Ai cũng mong được an cư lạc nghiệp, thế nhưng giá chung cư đắt đỏ tại thành phố lớn khiến nhiều người trẻ "chùn chân", mất động lực cố gắng. Thay vì đặt quyết tâm phải sở hữu một căn hộ, họ đã chuyển tiền sang các mục tiêu tài chính dễ đạt được hơn, mà phổ biến hơn cả là chi tiền cho các sở thích cá nhân để sống hết mình với hiện tại.
Thanh Hương (26 tuổi, Hà Nội) từ một vùng quê ở Bình Định vào Hà Nội để học tập và làm việc hơn 8 năm. Với tổng thu nhập từ công việc văn phòng khoảng 30 triệu đồng/tháng, cô nàng chỉ dám nghĩ đến chuyện thuê nhà, chứ khó để tự bản thân sở hữu bất động sản riêng.
“Mỗi tháng, mình tiết kiệm được tối đa 15 triệu đồng, tức là 50% lương nên cũng được tính là một con số khá lớn. Mỗi năm mình tiết kiệm được 180 triệu đồng. Như vậy cần 6 năm nữa mình mới tiết kiệm được 1 tỷ đồng, đủ điều kiện đặt đặt cọc mua nhà. Đó là trong trường hợp đồng tiền không mất giá và giá chung cư không tăng vọt”, Thanh Hương thở dài khi tính toán đến bài toán tài chính để mua được nhà.
Ảnh minh hoạ
Và thực tế, không phải tháng nào Thanh Hương cũng tiết kiệm được 50% lương. Bởi trong cuộc sống, có những biến cố xảy đến khiến quỹ tích luỹ của cô nàng dần hạn hẹp và khó đạt được mục tiêu đề ra. "Có những lúc, bố mẹ mình ốm đau nên bản thân cần phải có trách nhiệm. Hay em trai cần đi học đại học và 'gặp chuyện' trên thành phố thì mình cũng cần bỏ tiền ra giải quyết giúp bố mẹ", cô nàng lý giải.
Thanh Hương cho rằng, chuyện mua nhà có thể thay đổi bằng cách cô nàng đi kết hôn. Tuy nhiên, sự thay đổi theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực còn là câu chuyện khó đoán trước.
“Nhiều người bảo mình rằng cố gắng kiếm một tấm chồng, rồi cả hai vợ chồng phấn đấu mua nhà. Đồng ý là sau khi kết hôn, trong nhà sẽ có thêm một nguồn thu. Tuy nhiên, sau đó các khoản chi phí phát sinh cũng nhiều hơn như tiền nuôi con ăn học, tiền sinh đẻ, đối nội đối ngoại hai bên…
Hiện nay, mình thấy giá nhà chung cư ở nội đô không dành cho số đông. Nhiều người cho rằng lương 30 triệu đồng là ổn rồi nhưng nhìn xung quanh thì thấy hầu như mọi người đạt được tầm này. Hà Nội chật đất người đông nên hiện giờ với mức lương trung bình của mình, việc mua nhà gần trung tâm là gần như không thể”.
Ảnh minh hoạ
Đồng quan điểm với Thanh Hương là Nguyễn Minh (27 tuổi, Hà Nội) có mức lương từ công việc văn phòng là khoảng 20 triệu đồng. Mỗi tháng, Nguyễn Minh tiết kiệm tối đa là 10 triệu đồng, tức 120 triệu đồng/năm. Một con số không thấm là bao so với mức giá mua căn hộ là 2-2,5 tỷ đồng ở khu vực nội thành.
“Dân văn phòng chỉ có 1 nghề như mình thì muốn có chỗ ở tốt thì cần ít nhất 40-50% giá trị căn hộ. Sau đó, mỗi tháng để dư được ít nhất 15-20 triệu đồng để vừa trả chi phí sinh hoạt, vừa gánh tiền trả nợ ngân hàng.
Tất nhiên, ai cũng muốn bản thân dư dả lên và có năng lực để kiếm được mức thu nhập tốt. Tuy nhiên, nhiều ngành nghề đặc thù thì đi làm mãi cũng khó có thể tăng lương, chứ chưa nói đến chuyện giàu. Đó còn chưa kể trong tình hình bão sa thải như hiện nay thì việc duy trì được một công việc tốt cũng là điều khó khăn”, cô nàng bày tỏ.
Nguyễn Minh cũng nhận định, giờ đây cô không dám tìm hiểu thêm về giá nhà đất ở nội thành trước sự gia tăng chóng mặt của giá căn hộ. "Mình từng cùng bạn đi tìm hiểu các căn hộ ở khu vực trung tâm như quận Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm và xa hơn là Cầu Giấy thì đều có mức giá trung bình là 2-2,5 triệu đồng/tháng.
Giờ giá nhà tăng khá nhanh, nên mình tính toán chỉ có thể mua được ở khu vực vùng ven. Tuy nhiên, giá thành ở đây cũng tăng khá nhanh. Cách đây 3 năm, bạn mình mua căn hộ ở vùng ven đô là 1,7 tỷ đồng thì giờ đây chúng đã tăng giá 2,2 tỷ đồng - tức tăng 500 triệu đồng chỉ sau 3 năm".
Ảnh minh hoạ
Trước viễn cảnh khó có thể sở hữu căn hộ ở thành phố lớn, nhiều người trẻ đã chuyển sang dành tiền bạc cho các khoản chi hưởng thụ cuộc sống như đi du lịch, tham gia concert hay mua quần áo mới…
Ngọc Hà (27 tuổi) có mức thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng và chưa từng nghĩ đến chuyện mua tài sản lớn. Thay vào đó, cô nàng cho rằng chi tiền để đi du lịch nhằm tăng thêm kinh nghiệm cũng như trải nghiệm, giúp cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn.
"Mình vừa trải qua thời gian mà cuộc sống có nhiều biến động, mình nhận ra chẳng có gì tồn tại mãi mãi. Quả thực đúng là mỗi người cần có một khoản tiền tiết kiệm cho những thời điểm rủi ro, nhưng dường như tiết kiệm mua nhà mua xe để có cuộc sống ổn định không còn nhiều ý nghĩa nữa. Đối với mình, khái niệm cuộc sống ổn định không tồn tại, vì vậy mình muốn sống hết mình cho hiện tại".
Sau khi để dành một khoản tiền phòng tránh rủi ro, Ngọc Hà dành phần lớn tiền bạc để đi du lịch, đây là cách cô bạn sống cho hiện tại. Ngoài ra, Ngọc Hà cũng cho rằng việc không có nhà và xe không ảnh hưởng gì đến chất lượng cuộc sống. Không có nhà riêng, nhưng cô nàng vẫn đầu tư cho không gian sống nhà thuê của mình. Đối với việc di chuyển, Ngọc Hà cho rằng phương tiện giao thông, dịch vụ gọi xe trên ứng dụng hay đi xe máy đều là những lựa chọn tốt, không nhất thiết phải sở hữu ô tô riêng.
Ảnh minh hoạ
Tương tự Ngọc Hà, Thanh Hương cũng nhận định mua được nhà đã không còn là mục tiêu số một của cô nàng. Còn nhiều dự định khác mà Thanh Hương muốn thực hiện để biến cuộc đời thú vị hơn như chi tiền sắm hàng hiệu, hoặc tích góp để đi du du học. Và thuê nhà sẽ giúp Thanh Hương bớt đau đầu trong việc tích lũy tài sản để mua nhà và lo toan chuyện trả nợ.
"Hiện tại, mục tiêu của mình là ở nhà thuê và tiết kiệm tiền cho việc đi du học, cũng như đầu tư trong tương lai. Việc ở nhà thuê sẽ giúp mình gia tăng khoản tích lũy khá nhiều. Có thể khi đã tìm thấy được một người chồng để kết hôn, cũng như có thêm gắn kết với mảnh đất Hà Nội, mình sẽ nghĩ đến chuyện mua nhà. Còn hiện tại, mình nghĩ chuyện mua nhà vừa xa vời, mà còn không đúng với lộ trình bản thân mong muốn".
Còn với Nguyễn Minh, cô nàng vẫn muốn sở hữu bất động sản. Tuy nhiên, Nguyễn Minh không đặt nặng áp lực nhất định phải có một căn hộ ở thành phố lớn. "Bởi lẽ mình chưa chắc sẽ còn sinh sống lâu dài tại Hà Nội. Có thể một thời điểm nào đó, mình sẽ kết hôn và cùng chồng chuyển về quê sinh sống. Hoặc mình sẽ cùng chồng chuyển về quê ở cùng bố mẹ mình. Bởi gia đình mình có hai chị gái đã lấy chồng, do đó nếu mình kết hôn và chồng mình sẵn sàng về sinh sống cùng, thì bố mẹ sẽ rất vui".
Cũng vì thế, khoản tiết kiệm của Nguyễn Minh còn khá ít ỏi. Với mức lương 20 triệu đồng/tháng thì cô nàng thường tiêu hết 15 triệu đồng cho chi phí sinh hoạt và sở thích cá nhân như đi concert, đi du lịch trải nghiệm.
"Thời điểm này, mình gần như đã từ bỏ ước mơ mua căn nhà ở nội thành. Mình không muốn đánh đổi những năm tháng tuổi trẻ chỉ để chật vật tiết kiệm tiền, sau đó vay nợ lớn để mua nhà, mua xe. Thay vì đó, mình muốn chi tiền để bản thân hài lòng với cuộc sống hiện tại hơn", cô nàng nói.