Phố Tạ Hiện được xem là khu phố Tây duy nhất ở Thủ đô Hà Nội. Nơi đây còn được nhiều người đặt tên là ''thiên đường giải trí về đêm" bởi những quán xá dọc hai bên đường. Khách nước ngoài đổ đến nườm nượp, sinh hoạt cả ngày lẫn đêm.
Thế nhưng, giữa chốn ồn ã, náo nhiệt vẫn xuất hiện ngôi nhà nhỏ chứa đầy những chiếc quạt cổ - niềm đam mê mang đậm dấu ấn lịch sử của những người yêu Hà Nội, yêu mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Ngôi nhà số 2 trên phố Tạ Hiện được nhiều người biết đến với cái tên "Kho tàng quạt cổ"
Đó là ngôi nhà ở số 2 phố Tạ Hiện, chủ ngôi nhà là anh Trần Hồng Đức. Anh Đức đang là cán bộ công chức tại một phường ở quận Hoàn Kiếm. Công việc dù rất bận rộn nhưng anh vẫn dành thời gian để "giữ lửa" nghề truyền thống của gia đình.
Qua lời kể của anh Đức, trước đây bố anh là ông Trần Công Phúc (được người dân quen gọi với cái tên Phúc "quạt cổ") có niềm đam mê mãnh liệt với quạt cổ.
Ông Phúc lúc còn sống với kho quạt cổ của mình.
Khởi nghiệp, ông Phúc chỉ là một công nhân hàn áp lực Xí nghiệp đầu máy xe lửa Hà Nội chuyên sửa băng đa, phụ tùng đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước gần 20 năm.
Thời ấy, cuộc sống khó khăn, có sẵn tay nghề ông Phúc thường sửa thêm quạt cóc, điện cơ, quấn mô tơ điện...Ông tỉ mẩn cóp nhặt những chiếc quạt hỏng, những chiếc quạt cũ rồi treo đấy, ai thích mua thì mua. Nhờ vậy cũng kiếm được đồng ra vào để nuôi gia đình.
Thế rồi, trong một lần tình cờ, được một người hàng xóm bán rẻ cho chiếc quạt nhãn hiệu Marelli của khách sạn Metropole, ông Phúc mang về chữa lại. Dưới bàn tay tài hoa của người thợ lành nghề, chiếc quạt được sửa lại chạy tít như mới. Sau đó, chiếc quạt cổ lọt vào mắt của một vị khách du lịch người Anh và được người này mua với giá cao gấp 20 lần so với giá gốc.
Dòng quạt cổ Marelli của Ý vốn được là vua của các loại quạt, các chi tiết đều đạt đến độ tinh xảo hoàn mỹ. Quạt được làm chính xác công phu đến từng con ốc, bánh răng, chân đế… Chính vì thế, chúng có khả năng hoạt động bền bỉ hàng trăm năm
Từ đây, ông Phúc "bén duyên" với những chiếc quạt cổ, ông đi khắp nơi để tìm kiếm, thu mua những chiếc quạt cổ từ lâu đời đã hỏng đem về sửa, phục chế. Vừa để thỏa mãn niềm đam mê với cái nghề của mình vừa để kiếm kế mưu sinh.
Hễ cứ gặp chiếc quạt càng cũ ông lại càng thích và lại mua về để "bắt bệnh" cho nó. Rồi ông trổ hết vốn hiểu biết về thẩm mỹ màu sắc ra mà đánh bóng nó lên để trở thành những chiếc quạt đẹp như mới.
Ông Phúc chữa quạt không vì mong nổi tiếng, nhưng tự thân những chiếc quạt tưởng như hàng "đồng nát" lại mang tiếng tăm của ông vượt xa mức tưởng tượng. Tên tuổi của ông cứ xuất hiện giòn vang trên báo và tạp chí trong và ngoài nước, bỗng ông trở thành người được nhiều giới chơi quạt quan tâm với cái tên "bác sĩ quạt cổ"; "người thổi hồn vào quạt cổ"...
Chiếc biển của cửa hàng đã hoen màu thời gian
Những vị khách đặc biệt của cửa hàng được in lại
Với bộ sưu tập quạt cổ có một không hai này, ông Phúc đã từng được ghi danh trong “kỷ lục Guinness Việt Nam”
Cũng từ đó, ông Phúc đã được nhiều người quý mến mang quạt cổ đến tặng không. Sau khi sửa lại như mới, rất nhiều khách nước ngoài tìm đến cửa hàng nhỏ của ông trên con phố Tạ Hiện, giúp ông có cơ hội bắt tay với các đại sứ quán, tham tán liên minh châu Âu, đại diện của Microsoft và những vị tiến sĩ ngoại quốc…
Giành cả quãng thời gian nghỉ hưu để thoả mãn đam mê, phục chế quạt cổ, ông Phúc được công nhận là người có bộ sưu tập quạt cổ nhiều nhất Việt Nam vào năm 2012.
Tính tới thời điểm hiện tại, "ông vua quạt cổ" Trần Công Phúc đã ra đi hơn 5 năm nhưng tình yêu với những chiếc quạt cổ không hề bị gián đoạn.
Nối nghiệp cha, anh Đức cùng với những người học trò của ông Phúc vẫn đang tiếp tục, ngày đêm “thổi hồn” để hồi sinh những chiếc quạt cổ.
Anh Đức kể, sau khi bố anh mất đi, cửa hàng nhỏ trên phố Tạ Hiện vẫn được giữ y nguyên, đồ vật ít có sự thay đổi. Mặc dù cửa hàng tọa lạc trên con phố cổ đắt đỏ, gia đình anh có thể dùng với mục đích khác nhưng anh vẫn quyết giữ lại.
Anh Đức (áo trắng, đang ngồi) và những người học trò của bố mình phục chế quạt
Những chiếc quạt cổ đều được phục chế thủ công
"Thú thật, cửa hàng này nếu tôi cho thuê phải được 60 triệu đồng/tháng, thế nhưng tôi vẫn quyết giữ lại để nối nghề truyền thống của gia đình. Và đó cũng là niềm đam mê, công sức sưu tầm một đời của bố tôi để lại cho con cháu", anh Đức tâm sự.
Nói về lý do theo nghiệp của bố, anh Đức cho hay: "Tuổi thơ của tôi gắn liền với những chiếc quạt cổ, mỗi khi thấy bố cặm cụi sửa quạt, tôi thường ngồi quan sát rất say mê và rất hào hứng phụ giúp bố.
Thời đó, để phục chế một chiếc quạt rất khó khăn. Không chỉ bởi nguyên liệu phục chế hiếm, mà tất cả các công đoạn phục chế đều phải làm thủ công.
Có nhiều loại linh phụ kiện không thể phục chế được một cách hoàn hảo nên đòi hỏi phải sưu tầm thật nhiều quạt để chuyển từ cái này sang cái kia. Có những chiếc quạt phải cần lấy phụ kiện từ hai đến ba cái quạt khác mới có thể hoàn thiện xong", anh Đức nói.
Theo anh Đức, những chiếc quạt cổ đều được phục chế thủ công nên đòi hỏi sự khéo léo và chính xác, không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để ngồi nhiều giờ đồng hồ bên những chiếc quạt hỏng. Nhưng do niềm đam mê đã ngấm vào "máu" nên khó khăn thế nào hai bố con cũng quyết tìm ra phương án để sửa.
Đồ dùng cơ bản để phục chế quạt cổ
Việc "khám bệnh" cho những chiếc quạt cổ này đòi hỏi người làm phải mất rất nhiều thời gian và công sức
"Hiện tại ở Hà Nội có rất ít cửa hàng sửa chữa quạt cổ. Chính vì vậy, thợ sửa chữa quạt cổ cũng rất hiếm, tôi và 2 người thợ ở đây do chính bố tôi đào tạo", anh Đức nói thêm.
Dù không được đào tạo về trường lớp cho việc sửa chữa quạt, thế nhưng anh Đức có thể "bắt bệnh" được tất cả các loại quạt cổ do bố mình truyền lại.
"Từ bé, tôi được bố hướng dẫn và chỉ bảo cách sửa quạt. Vậy nên, tôi biết kiếm tiền từ khi rất nhỏ. Lớn lên khi là sinh viên, thời gian rảnh tôi vẫn phụ bố sửa quạt, số tiền kiếm được, giúp tôi có một khoản chi tiêu ngoài tiền gia đình cung cấp", anh Đức nhớ lại.
Những chiếc quạt cổ nổi tiếng như Marelli của Ý, Emi Hà Lan, Calor Pháp, quạt tai voi của Nga, National 110 vol của Nhật,... đang được lưu giữ ở đây. Có những chiếc quạt cổ có giá trị khoảng 200 triệu đồng
Chiếc quạt cổ Marelli được làm bằng đồng nguyên khối có giá trị khoảng 80 triệu đồng
Đánh giá về thú chơi quạt cổ hiện nay, anh Đức cho rằng nhiều người đặc biệt thích quạt trần cổ bởi khi sử dụng họ nhận thấy rằng làn gió do những chiếc quạt trần cổ tạo ra như gió tự nhiên và không tạo ra tiếng động. Còn với quạt cây thì nghe tiếng cánh chém vào gió khiến người ta rất thích.
"Quạt được thiết kế mang đậm phong cách châu Âu với vẻ đẹp toát lên sự mềm mại, phù hợp với không gian trang trí theo phong cách tân cổ điển nên nhiều người mua về trưng bày, sử dụng cho hợp với không gian của ngôi nhà", anh Đức cho biết thêm.
Hiện giờ, toàn bộ không gian trong ngôi nhà nhỏ của anh Đức đều dành để trưng bày quạt cổ. Trên trần nhà, gác xép, những chiếc quạt trần được tháo bỏ cánh để tiết kiệm không gian treo san sát nhau, dưới nền nhà, không chỗ nào là không có quạt và thiết bị quạt.
Kho quạt cổ của anh Đức
"Mỗi chiếc có một vẻ đẹp riêng và thiết kế độc đáo khác nhau, nhưng đều được làm rất kỹ bằng những chất liệu đắt tiền như thân đúc bằng gang, cánh bằng gỗ hoặc đồng, chính vì thế mà chúng có tuổi thọ lên đến hàng trăm năm", anh Đức cho hay.
Kho tàng quạt cổ 'độc nhất vô nhị' nổi tiếng Hà Thành