Giấm là một gia vị quen thuộc của mọi gia đình, nguyên liệu này cũng được biết đến với công dụng làm sạch, tẩy rửa cực hiệu quả nhờ thành phần chính acid acetic.
Tính chất acid mạnh của giấm giúp nó hoà tan cặn khoáng, làm sạch được các bụi bẩn, dầu mỡ, các vết nấm mốc trên tường hay những mảng bám lâu ngày khác.
Ngoài ra, do không chứa chất tạo màu nên khi làm sạch bằng giấm trắng, các bề mặt sẽ không bị ố do ảnh hưởng của hóa chất. Khả năng khử trùng của giấm cũng tương đối mạnh, có thể tiêu diệt vi khuẩn.
Giấm là một chất tẩy rửa hiệu quả (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, không phải vật dụng nào cũng có thể sử dụng giấm để làm sạch. Nếu áp dụng sai vật dụng, hiệu quả làm sạch sẽ không được tối ưu, thậm chí vật dụng còn bị hỏng hóc hoặc ảnh hưởng về thẩm mỹ.
Dưới đây là danh sách những vật dụng trong gia đình bạn không nên dùng giấm để làm sạch, được đưa ra bởi chuyên trang Housedigest.
1. Dao làm bếp
Theo Vos Knife - một đơn vị chuyên sản xuất và phân phối các thiết bị nhà bếp, hầu hết các loại dao làm bếp chất lượng tốt đều được làm bằng sắt. Chúng sẽ dễ bị gỉ sét, hư hỏng nếu tiếp xúc với môi trường ẩm ướt, độ ẩm cao. Trong giấm có chứa nồng độ acid cao nên cũng có thể làm hư hại, ăn mòn lưỡi dao.
Ngoài ra, lưỡi dao cũng có thể bị cùn đi khi bị tác động bởi giấm.
Dao có thể bị gỉ hoặc cùn đi nếu như vệ sinh bằng giấm (Ảnh minh họa)
Thay vì làm sạch dao bằng giấm, bạn nên dùng chất tẩy rửa chuyên dụng hoặc xà phòng rửa bát thông thường, kết hợp với nước ấm.
Cách làm này sẽ khiến dao được vệ sinh sạch sẽ và giữ cho tuổi thọ vật dụng được lâu bền.
2. Bàn là quần áo
Mặc dù giấm có thể làm sạch các chất cặn bẩn nhưng với vết cặn bẩn ở bàn là quần áo thì lại ngoại lệ.
Khi dùng giấm lau lên phần bàn là, cặn từ nước bên trong bình chứa của bàn là sẽ bị tắc lại, gây nghẽn cơ chế phun. Có một số người cho rằng, có thể khắc phục bằng cách đổ giấm vào bình chứa đó. Tuy nhiên, việc làm này chỉ khiến mọi chuyện tồi tệ hơn, khi giấm có khả năng ăn mòn bởi chứa axit.
Carolyn Forte, giám đốc phòng thí nghiệm Good Housekeeping Cleaning, giải thích thêm: "Giấm có thể làm hỏng các bộ phận bên trong của bàn là. Vì vậy tốt nhất đừng dùng giấm để làm sạch bàn là".
Bàn là cũng là vật dụng không nên vệ sinh với giấm (Ảnh minh họa)
Thay vào đó, cô cũng khuyên người dùng nên đổ sạch bình chứa nước của bàn là sau mỗi lần sử dụng để bộ phận này được khô ráo, sạch sẽ và không xảy ra tình trạng đọng lại cặn nước.
3. Mặt đá tự nhiên
Hiện nay, nhiều gia đình thường làm mặt bàn bếp hay bàn uống nước nhà mình bằng đá tự nhiên để tăng tính thẩm mỹ, đôi lúc bị bẩn, việc đầu tiên nghĩ tới đó là dùng giấm để làm sạch. Tuy nhiên, giấm là nguyên liệu làm sạch cấm kỵ với các mặt đá tự nhiên.
Đá tự nhiên có thể kể tới như đá granite hay đá cẩm thạch. Bên cạnh giấm, mọi chất tẩy rửa có chứa hàm lượng axit cao đều tuyệt đối không nên dùng để vệ sinh mặt đá tự nhiên. Bởi axit có thể ăn mòn bề mặt, gây ra các vết ố vàng, bề mặt đá mất đi độ sáng, bóng và một số hư hại khác.
Theo các chuyên gia về đá tự nhiên, ngay cả khi giấm được pha loãng với nước thì nó vẫn có khả năng gây hại cho mặt bàn đá.
Vệ sinh đá tự nhiên bằng giấm có thể khiến tình trạng tồi tệ hơn (Ảnh minh họa)
Vì vậy tốt nhất để vệ sinh bề mặt đá tự nhiên, bạn nên lựa chọn dung dịch vệ sinh chuyên dụng và đọc kỹ thành phần cấu tạo, hướng dẫn sử dụng.
4. Sàn gỗ cứng
Chuyên trang Home Made Simple cho biết, giấm là thứ tồi tệ nhất mà bạn sử dụng để làm sạch sàn gỗ cứng.
Cũng tương tự như việc làm với mặt bàn đá, tính axit trong giấm sẽ làm mất sự sáng bóng, làm mờ gỗ thậm chí là hư hại nghiêm trọng. Nếu pha loãng giấm với nước, chúng còn có thể khiến sàn gỗ bị đổi màu và phồng lên theo thời gian.
Khi chọn chất tẩy rửa làm sạch sàn gỗ, hãy chọn loại có độ pH trung tính. Bởi chỉ số này cho thấy chất đó sẽ dịu nhẹ và an toàn với gỗ.
Việc sàn gỗ không may bị hư hại bởi việc dùng giấm để làm sạch có thể khiến bạn phải thay mới hoàn toàn sàn gỗ nhà mình.
Dùng giấm vệ sinh sàn gỗ có thể khiến sàn gỗ bị hỏng, dẫn tới phải thay mới hoàn toàn (Ảnh minh họa)
Ngoài 4 loại vật dụng trên, giấm cũng không thể đảm bảo làm sạch hoặc tiềm ẩn nguy cơ gây hỏng hóc khi dùng để làm sạch các thiết bị như đồ dùng điện tử (điện thoại di động, máy tính), một số bộ phận làm bằng cao su trong máy rửa bát, máy giặt, tủ lạnh hay các vật dụng bằng thép nhôm và đồng.
Theo Housedigest