Giáo sư Singapore giải đáp thắc mắc về vaccine cho COVID-19

Thi Anh, Theo Trí Thức Trẻ 13:36 01/03/2020

Giáo sư Singapore nói về thời điểm có vaccine, đối tượng được ưu tiên và khả năng khống chế COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại.

Giáo sư Wang Linfa, giám đốc chương trình về bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Đại học Y Duke-NUS đã có cuộc phỏng vấn với Straits Times, giải đáp một số thắc mắc về vaccine cho COVID-19 tính tới thời điểm hiện tại. Dưới đây là phần lược dịch bài phỏng vấn.

Khi nào chúng ta có thể có vaccine?

Cuối năm nay. Điều này là khả thi bởi mọi người đều đang hành động rất nhanh chóng. Thường thì phải mất nhiều tháng mới giải được trình tự gen của virus mới. Giờ đây người ta có thể làm điều đó trong vòng 2 ngày. Người Trung Quốc đã công bố thông tin vào ngày 9/1.

Vì sao lại mất nhiều thời gian như vậy để phát triển 1 loại vaccine? Có thể sử dụng vaccine phát triển cho dịch SARS 2003 được không, khi mà 2 loại virus corona này tương đồng tới 80%?

 Giáo sư Singapore giải đáp thắc mắc về vaccine cho COVID-19 - Ảnh 1.

Không sử dụng như vậy được. Về mặt di truyền học, SARS và COVID-19 còn 20% khác biệt. Sự khác biệt ấy là đủ để cơ thể chỉ phát hiện ra SARS mà không phát hiện ra COVID-19. Phát triển vaccine từ bước đầu vẫn tốt hơn.

Trong trường hợp có vaccine thì liệu có đủ cho tất cả mọi người không? Nếu không thì ai sẽ được tiếp cận đầu tiên?

Thường thì khi có vaccine cho các bệnh truyền nhiễm mới nổi, anh sẽ đưa cho những người trong nhóm rủi ro cao trước tiên.

Anh cũng sẽ làm 1 việc mà chúng tôi gọi là phương pháp "chủng ngừa vòng" (ring vaccination). Ví dụ, tại 1 nước như Hàn Quốc, anh không thể sử dụng vaccine cho tất cả mọi người. Vaccine sẽ được ưu tiên trước cho các tín đồ nhà thờ, những người có liên quan tới nhà thờ, và có lẽ là thành phố Daegu và các nhân viên chăm sóc sức khỏe ở đó.

Chúng tôi muốn sử dụng vaccine cho người dân theo chế độ ưu tiên. Tất nhiên, chúng tôi muốn bảo vệ tất cả mọi người khỏi ốm đau, bệnh tật, tử vong. Nhưng ngăn chặn lây lan cũng quan trọng không kém.

Câu chuyện thực sự xoay quanh việc xác định các sự kiện chính gây lây nhiễm và những người rủi ro cao nhất. Nếu sử dụng vaccine cho những người này trước thì ta không chỉ cứu sống họ mà quan trọng hơn, còn là ngăn ngừa lây lan.

Nếu tôi sử dụng vaccine cho COVID-19 thì loại vaccine này có tác dụng cả đời với tôi không hay giống như vaccine cúm, mỗi năm anh phải đi tiêm một lần?

Có 2 tình huống.

Thứ nhất là miễn dịch cả đời. Một số loại virus có thể sản sinh ra khả năng đó, ví dụ như virus sởi. Nếu anh bị sởi thì cả đời sẽ không bị nữa.

Nhiều loại virus khác, khi bị nhiễm bệnh, anh sẽ được bảo vệ trong vài năm, có lẽ vậy.

Với bệnh cúm, mỗi năm anh phải đi tiêm một lần bởi virus cúm thay đổi. Vì thế, năm nay anh dùng vaccine cho 1 chủng, năm sau nếu có chủng khác, anh lại cần vaccine khác. Điều đó không có nghĩa là hệ miễn dịch đã suy yếu, mà vì đó là miễn dịch chỉ nhằm vào bệnh cúm mùa nhất định, nên anh vẫn cần phải đi tiêm.

COVID-19 nhiều khả năng là loại nào? Liệu nó có biến chủng nhiều và sẽ cần các loại vaccine khác theo các năm không?

Nếu có 1 điểm sáng tích cực thì đó là virus này có vẻ không biến đổi nhanh như SARS và MERS. Tương đối ổn định về mặt di truyền học. Và điều đó là tích cực xét trong lĩnh vực phát triển vaccine và xét nghiệm.

Nếu virus biến đổi nhanh thì kể cả anh có vaccine rồi, cũng không thể dự đoán được biến thể tiếp theo. Trong vòng 40 ngày, hơn 100 trình tự gen - toàn bộ gen của virus - đã được đưa lên ngân hàng gen.

Đây không chỉ là những thế hệ khác nhau của virus mà còn từ các khu vực địa lý khác nhau. Tới nay có thể xem là tương đối ổn định.

Có thể khống chế được COVID-19 không?

Đây là câu hỏi khó trả lời. Các nước phát triển có thể có khả năng khống chế nó, nhưng các nước đang phát triển thì có thể không. Tình hình sẽ tệ hơn nếu có 1 trường hợp siêu truyền nhiễm - 1 trường hợp có thể lây cho tới 30 người trong khi thông thường 1 bệnh nhân chỉ lây cho 3 người.

*Cập nhật diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 tại đây.

 Giáo sư Singapore giải đáp thắc mắc về vaccine cho COVID-19 - Ảnh 3.