Giáo sư nổi tiếng: Dạy con theo nguyên tắc 3 "không" - tiền đề giúp con thành tài

Phương Uyên, Theo Tổ quốc 10:35 06/06/2022

Cha mẹ cần chú ý vận dụng phù hợp nguyên tắc 3 "không" dưới đây để có tư duy giáo dục con đúng đắn và mang tới những điều tốt đẹp cho con.

Cha mẹ nào cũng kỳ vọng vào con cái, "mong con thành rồng thành phượng", lớn lên có tương lai tươi sáng và trở thành người có ích cho xã hội. Trong hành trình trưởng thành của con, cách giáo dục và thói quen của cha mẹ sẽ quyết định đến tương lai con sau này.

Một đứa trẻ lớn lên có thành công, có trở thành người tốt hay không, không chỉ liên quan đến sự cố gắng của bản thân đứa trẻ, mà còn liên quan mật thiết đến hành động và lời nói của cha mẹ với trẻ hằng ngày. Xét đến cùng, con cái là hình ảnh thu nhỏ của cha mẹ, gia đình là môi trường đầu tiên con tiếp xúc, đồng thời cha mẹ cũng là tấm gương phản chiếu cho lời nói và việc làm của con.

Giáo sư nổi tiếng: Dạy con theo nguyên tắc 3 không - tiền đề giúp con thành tài - Ảnh 1.

Giáo sư Wu Weiku - Giáo sư Khoa Lãnh đạo và Quản lý Tổ chức, học viện Kinh tế và Quản lý thuộc Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc (Ảnh: weshiting.com)

Giáo sư, Tiến sĩ Wu Weiku - Giáo sư Khoa Lãnh đạo và Quản lý Tổ chức, học viện Kinh tế và Quản lý thuộc Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc - ĐH danh giá nhất khu vực Châu Á, có thứ bậc cao trong bảng xếp hạng các trường tốt nhất thế giới (theo Bảng xếp hạng top trường đại học tốt của thời báo Times năm 2021), cho rằng: "Nếu muốn con lớn lên thành công, cha mẹ phải ghi nhớ nguyên tắc 3 'không' này".

Nguyên tắc 3 "không" cha mẹ dạy con cần tìm hiểu

Không chạy theo số đông

Điều cha mẹ nên làm, đó chính là trau dồi khả năng tư duy độc lập của con và đừng bắt con chạy theo số đông, dù là trong bất cứ việc nào, như chuyện học hành, cuộc sống, công việc,... Ví dụ, cha mẹ đừng ép con phải chọn ngành học này vì cảm thấy có nhiều người chọn, thay vì vậy hãy động viên con học những gì mà con thích.

Cha mẹ hãy khuyên con rằng: "Con phải có nhận định và suy nghĩ của riêng mình, con không thể quan sát người khác đang làm gì và làm theo họ một cách mù quáng, hãy tự hỏi bản thân mình có phù hợp và có thích hay không".

Tư duy độc lập giúp con có khả năng tự học hỏi, tìm tòi và nghiên cứu, từ đó biết mình thích gì và có thể phát huy thế mạnh của mình. Không có tư duy độc lập, con trẻ dễ bị cuốn vào các tiêu cực xã hội, chạy theo số đông, không tìm ra được khả năng tiềm ẩn bên trong bản thân, thụ động và dễ chán nản.

Không để con tự mãn

Trong hành trình nuôi dạy con cái, cha mẹ không nên cưng chiều, bảo bọc quá mức, điều này sẽ khiến trẻ ngày càng trở nên ỷ lại, dễ sinh thói tự mãn. Con muốn đạt được những điều lớn lao thì phải biết cúi đầu khiêm tốn, học tập không ngừng nghỉ.

Giáo sư nổi tiếng: Dạy con theo nguyên tắc 3 không - tiền đề giúp con thành tài - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Khi trẻ đạt được thành tích xuất sắc, ngoài việc động viên, khen ngợi có chừng mực, cha mẹ hãy cho con biết rằng: ngay cả khi bản thân con có giỏi giang đến cách mấy, con vẫn nên làm mọi việc với tâm thế của một người đang học hỏi từ những người giỏi hơn xung quanh mình. "Núi cao còn có núi cao hơn", nếu chỉ mới đạt được một ít thành tựu nhỏ mà con đã tự cao, tự đắc, khoe khoang, thì con không chỉ bị người khác coi thường, mà con sẽ mãi dừng chân tại chỗ và mắc kẹt trong "vòng tròn tự mãn" đó.

Không để con sống buông thả

Nếu một đứa trẻ muốn thành công, thì hai yếu tố tài năng và chăm chỉ thôi là chưa đủ. Tài năng không đi đôi với chịu khó, tự nghiêm khắc kỷ luật bản thân thì tài năng sẽ không phát huy hết được.

Giáo sư nổi tiếng: Dạy con theo nguyên tắc 3 không - tiền đề giúp con thành tài - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Cha mẹ không nên nghĩ rằng, con thông minh, tài giỏi thì con có thể buông thả, thoải mái làm bất cứ điều gì mà chúng muốn, như mải mê chơi game, thức khuya, chơi điện thoại, vì lâu dần, chúng sẽ bị cuốn vào những thú vui tiêu khiển này và trở nên lười biếng, nhác học. Cha mẹ cần có sự nghiêm khắc kỷ luật để con đi vào "khuôn phép".

Việc giúp trẻ định hình ba quan điểm đúng đắn trên là vô cùng quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn 3-6 tuổi là giai đoạn "vàng" đối với sự phát triển nhân cách của trẻ. Ngoài tính cách và những thói quen tốt, cha mẹ cần trau dồi cho con em mình những kỹ năng cần thiết để thành công, chẳng hạn như trí tưởng tượng, khả năng tư duy và khả năng sáng tạo.