Nguy cơ lây lan dịch bệnh từ người ở các quốc gia có dịch nhập cảnh vào Việt Nam khiến việc kiểm soát của cán bộ làm nhiệm vụ càng thêm vất vả.
Các cán bộ Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Nội Bài làm thủ tục cho hành khách nước ngoài nhập cảnh. Ảnh: Xuân Trường.
Lúc chúng tôi đến, Thượng tá Vũ Minh Hưng, Phó Trưởng Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và các CBCS đơn vị đang tất bật làm thủ tục nhập cảnh cho hành khách từ các nước về Việt Nam... Bàn tay đeo găng, khuôn mặt được che kín bởi khẩu trang y tế, họ tỉ mỉ lật từng trang hộ chiếu kiểm tra nhằm xác định hành khách có đến từ vùng dịch hay không. Trong trường hợp phát hiện, đơn vị sẽ phối hợp với kiểm dịch y tế quốc tế tại sân bay để xử lý.
Từ ngày 7-3, tất cả hành khách nhập cảnh vào Việt Nam phải khai báo y tế bắt buộc thì khối lượng công việc của CBCS Công an cửa khẩu Nội Bài nhân lên. Để ngăn chặn và phòng ngừa dịch COVID-19, khu vực làm thủ tục và phòng chờ ở Sân bay Nội Bài đã điều chỉnh nhiệt độ tăng cao. Vì thế, mặc dù theo điều lệnh đang là trang phục thu đông nhưng đơn vị đã xin cơ chế cho cán bộ sử dụng quần áo xuân hè.
Thời gian làm thủ tục những ngày này cũng vì thế mà lâu hơn do phải kiểm tra từng trang hộ chiếu dấu kiểm chứng của các nước, nhằm xác định hành khách có đến từ vùng dịch không. Bởi trên hộ chiếu của nhiều nước, đặc biệt là đa phần các nước châu Âu không đóng dấu kiểm chứng nên không có cơ sở để xác định hành khách đó có đi qua vùng dịch hay không.
Trong khi đó, trách nhiệm của Công an cửa khẩu Nội Bài là phối hợp với lực lượng kiểm dịch cửa khẩu để tiến hành rà soát nhưng vẫn phải tạo điều kiện thuận lợi để người nước ngoài nhập cảnh đơn giản, thuận tiện vào Việt Nam. Đồng thời, phải kiểm tra chặt chẽ để đảm bảo tránh sót, lọt đối tượng sử dụng hộ chiếu giấy tờ giả và những người đến từ vùng dịch.
Từ công tác rà soát, sáng 10-3, đơn vị phát hiện 9 trường hợp đi từ Milan (Italia) nhập cảnh về Việt Nam, chủ động phối hợp với cán bộ kiểm dịch ngăn chặn kịp thời.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Thị Bình Phương, Trưởng Công an cửa khẩu Nội Bài cho biết: Từ thời điểm 0h ngày 25-1, tức là vào đêm giao thừa, đơn vị đã phối hợp với lực lượng kiểm dịch y tế quốc tế chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch. Cùng với trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn, găng tay bắt buộc phải sử dụng, đơn vị còn tổ chức tuyên truyền để CBCS ý thức được mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, từ đó chủ động phòng ngừa.
Với lưu lượng hành khách vào ngày bình thường từ 18- 20 nghìn người, áp lực của cán bộ đơn vị càng thêm nặng nề. Cho đến bây giờ, cán bộ Công an cửa khẩu Nội Bài vẫn còn nhớ lần cách ly đoàn khách đầu tiên từ vùng dịch về Việt Nam. Trong 2 ngày 25 và 26-2, các công dân Việt Nam và hành khách nước ngoài đều phải đưa đi cách ly tập trung. Chỉ tính riêng ngày 26-2, có tới hơn 1.000 hành khách...
Trong quá trình chờ phân loại, đưa xe đến đón, một số người chưa hiểu được mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh đã tỏ thái độ bức xúc. Một số có lời lẽ tục tĩu, cũng có trường hợp đe dọa lực lượng làm nhiệm vụ, xé rào quây cách ly.
Hôm đó, cán bộ đơn vị phải làm việc từ 8h sáng ngày hôm trước đến 15h ngày hôm sau mới đưa được khách đi... Khi các chuyến bay từ vùng dịch chuyển xuống Vân Đồn thì Công an cửa khẩu Nội Bài còn cắt cử một tổ công tác xuống cơ sở, để tiếp nhận người trở về.
Thời điểm này, khi dịch COVID -19 bùng phát, áp lực của cán bộ đơn vị còn lớn hơn nhiều. Công an cửa khẩu phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động ngăn ngừa và phát hiện các trường hợp nghi nhiễm dịch COVID-19 để tổ chức cách ly, quản lý. Hàng ngày, họ còn phải theo dõi, khám sức khỏe cho CBCS đã tiếp xúc với số khách nhập cảnh nghi liên quan đến dịch bệnh và CBCS có dấu hiệu nghi mắc COVID-19 để kịp thời khám, xét nghiệm tại các cơ sở y tế, đồng thời có biện pháp cách ly với gia đình để đề phòng, chống lây lan dịch bệnh.
Ngoài phòng, chống dịch, đơn vị còn phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát xuất, nhập cảnh, đảm bảo không để lọt các đối tượng vi phạm pháp luật; phát hiện và kiên quyết xử lý các trường hợp vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, chất cháy, việc buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm đề phòng lây lan dịch bệnh COVID-19 qua các cửa khẩu cảng hàng không quốc tế.
Đến thời điểm hiện tại, có 11 CBCS trong đơn vị đang bị cách ly, trong đó có 2 trường hợp đã làm việc với hành khách bị nhiễm COVID-19 đang cách ly tại Bệnh viện Nhiệt đới; nhiều CBCS suốt tháng ăn ở tại đơn vị.
Không chỉ ở các cửa khẩu, cảng hàng không mà tại bộ phận tiếp dân, nhiều cán bộ chiến sĩ trong Cục cũng đã và đang phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm…" - Đại tá Nguyễn Văn Thống, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh chia sẻ.
Cán bộ Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Nội Bài vẫn đang lặng thầm làm nhiệm vụ ở nơi “tuyến đầu” với dịch COVID-19.
Anh kể lại: Khi xảy ra trường hợp hành khách N.H.N đi trên chuyến bay VN0054 nhiễm dịch COVID-19, trắng đêm hôm đó, cán bộ của Cục phối hợp với Công an các đơn vị địa phương thống kê, tập hợp số liệu báo cáo về Ban chỉ đạo của Bộ. Việc rà soát gặp không ít khó khăn bởi việc này lại phụ thuộc hoàn toàn vào cơ sở lưu trú có chấp hành quy định của pháp luật hay không.
Trong trường hợp họ không tự giác khai báo thì không có thông tin trên hệ thống mà người nước ngoài đến Việt Nam du lịch lại thường xuyên di chuyển. Có khi vừa phát hiện, chưa kịp kiểm tra thì cán bộ đơn vị và Công an các địa phương lại phải đi dò tìm họ chỗ khác...
Đại tá Nguyễn Văn Thống lý giải: Theo quy định, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam chỉ cần lấy thông tin của hành khách từ trang nhân thân hộ chiếu nên Cục không có thông tin địa chỉ họ lưu trú sau khi vào Việt Nam. Để tìm được địa chỉ của hành khách, hôm đó cán bộ Cục phải kiểm tra thông tin trong tờ khai cấp hộ chiếu, từ đó, tiếp tục tỉ mỉ tìm kiếm và rà soát.
Hộ chiếu có giá trị 10 năm, vì thế có những địa chỉ của họ phải dò tìm rất vất vả và phụ thuộc nhiều vào cơ sở lưu trú có khai báo trung thực và đúng số liệu cho anh em hay không.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Văn Thống cho biết, để chủ động phòng, chống dịch COVID-19, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã thành lập Ban Chỉ đạo để phân công nhiệm vụ cho các đơn vị chủ động phòng, chống dịch; tham mưu lãnh đạo Bộ ký ban hành các kế hoạch, điện, chỉ đạo Công an các địa phương liên quan đến công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, tích cực tuyên truyền cho toàn thể CBCS thực hiện việc khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế; vận động người thân, gia đình cùng chung tay khai báo y tế...
Đơn vị đã quán triệt cho tất cả CBCS nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của dịch COVID-19, chấp hành nghiêm chỉnh chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch đáp ứng với yêu cầu của Bộ Công an, Bộ Y tế. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xét duyệt chặt chẽ người nước ngoài, nhất là số khách nhập cảnh đến từ vùng dịch bệnh; thông báo cho các doanh nghiệp lữ hành không bảo lãnh, đón khách du lịch đến từ các vùng có dịch bệnh.
Chỉ đạo lực lượng quản lý xuất, nhập cảnh Công an các địa phương làm tốt công tác kiểm tra, quản lý cư trú của người nước ngoài. Kịp thời phát hiện những trường hợp cư trú trái phép, vi phạm quy định xuất, nhập cảnh, vi phạm pháp luật, những đối tượng lợi dụng nhập cảnh Việt Nam xâm phạm ANQG, TTATXH và bọn tội phạm nước ngoài ẩn náu hoạt động, số đối tượng cư trú không có mục đích rõ ràng...
Ở các tỉnh biên giới, Công an các địa phương tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm của người nước ngoài phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép tại các tỉnh giáp biên giới Trung Quốc, các địa phương có chợ, đường mòn, lối mở; kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng.
Đến thời điểm này, dịch COVID-19 đã lan rộng ra hơn quốc gia trên thế giới, thách thức với Cục trong việc rà soát, xét duyệt công tác quản lý cư trú, xuất nhập cảnh còn nhiều... Trong khi đó, số CBCS tiếp xúc với hành khách dạng F2, 3, 4 khá nhiều. Bởi thế, việc đảm bảo an toàn cho CBCS trong thời gian làm việc vẫn là vấn đề đặt ra của lãnh đạo đơn vị.