Thế hệ Gen Z được đánh giá có nhiều sự linh hoạt trong công việc và khả năng tiếp cận thông tin về tài chính hơn cha mẹ họ. Tuy nhiên, không phải ai cũng cảm thấy vui vẻ với các vấn đề tiền bạc và tương lai tài chính của mình.
Trên thực tế, Gen Z (những người sinh từ năm 1997 đến 2012) lo lắng về việc tiết kiệm hơn bất kỳ thế hệ nào khác, theo một cuộc khảo sát từ Business Insider.
Amanda Clayman (nhà trị liệu tâm lý trong lĩnh vực tài chính) chia sẻ: Rối loạn tiền bạc (money dysmorphia) là "một nhận thức tiêu cực và không thực tế về sức khoẻ tài chính hoặc vị thế tài chính của một người". Theo cuộc khảo sát gần đây của Credit Karma, gần một nửa thế hệ Gen Z và Millennials mắc phải tình trạng này.
Amanda Clayman giải thích thêm, rối loạn tiền bạc không chỉ đơn thuần là cảm giác bạn muốn trả hết nợ thẻ tín dụng hoặc tiết kiệm cho quỹ hưu trí. Chúng là "nỗi lo lắng, cảm xúc lo âu luôn trào dâng và cảm giác bất an từ sâu bên trong về tiền bạc", ngay cả khi bạn không có vấn đề tài chính cấp bách nào cần giải quyết. Rối loạn tiền bạc giải thích lý do tại sao thế hệ trẻ có nhiều khả năng hình thành quan điểm sai lệch về tài chính của họ, bất chấp chuyện tiền nong thực tế ổn định hơn họ nghĩ.
Theo Amanda Clayman, những người có xu hướng bi quan sẽ thấy rằng "tiền bạc là thứ rất dễ hình thành lo lắng". Những người trẻ tuổi, chẳng hạn ở độ tuổi giữa 20 đến giữa 30, thường trải qua nhiều sự thay đổi trong cuộc sống, chẳng hạn như cần tiết kiệm cho tổ chức đám cưới, mua nhà, thay đổi nghề nghiệp hoặc chăm sóc gia đình.
Người trẻ tuổi cũng có thể không có thước đo rõ ràng về số tiền họ phải tiết kiệm, ngoại trừ hình dung không cụ thể rằng đó là "số tiền rất lớn". Amanda Clayman nhận định, mục tiêu tài chính càng mơ hồ hoặc trừ tượng thì bạn càng dễ cảm thấy mình không thành công.
"Khi bạn ở giai đoạn sau của cuộc đời, bạn có thể tiếp cận được nhiều thông tin hơn một chút", vị chuyên gia nói. Những thế hệ lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm sống hơn, khiến họ ít có khả năng trải qua sự hoảng loạn không đáng có liên quan tiền bạc của mình.
So với Gen Z và Millennials, các thế hệ trước không phải đối mặt với sức mạnh bóp méo của phương tiện truyền thông xã hội. Clayman cho biết, người trẻ tuổi dễ tạo ra các chuẩn mực tài chính mơ hồ khi các trang mạng xã hội thúc đẩy họ hình thành quá nhiều sự tự so sánh với người khác.
"Khi dùng mạng xã hội, chúng ta không bao giờ có thể biết hết tất cả chi tiết riêng tư về bức tranh tài chính và cuộc đời của một người", Clayman nói, "Mà thực tế, chúng ta đang tạo ra một mô hình kể câu chuyện dựa trên thông tin không đầy đủ mà chúng ta thu thập được".
Chẳng hạn, có những cặp đôi có đám cưới trong mơ vẫn có thể mắc nợ thẻ tín dụng. Người bạn đi du lịch nước ngoài 4 lần/năm vẫn đang gặp khó khăn trong công việc.
Bên cạnh đó, việc sử dụng mạng xã hội có nhiều liên quan đến hình thành cảm xúc tiêu cực. Đơn cử, bạn liên tục bị tấn công bởi hình ảnh những nhà hàng sang trọng và ngôi nhà hoàn hảo của người khác, có thể hình thành chu kỳ lo lắng và nghi ngờ không đáng có về tình hình tài chính của mình.
Thế hệ cha mẹ thường dạy con cái những bài học giá trị về việc tiết kiệm. Đây không phải là quy tắc tiền bạc mà tất cả người trẻ đều áp dụng được vào nền kinh tế hiện nay. Một nguyên nhân phổ biến là các yếu tố như lạm phát và chi phí sinh hoạt cao có thể khiến những người trẻ khó tuân thủ lịch trình tiết kiệm nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tất cả những lời khuyên của thế hệ trước về tiền nong đều sai. Nhưng nếu bạn chỉ chăm chăm làm theo lời khuyên của ông bà bố mẹ dẫn đến các hành vi như sống quá tiết kiệm hoặc nghiện công việc để mong đổi tương lai giàu có, thì chúng thường có hại nhiều hơn có lợi.
Clayman cho biết: Con đường hiệu quả là tiếp thu các quan điểm tài chính khác nhau và lập kế hoạch tài chính - một kế hoạch có tính thực tế, phù hợp với thế hệ của bạn và nghiêm túc theo đuổi chúng.
Nguồn: Business Insider