Giải pháp đột phá nhằm giảm bớt 90% lượng khí đang khiến Trái đất nóng lên từng ngày

J, Theo Trí Thức Trẻ 08:44 23/10/2016
Chia sẻ

CO2 không phải là thủ phạm duy nhất khiến Trái đất nóng lên đâu.

Khí hậu toàn cầu thay đổi, nhiệt độ Trái đất vẫn đang nóng lên. Và khi nói đến nhiệt độ, chúng ta đơn giản chỉ nghĩ đến khí thải nhà kính - CO2 - thủ phạm không thể chối bỏ của hiện tượng này.

Nhưng CO2 không phải là thủ phạm duy nhất, khi vẫn còn đó nhiều loại khí khác phải chịu trách nhiệm, bao gồm khí methane (CH4). Và bạn biết không, 90% lượng khí methane thải ra mỗi năm đến từ ngành chăn nuôi.

Giải pháp đột phá nhằm giảm bớt 90% lượng khí đang khiến Trái đất nóng lên từng ngày - Ảnh 1.

Những loài gia súc như trâu, bò, cừu... sống nhờ thực vật, và quá trình tiêu hóa thức ăn sẽ hình thành rất nhiều khí methane. Dành cho những ai chưa biết, mỗi ngày lũ này ợ hơi và... "oánh roắm" cực kỳ nhiều, nên lượng methane cứ theo đó mà thoát ra ngoài, khiến Trái đất nóng lên từng ngày.

Ước tính, quá trình chăn nuôi gia súc mỗi năm thải ra khí quyển khoảng 7,8 tấn khí thải nhà kính. Trong đó, 3,4 tỉ tấn là methane do gia súc thải ra. Dù khí methane bị phân hủy dễ hơn, nhưng khả năng giữ nhiệt lại mạnh hơn CO2 từ 28-36 lần. Thế nên, đây là loại khí được đánh giá là rất nguy hiểm.

Từ trước đến nay, nhân loại đã quá chú trọng vào CO2 mà quên đi sát thủ vô hình CH4, thể hiện qua việc có rất ít nghiên cứu và giải pháp dành cho methane. Nhưng mọi chuyện nay đã khác nhờ một đột phá từ ĐH James Cook (JCU), Úc.

Cụ thể, các chuyên gia tại đây tìm thấy một loại rong biển bản địa của Úc - Asparagopsis taxiformis. Trong thí nghiệm, họ cho một nhóm cừu ăn loại rong biển này. Kết quả, lượng khí methane tạo ra giảm tới 99%. Đáng chú ý hơn, chỉ cần thay thế khoảng 2% khẩu phần ăn hàng ngày bằng rong biển, lượng methane cũng giảm đi tới 70%.

Giải pháp đột phá nhằm giảm bớt 90% lượng khí đang khiến Trái đất nóng lên từng ngày - Ảnh 2.

Rong Asparagopsis taxiformis của Úc

Theo Rocky De Nys, giáo sư hải dương học tại JCU: "Khi thu hoạch, rong biển sẽ được phơi khô, sau đó rắc vào khẩu phần ăn hàng ngày của vật nuôi".

Để lý giải, giáo sư cho biết loại tảo này có chứa một hợp chất mang tên bromoform. Hợp chất này có thể phản ứng với vitamin B12, tạo thành một khối vững chắc. Khối này sẽ quấy rối các enzyme vốn chịu trách nhiệm sản xuất methane, ngăn không cho khí được hình thành trong quá trình tiêu hóa.

Nghiên cứu được nhiều người đánh giá rất cao. Dù rằng sẽ phải cần đến rất nhiều tiền để thay đổi khẩu phần ăn của hàng triệu triệu gia súc trên thế giới, nhưng đây vẫn là một phương pháp đầy tiềm năng để ngăn những cái ợ hơi "nguy hiểm" của vật nuôi.

Nguồn: IFL Science
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày