"Ghost House": Sự kết hợp Mỹ - Thái chưa đủ gây sợ hãi

Lý Cơ Hân, Theo Trí Thức Trẻ 10:54 27/08/2017

Là sự kết hợp giữa nền văn hóa Đông – Tây và có các cảnh hù dọa jump scare ăn tiền, song “Ghost House” lại thiếu những cao trào cần thiết.

Ghost House công chiếu vào một thời điểm nhạy cảm, ngay giữa hai bộ phim kinh dị được trông đợi là Annabelle: Creation It. Không thể tạo ra bầu không khí ma mị đầy mê hoặc như Annabelle: Creation, nhưng Ghost House vẫn có những ưu điểm rất riêng. Sức hút của Ghost House đến từ phần nội dung tâm linh về ma quỷ kết hợp giữa hai nền văn hóa Đông và Tây, hứa hẹn có thể khiến các khán giả châu Á mà đặc biệt là những nước láng giềng Thái Lan sợ đến tái xanh mặt.

Ghost House: Sự kết hợp Mỹ - Thái chưa đủ gây sợ hãi - Ảnh 1.

Ghost House theo chân cặp tình nhân trẻ người Mỹ là Jim và Julie trong kỳ nghỉ dưỡng ở Bangkok. Với sở thích được ngắm nhìn những ngôi miếu thờ, Julie rất hứng thú chụp lại những tấm ảnh về nhà của những hồn ma – những điện thờ được đặt ở góc linh thiêng nhất trong mỗi một ngôi nhà để các hồn ma vất vưởng có nơi cư ngụ. Vì người dân nơi đây tin rằng chỉ như vậy, những hồn ma mới không cảm thấy phẫn uất mà đi gây nguy hại cho những con người còn sống.

Ngay vào đêm đầu tiên đặt chân đến Thái Lan, đôi tình nhân đã được hai du khách người Anh rủ về vùng thôn quê. Họ hứa hẹn sẽ dẫn hai người tới một nơi có khung cảnh ma mị với đầy những miếu thờ bị bỏ hoang từ lâu. Nhưng do tính hiếu kỳ mà Julie đã chạm tay vào một đồ vật lạ và bắt đầu bị ám bởi hồn ma tên Watabe. Nỗi nguy hiểm thực sự đang ngày càng lớn hơn, chúng đe dọa tước đi linh hồn và sinh mạng của cô gái tội nghiệp.

Ghost House: Sự kết hợp Mỹ - Thái chưa đủ gây sợ hãi - Ảnh 2.

Ghost House không mang sắc thái của phim kinh dị đầy ám ảnh châu Á, cũng không hoàn toàn thuộc dòng kinh dị siêu nhiên của điện ảnh phương Tây. Đây là sự kết hợp giữa hai nền văn hóa khi bộ phim để nhóm bạn Tây kể câu chuyện ma quỷ của mình ngay trên đất Thái xa lạ. Chính vì thế khán giả có thể cảm nhận được sự cô đơn và sợ hãi của các nhân vật. Điều này càng làm tăng thêm cảm giác rùng rợn cần thiết cho một bộ phim kinh dị ma ám.

Ghost House: Sự kết hợp Mỹ - Thái chưa đủ gây sợ hãi - Ảnh 3.

Điểm ấn tượng tiếp theo của Ghost House chính là cảnh hù dọa jump scare bất ngờ và hiệu quả, song jump scare lại bị sử dụng khá tràn lan khiến người xem đôi chỗ bị chai mất cảm xúc. Tạo hình của ma Watabe cũng chưa đủ rùng rợn để lan tỏa nỗi sợ cho phần đông khán giả. Nhưng mặt khác, Ghost House cũng có thêm điểm cộng khi miêu tả chân thật khung cảnh xứ Chùa Vàng, từ những con hẻm nhỏ, khu vui chơi giải trí đến vùng quê hẻo lánh với thiên nhiên cây cỏ.

Ghost House: Sự kết hợp Mỹ - Thái chưa đủ gây sợ hãi - Ảnh 4.

Ngoài ra, khoản diễn xuất của Ghost House cũng là một điểm cộng cho phim khi các diễn viên đều có màn diễn trọn vẹn. Nhân vật hướng dẫn viên Gogo của Michael S. New dễ thương và tốt bụng đã thành công trong việc chiếm cảm tình khán giả. Hai diễn viên Scout Taylor-Compton và James Landry Hébert cũng có một màn diễn tròn vai và thuyết phục. Đặc biệt Scout Taylor-Compton trong vai cô nàng Julie đã thể hiện được nỗi sợ, lo lắng, hoang mang khi trở thành con mồi của hồn ma dữ Watabe.

Ghost House: Sự kết hợp Mỹ - Thái chưa đủ gây sợ hãi - Ảnh 5.

Ghost House là một sự kết hợp mới mẻ giữa nền văn hóa Đông – Tây, có những cảnh hù dọa jump scare đáng đồng tiền, đồng thời sở hữu dàn diễn viên đóng tròn vai, song bộ phim vẫn có điểm trừ lớn chính là thiếu cao trào kịch tính. Mạch phim không có sự đột phá của Ghost House có thể khiến khán giả khó tính phải thất vọng, song vẫn đảm bảo đủ tính giải trí cần thiết để thỏa lòng đối tượng khán giả cần thư giãn sau những ngày học tập và lao động vất vả.

Ghost House: Sự kết hợp Mỹ - Thái chưa đủ gây sợ hãi - Ảnh 6.

Ghost House (Ngôi Nhà Ma Ám) được dẫn dắt bởi vị đạo diễn Rich Ragsdale, có sự tham gia của Scout Taylor-Compton, James Landry Hébert và Michael S. New.

Ghost House hiện đang được công chiếu trên toàn quốc.