng mật mã. Mật mã là bạn của bạn. Bạn mã hóa dữ liệu, bạn không cần quan tâm nó đi đâu, bạn chỉ cần cung cấp "chìa khóa" cho những người được phép truy cập vào dữ liệu đó.
Đã có ý tưởng về việc xây dựng "các hàng rào" xung quanh mỗi quốc gia và nói rằng mỗi quốc gia sẽ có Internet của riêng mình (Splinternet). Nhưng như vậy là ngăn chặn tất cả sự đổi mới, thứ mà Internet đã thúc đẩy. Tôi không ủng hộ ý tưởng tài trợ cho Internet, bởi nó sẽ làm hỏng những mục tiêu tốt đẹp.
Biến Internet thành hiện thực
Giáo sư Vinton Cerf sinh ngày 23-6-1943, là tác giả công trình tiên phong giúp biến Internet thành hiện thực, bao gồm thiết kế và phát triển các giao thức truyền thông TCP/IP.
Cùng với nhà khoa học Robert Elliot Kahn, ông đã xây dựng các nguyên tắc thiết kế cơ bản của mạng, TCP/IP được cụ thể hóa và tạo nguyên mẫu để đáp ứng các yêu cầu này và giám sát một số triển khai giao thức cho phép trở thành tiêu chuẩn toàn cầu cho Internet.