Lễ độc thân, Black Friday, Giáng sinh, Chào năm mới… là những dịp lễ khiến nhu cầu mua sắm của khách hàng tăng cao. Do đó, những ngày cuối năm là dịp để các cửa hàng tung ra hàng loạt các đợt xả hàng giá sốc. Mọi người đều cho rằng đây là dịp để kiếm được những món hời, nhưng thực tế đây chính là lúc mọi người chi tiêu mất kiểm soát nhất.
Tâm lý "mua ngay cho rẻ" khiến chúng ta dốc túi để mua những món đồ mà ta thậm chí còn không bao giờ dùng đến, để rồi thay vì tiết kiệm tiền, ai nấy đều cháy túi sau mỗi mùa sale cùng hàng túi đồ chất đống trong góc nhà. Kết quả, bạn luôn mất nhiều hơn được sau những cuộc mua sắm quá đà.
Thực tế, đây hoàn toàn không phải là lỗi của bạn. Những chương trình giảm giá đã được thiết kế thật hấp dẫn và quảng cáo một cách có chủ đích để khiến khách hàng không thể dừng lại chỉ với một món hàng. Do đó, muốn làm chủ được chi tiêu trong những ngày bão sale, hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau đây trước khi quyết định mua hàng.
1. Đây là thứ bạn cần, hay là thứ bạn muốn?
Một nguyên tắc chi tiêu vỡ lòng mà những người quản lý tài chính cá nhân tài giỏi đều biết, đó là "không mua những thứ mà bạn không cần đến". Phần lớn những khoản chi hoang phí trong các dịp sale là dành cho những thứ chúng ta muốn mua, nhưng không thật sự cần thiết trong cuộc sống hàng ngày. Suy nghĩ "nhỡ một ngày nào đó mình cần đến thì sao" là một chiếc bẫy tâm lý người tiêu dùng thường xuyên mắc phải mỗi khi mua một món đồ mà họ mong muốn, và họ sẽ cố tưởng tượng ra những dịp mà họ sẽ dùng đến chúng, dù thực tế là những dịp đó rất ít khi hoặc không bao giờ xảy ra!
Quả thực, có những món đồ bạn hoàn toàn không cần đến trong cuộc sống hàng ngày, nhưng có những lúc lại không thể thiếu được. Bạn sẽ không mặc đầm dạ hội mỗi ngày, nhưng trong những dịp tiệc tùng bạn lại cảm thấy không có gì để mặc. Vấn đề nằm ở chỗ, bạn không chỉ trả tiền để sở hữu món đồ này, mà còn phải trả chi phí khấu hao khi giá trị của chúng suy giảm dần theo thời gian, trong khi bạn chỉ để chúng bám bụi trong kho mà không thu lại được giá trị tương ứng. Đối với những món đồ cồng kềnh, chúng còn chiếm diện tích trong nhà bạn và khiến việc dọn dẹp trở nên mất thời gian, mệt mỏi hơn nhiều.
Do đó, cách giải quyết tốt nhất là ước lượng số lần bạn sẽ sử dụng món đồ này - liệu bạn sẽ sử dụng chúng hàng ngày, hàng tuần hay hàng tháng chứ? Nếu không, hãy thử tìm xem bạn có thể mượn hoặc thuê món đồ này từ bạn bè, người thân hay hàng xóm không. Nếu câu trả lời là có, thì bạn hoàn toàn không cần bỏ tiền để rước món đồ này về đâu!
2. Giá trị sử dụng của món đồ này có xứng đáng với số tiền bạn trả hay không?
Vào mùa sale khi mọi thứ đều được giảm giá, chúng ta thường hướng tới mua những thứ cao cấp nhất, hiện đại nhất để tân trang lại cho bản thân. Nhưng đôi lúc, những món đồ này có những tính năng thừa thãi so với nhu cầu sử dụng của bạn, và bạn hoàn toàn có thể lựa chọn các sản phẩm khác phù hợp hơn với giá thành tốt hơn. Liệu bạn có thật sự cần đến một chiếc điện thoại đời mới nhất? Liệu chiếc túi hàng hiệu có đáp ứng những nhu cầu của bạn tốt hơn một chiếc túi hàng bình dân? Rõ ràng, việc chi trả cho những tính năng thừa thãi này là một sự lãng phí.
Ở một khía cạnh khác, nhiều người lại đam mê chi tiền để mua những món đồ chất lượng thấp, đặc biệt là quần áo, với tâm lý mua rẻ lại được nhiều. Tuy vậy, những món đồ này có thể phải vứt đi chỉ sau một mùa, hoặc thậm chí không thể sử dụng nổi. Đây là lúc bạn nhận ra mình đã phung phí tiền cho những thứ không có giá trị sử dụng.
Một phương pháp cực kì hiệu quả giúp bạn nhận ra giá trị sử dụng của một món hàng là chia giá tiền cho số ngày bạn ước tính sử dụng chúng. Giả sử bạn muốn mua một chiếc áo, nếu bạn có thể mặc được nó nhiều lần, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau thì chi phí bạn bỏ ra mỗi ngày cho chiếc áo đó càng rẻ, tức là bạn đã được tận dụng tối đa giá trị của nó. Bằng cách này, bạn không những đánh giá được độ cần thiết của món đồ này đối với nhu cầu sử dụng của mình, mà còn có thể nhìn ra được chi phí bạn sẽ bỏ ra có xứng đáng với tần suất sử dụng chúng hay không.
Qui tắc này vượt trội hơn so với việc so sánh giá thông thường, bởi nó cho phép bạn chú ý vào chất lượng và giá trị thực sự của món đồ thay vì chỉ tập trung kiếm một món đồ giá rẻ. Đầu tư vào một đôi giày cao cấp thay vì mua một đôi giày rẻ tiền là hoàn toàn xứng đáng, bởi khi chia giá tiền theo thời gian sử dụng, bạn sẽ nhận ra rằng đôi giày chất lượng cao hóa ra lại rẻ hơn đôi giày chất lượng thấp rất nhiều.
3. Hãy mua đồ mới chỉ khi bạn đã vứt bỏ đồ cũ
Có bao giờ bạn soạn lại quần áo của mình và nhận ra mình có rất nhiều món đồ trùng lặp một cách không cần thiết không? Việc mua một món đồ na ná những thứ chúng ta đã có, chỉ khác ở một vài chi tiết, là một sự lãng phí mà rất nhiều người mắc phải. Điều này đặc biệt dễ xảy ra khi mua sắm quần áo, bởi chúng ta luôn bị thu hút bởi những mẫu mã mới nhất trong khi thời trang lại có tính xoay vòng.
Cách tốt nhất để ngăn việc lãng phí tiền vào việc sắm những món đồ trùng lặp là sắp xếp lại đồ đạc của bạn trước khi đi mua sắm. Hãy tự hỏi rằng liệu mình đã có món đồ tương tự ở nhà hay chưa? Liệu việc mua một món đồ mới có mang đến cho bạn điều gì mà những món đồ cũ ở nhà không làm được hay không?
Nếu bạn mắc phải thói quen mua nhiều thứ giống nhau, hãy tập kiểm soát chi tiêu bằng cách tuân theo qui luật: khi bạn thêm một món đồ mới, bạn phải từ bỏ một món đồ cũ. Bằng cách này, bạn sẽ buộc phải đánh giá kĩ càng xem món đồ mới có thật sự cần thiết hay không, đồng thời thoát khỏi tình trạng chất đống đồ đạc trong nhà.
3 bí kíp đơn giản này không chỉ giúp bạn vượt qua mùa sale an toàn, mà còn rất hữu ích trong việc kiểm soát chi tiêu hàng ngày và thành lập cho bạn những thói quen mua sắm lành mạnh hơn!