Gen Z Việt đi làm tại BIG4: Chấp nhận "đánh đổi" cả thanh xuân để có 1 thứ sau này nhiều người khao khát

Hải My, Theo Phụ nữ số 00:10 28/09/2024
Chia sẻ

Làm việc tại BIG4 kiểm toán, nghe thôi cũng thấy đáng nể! Tuy nhiên đằng sau đó là cả những sự đánh đổi về thể chất, tinh thần của nhiều người trẻ.

Có thể nói, làm việc tại các công ty thuộc nhóm BIG luôn là ước mơ của nhiều bạn trẻ theo đuổi lĩnh vực kinh tế, tài chính, kiểm toán,... Tuy nhiên, để làm việc tại đây, đặc biệt là BIG4 kiểm toán, các ứng cử viên phải trải qua những vòng tuyển dụng gắt gao với hàng hoạt tiêu chí khó nhằn.

Chưa kể, sau khi trở thành nhân viên chính thức, khối lượng công việc mỗi ngày luôn trở thành nỗi “ám ảnh” mà ai nhìn thấy cũng phải hoảng sợ. Thời gian làm việc kéo dài cả chục tiếng mỗi ngày, đi công tác triền miên mà gia đình còn hiếm khi gặp mặt,... Nói chung các bạn trẻ làm tại BIG4 kiểm toán gần như sẽ phải “đánh đổi” cả tuổi thanh xuân chỉ để làm và làm.

Mặc dù khi được hỏi về văn hóa làm việc “vắt kiệt sức”, các bạn trẻ đa phần đều không ủng hộ. Tuy nhiên, họ lại chưa thể “thoát ra” vì nhiều lý do.

Vào “mùa bận” làm việc từ 14 - 20 tiếng/ngày là chuyện bình thường tại BIG4 kiểm toán

Thông thường làm công việc kiểm toán sẽ có những khoảng thời gian bận rộn nhất định. Và khối lượng lẫn thời gian làm việc của nhân viên VIG4 kiểm toán có sự chênh lệch rất lớn giữa “mùa bận” và thời gian còn lại trong năm.

Khánh Huyền (25 tuổi) đang làm Audit Senior tại một BIG4 kiểm toán nổi tiếng chia sẻ “mùa bận” của cô thường từ tháng 1 - tháng 8. Khi đó, khối lượng công việc sẽ tăng lên đáng kể do công ty kiểm toán phải thực hiện kiểm toán và phát hành báo cáo tài chính cho cùng một số lượng khách hàng lớn với deadline gấp rút.

“Nhân viên Audit BIG4 vào mùa bận có thể làm việc từ 10 - 14 tiếng/ngày tùy từng cấp độ. Kỷ lục làm việc tăng ca của mình dài nhất là khoảng 15 tiếng/ngày. Đi làm từ 8h sáng đến 2h đêm mới từ công ty về nhà. Cường độ “khó nhằn” đó kéo dài khoảng tầm 3 tuần. Sau khi kết thúc mùa bận, khối lượng công còn lại chủ yếu là các quy trình, thủ tục nội bộ hoặc các deal nhỏ lẻ tùy bộ phận. Do đó mình cũng sẽ có thêm thời gian nghỉ ngơi, giờ làm việc giảm còn khoảng 5 - 7 tiếng/ngày”, Khánh Huyền chia sẻ.

Gen Z Việt đi làm tại BIG4: Chấp nhận "đánh đổi" cả thanh xuân để có 1 thứ sau này nhiều người khao khát- Ảnh 2.

Làm việc hơn 10 tiếng/ngày là chuyện không lạ tại BIG4 kiểm toán (Ảnh minh họa)

Đang làm trong lĩnh vực thuế, là một fresher, Châu Anh (24 tuổi) cũng có những trải nghiệm tương tự với môi trường BIG4. Châu Anh cho hay: “Với công việc của mình thời gian làm việc bình thường cũng đã từ 8 - 12/tiếng. Nếu vào đợt cao điểm sẽ kéo dài tới 16 tiếng, thậm chí 20 tiếng/ngày. Mình cũng đã từng làm việc 20 tiếng/ngày khi vào đợt báo cáo tài chính”.

Còn với Minh Hoàng (24 tuổi) đã có 2 năm trong lĩnh vực tư vấn cũng bày tỏ: “Thường sẽ bận nhất từ khoảng tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Tùy từng vị trí, có một số bộ phận sẽ bận quanh năm nhưng cũng có bộ phận bận rộn tùy theo dự án. Trung bình mình sẽ làm việc khoảng 9 - 10 tiếng/ngày. Kỷ lục OT của mình thì là kết thúc công việc vào lúc 2 rưỡi sáng. Thời điểm tăng ca sẽ không giới hạn. Thường mình tăng ca không phải do 1 công việc mà vì nhiều công việc chồng chất lên cùng lúc. Đặc biệt có những công việc có khối lượng nặng, deadline gấp thì phải cố gắng tăng ca để hoàn thiện”.

Chuyện lương thưởng tại BIG4 kiểm toán thì sao?

Mặc dù làm việc quần quật như vậy nhưng phần đông lại cho rằng mức lương, thưởng không phải quá xứng đáng so với những gì bản thân đã bỏ ra.

Lý giải về điều này, Khánh Huyền cho biết: “Lương/thưởng ở BIG4 thực tế không trả chính xác theo số làm việc mà dựa trên phí kiểm toán và ngân sách cho từng khách hàng. Vì vậy đối với những người làm nhiều công việc có phí kiểm toán thấp thường không được trả tiền tăng ca dù khối lượng công việc cao. Ngoài ra gần đây do khó khăn chung của thị trường, BIG4 cũng cắt giảm tối đa các khoản OT để tiết giảm chi phí”.

Điều này trái lại với những gì mà người ngoài nghề vẫn thường nghĩ về những công ty thuộc BIG4 kiểm toán. Bởi phần lớn mọi người đều đồn đoán rằng với khối lượng và thời gian làm việc “bán mạng” như vậy hẳn sẽ có một mức lương, thưởng hậu hĩnh. Tuy nhiên nếu để so sánh thì phần đông đều bày tỏ làm việc tại đây vừa vất vả, vừa áp lực mà thu nhập cũng không khá hơn các ngành nghề khác là bao.

“Đối với vị trí fresher như mình thì phải nói thật, mức lương khá thấp so với những gì mình bỏ ra. Mình gần như ít gặp gỡ bạn bè, gia đình vào những mùa bận. Hay sức khỏe, tinh thần cũng luôn căng thẳng, áp lực,... nên nếu hỏi có xứng đáng không thì không. Tuy nhiên do bản thân mình cũng mong muốn tích lũy thêm kinh nghiệm làm việc nên vẫn có thể chấp nhận được mức lương hiện tại”, Châu Anh nói.

Gen Z Việt đi làm tại BIG4: Chấp nhận "đánh đổi" cả thanh xuân để có 1 thứ sau này nhiều người khao khát- Ảnh 4.

OT liên tục nhưng lương/thưởng được cho là không xứng đáng với công sức bỏ ra (Ảnh minh họa)

Ngoài chuyện lương thưởng, Châu Anh còn tiết lộ thêm về môi trường làm việc tại BIG4. Bởi ở đây đều quy tụ những nhân tài, ai cũng có cái tôi lẫn mục đích thăng tiến rõ ràng. Do vậy, sự cạnh tranh khi làm việc tại BIG4 luôn được thể hiện rất rõ nét.

Châu Anh chia sẻ: “Thực ra ngành nghề nào cũng có góc khuất, những cạnh tranh nhất định. BIG4 kiểm toán cũng không ngoại lệ, ở đây quy tụ toàn người giỏi, nên đôi khi sẽ có những vấn đề khá tiêu cực xảy ra như ganh đua, cạnh tranh để thăng tiến,...”.

Bị “vắt kiệt sức”, tinh thần lúc nào cũng cần “chữa lành” nhưng vẫn bám trụ

Bận “bù đầu”, thu nhập lại không xứng với công sức bỏ ra. Vậy điều gì khiến các Gen Z vẫn cố gắng bám trụ tại BIG4?

Trước tiên, phải kể đến những thứ mà họ chịu đánh đổi khi làm việc tại đây. Dễ thấy nhất chính là thời gian sống bình thường như bao người, sức khỏe thể chất lẫn tinh thần cũng đều ảnh hưởng.

“Tình trạng bị burn-out, ảnh hưởng sức khỏe chắc chắn xảy ra vì làm việc nhiều giờ liên tục và áp lực cao. Rất nhiều nhân viên BIG4 đều mắc các bệnh về dạ dày. Mặc dù khi hết mùa bận, mình sẽ có thời gian để nghỉ ngơi nhưng việc sinh hoạt không điều độ trong một thời gian dài vẫn sẽ gây ra nhiều điều không tốt”, Khánh Huyền bày tỏ.

Ngoài ra vì tính chất công việc và ai cũng giống như ai khi làm việc trong một môi trường chung nên phần lớn đều không lựa chọn bày tỏ những áp lực với sếp mà chấp nhận “cắn răng” chịu đựng. Hay thậm chí, một số bạn trẻ cũng bày tỏ sếp thường không quan tâm quá nhiều vì ai không theo được sẽ tự “đào thải”, lãnh đạo cũng đã quen với cảnh người ra, người vào liên tục.

Châu Anh chia sẻ: “Mình hạn chế chia sẻ với sếp vì thực ra mọi người đều bận điên cuồng như nhau. Nói ra có thể sẽ được động viên lúc đó nhưng khi vào việc rồi thì vẫn vậy, không thể thay đổi hay giảm tải được gì. Nên đa phần mọi người đều chấp nhận, tự nhủ sẽ nghỉ ngơi vào một lúc khác”.

“Mình nghĩ ai cũng sẽ phải đánh đổi nhiều thứ như gia đình, học hành, tình yêu, sở thích,... khi làm việc tại BIG4. Đôi khi như mình lâu dần sẽ thấy quen và đành chấp nhận. Bởi khi bạn ở trong một môi trường mà ai cũng bình thường hóa việc OT, làm việc đến kiệt sức thì thảnh thơi tan làm đúng giờ sẽ trở thành một điều gì đó rất kỳ lạ”, Minh Hoàng nói thêm.

Gen Z Việt đi làm tại BIG4: Chấp nhận "đánh đổi" cả thanh xuân để có 1 thứ sau này nhiều người khao khát- Ảnh 5.

Văn hóa làm việc "vắt kiệt sức" không phải ai cũng đồng tình nhưng vì nhiều lý do, các bạn trẻ vẫn đành chấp nhận cố gắng (Ảnh minh họa)

Anh chàng cũng cho biết đa phần mọi người cũng hòa theo văn hóa làm việc hối hả vì dù sao làm việc tại BIG4 kiểm toán cũng đem lại “danh tiếng” lớn, có thêm kinh nghiệm và các mối quan hệ trong ngành. “Mất cái này, được cái kia thôi. Mình còn trẻ nên chấp nhận đánh đổi. Hơn nữa hiện tại mình chưa có những định hướng công việc mới nên dù mệt và vất vả vẫn sẽ ráng cố gắng”, Minh Hoàng bày tỏ.

Có cùng quan điểm, Khánh Huyền chia sẻ: “Mình nghĩ điều khiến mọi người chấp nhận hy sinh để bám trụ tại đây là lộ trình thăng tiến khá rõ ràng và thu nhập có thể cũng tăng theo năm. Kể cả khi không có dự định gắn bó với nghề thì làm việc ở BIG4 vẫn là một bàn đạp khá tốt để mọi người tìm kiếm những công việc khác sau này.

Tuy nhiên bản thân mình cũng không ủng hộ cách làm việc ‘bán mạng’ như vậy. Ngoài ra thì gần đây, mình thấy mọi người cũng đã dần bài trừ xu hướng làm việc này, chỉ làm đúng với mức thu nhập nhận được và quan tâm, chăm sóc hơn cho sức khỏe, tinh thần bản thân”.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày