Giá xăng cao và kéo dài trong nhiều tháng qua đã tác động lớn đến tài xế, khiến thu nhập giảm đến phân nửa so với bình thường.
Từ ngày 11/5 vừa qua, mỗi lít xăng tăng khoảng 1.550 đồng, lên mức cao nhất từ trước tới nay, trong khi các loại dầu cũng đắt hơn 1.100-1.300 đồng. Hiện tại, mỗi lít xăng E5 RON92 có giá 28.950 đồng, xăng RON95 là 29.980 đồng và xăng RON95 V (loại xăng cao cấp) giá đã vượt 30.000 đồng.
Việc giá xăng liên tục tăng từ đầu năm và nay đã chạm mốc 30.000 đồng/lít đã ảnh hưởng rất lớn đến giới tài xế taxi và xe công nghệ (cả xe 2 bánh và 4 bánh). Nhiều người đã bỏ nghề vì thu nhập giảm, càng chạy càng lỗ, khách cũng ngại đi xe vì giá cước quá cao.
Ông Nguyễn Thanh Hoàng, chạy xe GrabBike, cho biết: "Trước đây đổ hai lần xăng mỗi ngày, mất 90.000 đồng, nay phải chi gấp đôi lên 180.000 đồng. Chạy cả ngày được khoảng 400.000 đồng, tiền xăng gần phân nửa, ăn uống tiết kiệm cũng mất 50.000 đồng, chỉ còn chưa tới 200.000 đồng nuôi vợ con cũng không đủ đâu vào đâu, chưa kể tiền thuê nhà".
Nhiều đồng nghiệp của ông cũng đã bỏ chạy xe công nghệ để tìm kế sinh nhai khác, do chạy xe công nghệ hiện nay không còn nuôi sống được gia đình, chưa kể chiết khấu quá cao hơn 30%, tiền xăng cũng tăng gấp đôi.
Thu nhập tài xế xe ôm giảm đáng kể
Ông Lê Hùng Minh, chạy xe ôm của hãng Gojek, cho biết giá cước đã được điều chỉnh từ những đợt tăng giá xăng dầu trước, từ đó đến nay lượng khách đi xe đã giảm hẳn, đồng nghĩa với việc thu nhập tài xế cũng giảm doanh thu. Tài xế BeCar Trần Văn Toàn lại than thở xăng dầu tăng cao nhưng lái xe chưa được hãng xe hỗ trợ nên không ít tài xế chọn giải pháp nghỉ cho khỏe.
Còn theo ông Bùi Tuấn Dũng (chạy GrabCar) cho hay ông vay tiền mua xe để chạy nhưng giờ thu nhập giảm, không đủ tiền trả lãi vay ngân hàng, đang có nguy cơ bị siết nợ. Trước đó, nhiều đồng nghiệp của ông đã bị ngân hàng siết xe, không chỉ mất trắng tiền vốn mà còn thiếu nợ đến 100-200 triệu đồng.
Ông Kiều Thanh Hùng, tài xế taxi Mai Linh, cho biết giá xăng tăng quá cao nên nguồn thu nhập hiện nay gần như không còn bao nhiêu. Để giảm bớt tiền xăng, nhiều tài xế taxi chọn cách đậu xe tại chỗ chờ tổng đài thông báo có khách mới dám nhận cuốc, không chạy lòng vòng bắt khách như trước vì không kham nổi tiền xăng. Tuy nhiên, không phải cuốc nào họ cũng nhận, nếu chuyến xe có số km quá ngắn họ sẽ "lơ" luôn, vì tiền cước không đủ đổ xăng.
Còn theo tài xế Thân Hoàng Tùng của hãng Vinasun, mấy tháng nay lượng khách đi xe giảm rất mạnh, nhiều đồng nghiệp của ông trụ hết nổi đã nghỉ chạy để làm việc khác. Đợt này giá xăng dầu đã chạm mốc 30.000 đồng/lít, ông cũng đang tính nghỉ việc "chứ ôm vô lăng cả ngày mà thu nhập không đủ nuôi vợ con".