Gián Đức là loại gián gì mà ghê gớm vậy?

Dink, Theo Trí Thức Trẻ 11:35 30/05/2019
Chia sẻ

Gián Đức là vấn đề làm nhức nhối các tòa nhà cao tầng thời gian gần đây. Bạn cũng đừng quá phiền lòng, những con vật chết tiệt này đã làm phiền khủng long từ hàng triệu năm trước cơ, nên bạn đang đối đầu với một thế lực của tự nhiên chứ chẳng đùa.

Ngồi làm việc tận tầng 21 mà thỉnh thoảng vẫn phải đập gián, tôi cũng thấy lạ, kể cả vẻ ngoài của những con gián này cũng rất khác: chúng nhỏ người, thuôn dài và dáng chân khá cao. Tôi cứ tưởng gián con thì nó thế, nhưng may nhờ có cộng đồng mạng giáo dục về loài có tên là gián Đức, tôi mới ngớ người ra và đi tìm hiểu về loài sinh vật khó chịu bậc nhất Trái Đất.

Gián Đức là loại gián gì mà ghê gớm vậy? - Ảnh 1.

Một con gián được lưu giữ trong hổ phách, với niên đại khoảng từ 40 tới 50 triệu năm.

Biết địch biết ta, trăm đập trăm trúng

Trên Trái Đất có khoảng 4.600 loài gián, trong số đó chỉ dưới 30 loài lọt danh sách động vật gây hại. Để bạn tiện so sánh, số lượng loài thú có vú là 5.400.

Gián Đức, German cockroach có cái tên khoa học là Blattella germanica, là một loài gián nhỏ, chỉ dài khoảng 1,1 tới 1,6 cm (hoàn toàn trùng khớp với đặc điểm nhận dạng lúc tôi dí chết chúng). Gọi tên là gián Đức vì thời trước, các nhà khoa học nhầm tưởng nó tới từ Châu Âu. Lần thứ hai đi lần theo dấu gián Đức, người ta tìm được tới Đông Bắc Châu Phi. 

Nhưng đến lần thứ ba, những bằng chứng mới cho thấy gián Đức đến từ … Đông Nam Á. Đến lúc này thì lỡ gọi là gián Đức mất rồi, nên cứ gọi luôn để tránh nhầm sang loài gián Châu Á ta thường thấy. Các nước nói tiếng anh gọi chúng là gián Đức, còn người Đức thì lại gọi chúng là… gián Nga.

Gián Đức là loại gián gì mà ghê gớm vậy? - Ảnh 2.

Gián Đức

Nhưng gọi là gì và đến từ đâu không còn quá quan trọng, vì thứ sinh vật ghê tởm này xuất hiện ở gần hết các ngóc ngách Địa Cầu, chỉ còn Nam Cực là không có "dấu răng" gián Đức thôi.

Trái với loài gián Châu Á thích sống ở ngoài trời, loài gián Đức thường trú ngụ trong các cơ sở có người sinh sống: cửa hàng ăn, cơ sở sản xuất và chế biến thực phẩm, khách sạn, nhà nghỉ, v.v… Chúng không có khả năng sinh tồn tốt ngoài tự nhiên và sẽ sớm bỏ mạng, đó là lý do chúng "quấn người" đến thế.

Mùa lạnh tới là chúng sẽ ngay lập tức tìm nơi trú ngụ trong nhà chúng ta: gián Đức không chịu đựng được nhiệt độ quá thấp của trời giá buốt. Gián Châu Á thì tự vùi mình xuống đống lá rụng mùa thu để tránh rét.

Gián Đức là loại gián gì mà ghê gớm vậy? - Ảnh 3.

Đây cũng là lý do tại sao khi đốt lá khô, ta thường thấy mùi khét của phân gián

Gián Đức là loài sống về đêm, nhưng khi khu sinh sống mà bị quấy rầy, chúng sẽ vẫn xuất hiện để tỏ vẻ tức tối với chủ nhà. Khi quá phấn khích hoặc quá khó chịu, loài gián Đức sẽ tỏa ra một mùi hương khó ngửi.

Lũ gián này cũng có thực đơn yêu thích giống gián Châu Á, cũng vẫn là thịt, tinh bột, đường và đồ giàu chất béo. Khi thiếu ăn, chúng cũng vẫn xử những thứ gián Châu Á vẫn ăn như xà phòng, keo dính và kem đánh răng. Khi hết thức ăn, gián Đức sẽ quay ra ăn thịt đồng lại.

Và đây là lý do khiến gián Đức đáng ghê tởm hơn gián Châu Á "nhà mình"

Gián Đức sinh sản nhanh hơn bất kỳ loài gián hay sống trong nhà nào, quá trình trưởng thành từ trứng đến mức sinh đẻ được chỉ khoảng 50 - 60 ngày. Khi trứng được thụ tinh, gián Đức cái sẽ mang luôn bọc trứng theo người cho tới lúc gần đẻ, thế là tránh được kẻ săn mồi dòm ngó. Mỗi bọc chứa khoảng 18-50 quả trứng, trung bình 32 quả/bọc.

Khi nở, phần lớn lũ gián con sẽ kiếm dinh dưỡng từ chất thải của con trưởng thành, vì thế gián Đức tự gây dựng được hệ tiêu hóa gồm nhiều lợi khuẩn và tránh việc ăn phải bả. Chúng nạp dinh dưỡng và lột xác để lớn.

Gián Đức là loại gián gì mà ghê gớm vậy? - Ảnh 4.

Gián Đức đứng cạnh gián Mỹ (American cockroach).

Việc sử dụng quá nhiều bả (dưới dạng những viên đường tẩm độc) cũng đã khiến một phần gián Đức cứ chạm vào glucose là thấy vị đắng, chúng từ chối ăn bả và khiến ta mất đi một vũ khí tiêu diệt gián hiệu quả. Chẳng phải lần đầu tiên ta thấy chọn lọc tự nhiên vào cuộc.

Tóm lại, có một loạt những lý do này khiến gián Đức có được danh tiếng như hiện tại:

- Thiếu thiên địch. Khi đã sống trong nhà chúng ta, thiên địch của gián Đức giảm đáng kể. Quanh quẩn chỉ có chó, mèo, thạch sùng và đế dép.

- Mắn đẻ, mà thời gian để trưởng thành lại còn ngắn.

- Nhỏ người, dễ luồn lách vào những khe hở hẹp.

- Kháng được cả chất độc có trong bả.

"Nếu nó có máu để chảy, ta có thể giết được nó"

Để có thể tiêu diệt tận cùng gián Đức, bạn phải thực hiện các bước diệt gián một cách tuần tự, không sai sót, quyết đấu tranh đến cùng và đấu tranh toàn diện. Tôi vừa mô tả cách chiến đấu … của mọi cuộc chiến thì phải.

Như một lẽ hiển nhiên, bước đầu tiên triệt tiêu gián Đức là dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa của bạn đã. Để ý mọi kẽ hở như gầm tủ lạnh, gầm lò vi sóng, khe tủ bếp, chạn bát và tìm phân của gián Đức. Solutions Pest & Lawn mô tả phân của gián Đức sẽ có vẻ ngoài giống hạt tiêu như thế này đây:

Gián Đức là loại gián gì mà ghê gớm vậy? - Ảnh 5.
Gián Đức là loại gián gì mà ghê gớm vậy? - Ảnh 6.

Nếu tìm được phân gián thì bạn đã gặp may! Vì trứng gián Đức chỉ quanh quẩn đâu đó thôi. Hãy tìm và tận diệt, vì chỉ cần vài ba quả trứng sót lại là chỉ sau vài thế hệ gián, nhà bạn sẽ lại phải nuôi báo cô thêm một đàn ăn hại.

Gián Đức là loại gián gì mà ghê gớm vậy? - Ảnh 7.

Trứng gián.

Cũng giống hầu hết các sinh vật khác, gián Đức cần 3 thứ để sinh tồn: nơi ở, thức ăn và nước uống. Triệt tiêu nơi ở của chúng bằng cách dọn nhà đã, đảm bảo mọi bề mặt trong nhà bạn sạch bóng đồ ăn thừa, không có nước đọng. Dùng keo nến bịt khe hở trên tường, trên cửa cách âm hay những khe tương tự.

Gián Đức là loại gián gì mà ghê gớm vậy? - Ảnh 8.

Như đã nói ở trên, gián Đức ăn chất thải của con trưởng thành để tránh ăn phải bả. Vậy nên cách kiểm soát gián Đức là sử dụng thuốc điều tiết sinh trưởng côn trùng (Insect growth regulator - IGR), có chứa những chất như hydroprene hay methoprene. IGR sẽ can thiệp vào quá trình lột xác của côn trùng, ngăn chúng trưởng thành. Tác dụng của IGR (tức là thời gian để côn trùng lăn ra chết) sẽ phụ thuộc vào bản thân sản phẩm, côn trùng ăn phải IGR vào giai đoạn nào và tốc độ phát triển của con vật.

Sau một hồi tìm hiểu về tác hại của thuốc trừ sâu và ngồi đọc một loạt tài liệu về chất IGR có trong nhiều thứ thuốc (với tài liệu trải dài từ thành phần chai xịt gián Raid của anh đồng nghiệp cho tới thế giới kỳ diệu của Google và Wiki), tôi tìm ra được hai thứ thuốc này. Trước khi giới thiệu, tôi muốn nói đôi lời:

Bất kỳ loại thuốc diệt côn trùng nào cũng đều độc hại. Nếu bạn có ý định sử dụng chúng, tha thiết xin bạn chấp hành nghiêm ngặt chỉ dẫn viết trên thuốc. Tôi không muốn ai đó vì những từ ngữ mình viết ra mà bị ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

- Thuốc trừ sâu Confidor có thành phần Imidacloprid nằm trong danh sách các chất IGR. Người ta thường dùng Confidor để diệt rệp trên hoa lan, và Imidacloprid cũng là một trong những thứ thuốc diệt gián hiệu quả.

Gián Đức là loại gián gì mà ghê gớm vậy? - Ảnh 9.

- Gói trị côn trùng Aldet 12.5SC có chứa Deltamethrin, một chất được dùng trong tiêu diệt gián cũng như một số động vật gây hại trong nhà khác.

Gián Đức là loại gián gì mà ghê gớm vậy? - Ảnh 10.
Gián Đức là loại gián gì mà ghê gớm vậy? - Ảnh 11.

Dựa trên những thông tin ta đã biết, liệu chăng trộn Confidor hay Aldet với thực phẩm gián hay ăn, ta có thể có được bả gián? Dach sách đồ ăn ngắn gọn có thịt, tinh bột, đồ ăn dầu mỡ như đã kể ở trên, kể cả đường ngọt vì theo nghiên cứu, không phải tất cả gián Đức đều được chọn lọc tự nhiên dẫn dắt.

Châu Á chúng ta không sẵn thuốc diệt gián như nước ngoài, trong danh sách 4 đồ diệt gián mà Solutions Pest & Lawn đưa ra , không thứ nào được bán ở Việt Nam cả, nên ta phải tự tìm phương cách thủ công thôi. Để thêm thông tin tham khảo, 4 thứ thuốc diệt gián nêu trên là:

- Apex Cockroach Gel Bait: thứ thuốc khoái khẩu của gián Đức có chứa độc tố, con gián tha mồi về sẽ giết cả tổ luôn.

- D-Fense Dust: một loại bột trừ sâu chống nước, dùng để đổ thẳng vào các khe hở như khe nứt tường, ổ điện.

- Gentrol Point Source: một cái đĩa bông gòn chứa IGR.

- Thuốc xịt Novacide: một loại thuốc diệt côn trùng gây hại có chứa IGR.

Solutions Pest & Lawn khuyên nên dùng cả 4 thứ, và tránh xịt Novacide lên bả để có hiệu quả cao nhất.

Hãy nhớ dọn dẹp nhà cửa đều đặn để tránh gián lại tiếp tục xuất hiện. Như các cụ nhà ta hay nói, phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Ơn giời, ta vẫn có một điểm cộng DUY NHẤT của loài gián Đức phiền nhiễu: chúng không thích bay. Cánh của chúng ít nhiều để làm cảnh, khi bị tấn công, sẽ có một tỷ lệ nhỏ chúng sẽ xòe cánh để liệng sang chỗ khác.

Tham khảo một loạt các nghiên cứu khoa học được dẫn nguồn trên trang wiki của gián Đức , danh sách các chất IGR do chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nghiên cứu

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày