Cân bằng chất lượng dạy học
Xác định trước khó khăn khi cùng lúc triển khai Chương trình GDPT 2006 và 2018, cô Trương Thị Nguyện - Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu (TP Châu Đốc, An Giang) cho biết: Ban giám hiệu nhà trường đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện cụ thể chương trình các khối lớp. Kế hoạch xây dựng theo hướng mở, linh hoạt, bảo đảm phân bổ hợp lý giữa các nội dung giáo dục.
Thời khóa biểu sắp xếp khoa học, phù hợp thực tế của nhà trường, đúng theo hướng dẫn của cấp trên. Đặc biệt, nhà trường đã tổ chức định hướng sớm cho học sinh, phụ huynh học sinh khối lớp 10 để lựa chọn môn học. Tuy nhiên, việc bảo đảm đúng nguyện vọng của học sinh và nhà trường có thể đáp ứng cũng là khó khăn phải đối mặt và cần có giải pháp cả trước mắt cũng như lâu dài.
Bên cạnh đó, năm học 2022 - 2023, với lớp 10 sẽ thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021; lớp 11 và 12 đánh giá học sinh theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011, Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020).
“Trường THPT Võ Thị Sáu quan tâm đổi mới công tác quản trị trường học, hình thành văn hoá chất lượng trong nhà trường, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018, nhưng kiên quyết không để chất lượng dạy học các khối lớp theo Chương trình GDPT 2006 bị giảm sút” - cô Trương Thị Nguyện khẳng định.
Quy định đánh giá mới, theo cô Trương Thị Nguyện, được nhà trường tuyên truyền, quán triệt đến giáo viên, học sinh và cả phụ huynh học sinh; từ đó học sinh biết rõ và xây dựng kế hoạch học tập phù hợp với nguyện vọng, năng lực bản thân.
Nhà trường cũng luôn chú trọng truyền thông sớm trong đội ngũ, giúp thầy cô có tâm thế ổn định, yên tâm, nghiên cứu kỹ chương trình, sách giáo khoa mới, làm quen dần việc dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực… song song với thực hiện Chương trình 2006.
Với Trường THPT Lục Nam (huyện Lục Nam, Bắc Giang), điều khiến cô Nguyễn Phương Lan - Hiệu trưởng nhà trường - băn khoăn khi triển khai đồng thời hai chương trình là đội ngũ còn chưa đồng đều về năng lực dạy học, khả năng chuyển hoá yêu cầu của chương trình mới cũng không giống nhau nên không tránh khỏi lúng túng ở một số thầy/cô.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất nhà trường chưa đồng bộ. Học sinh lớp 9 năm nay lên lớp 10 vẫn học theo Chương trình GDPT 2006. Khắc phục bất cập, Trường THPT Lục Nam đã tăng cường sinh hoạt chuyên môn để xây dựng kế hoạch dạy học theo từng tuần, hỗ trợ các thầy/cô còn chậm đổi mới. Nghiên cứu thiết bị dạy học phù hợp với từng bài học, tăng cường tìm kiếm học liệu chia sẻ trong tổ bộ môn.
Đồng thời, nghiên cứu kỹ chương trình, sách giáo khoa cấp THCS để bổ sung kiến thức cho cấp THPT. Công tác kiểm tra, đánh giá cũng được trường chú trọng thay đổi, cơ bản đáp ứng chương trình mới; nghiên cứu để vận dụng linh hoạt giữa cách đánh giá theo chương trình mới và cũ sao cho phù hợp.
Học sinh Trường THPT Việt Đức (Hà Nội). Ảnh: INT
Chuẩn bị tâm thế từ THCS
Dù phải thực hiện thêm một số công việc trong việc triển khai và chỉ đạo song song 2 chương trình, nhưng thầy Nguyễn Đức Hồng, Hiệu trưởng Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên) cho biết: Do có sự chuẩn bị kỹ nên triển khai công việc đến nay không gặp nhiều khó khăn. Theo chỉ đạo của cơ quan quản lý, nhà trường triển khai từng nội dung công việc tới các thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh toàn trường. Thuận lợi của trường chính là sự đồng thuận của đội ngũ, phụ huynh và học sinh; đặc biệt đại đa số thầy cô trong trường tuổi đều trẻ nên nhiệt tình, sôi nổi, cùng tháo gỡ khó khăn, thực hiện tốt các hướng dẫn, quy định của ngành.
Ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho rằng, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 với các trường THPT bước đầu sẽ có khó khăn nhất định bởi 2 chương trình có sự khác biệt khá lớn. Lường trước điều này, các trường THCS trên địa bàn tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho học sinh đang học lớp 9 năm học 2021 - 2022 về việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 10 năm học 2022 - 2023.
Trong đó, nhấn mạnh cho học sinh nắm rõ khi chuyển từ giai đoạn giáo dục cơ bản sang giáo dục định hướng nghề nghiệp ở cấp THPT, có các môn học bắt buộc và lựa chọn. Trường THCS cũng nỗ lực tổ chức dạy học có hiệu quả chương trình giáo dục lớp 9 hiện hành; tăng cường các nội dung bổ trợ giúp học sinh chuẩn bị đầy đủ kiến thức, phương pháp khi học tập theo Chương trình GDPT 2018 ở cấp THPT. Đồng thời, phối hợp với các trường THPT trên địa bàn khảo sát, nắm bắt tình hình học tập và nguyện vọng của học sinh khi vào học lớp 10 năm học 2022 - 2023.
Đối với trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học (có cấp THPT), ông Đỗ Tường Hiệp cho biết, sở GD&ĐT sớm yêu cầu nghiên cứu kỹ Chương trình GDPT 2018 để chủ động, chuẩn bị kỹ các phương án dạy học đối với lớp 10 phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học, từ đó xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường trong năm học 2022 - 2023 khoa học, phù hợp.
Phối hợp với trường THCS trên địa bàn phân tuyến tuyển sinh để nắm bắt tình hình học tập của học sinh; đánh giá sơ bộ, dự kiến việc lựa chọn môn học thuộc nhóm các môn học lựa chọn khi học sinh vào học lớp 10 để làm cơ sở chuẩn bị điều kiện thực hiện.
“Thời điểm này, các trường THPT đã rà soát, đánh giá thực trạng về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên và điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường đối với việc thực hiện chương trình giáo dục trong năm học 2022 - 2023.
Trên cơ sở đó, xây dựng dự thảo kế hoạch giáo dục nhà trường, trong đó tập trung xây dựng cụ thể các phương án tổ chức dạy học dành cho học sinh lớp 10. Theo báo cáo của các đơn vị, công tác chuẩn bị cho năm học mới 2022 - 2023 cơ bản đã sẵn sàng để tổ chức dạy học song song Chương trình GDPT 2018 và 2006” - ông Đỗ Tường Hiệp cho hay.