Cái chết của Anna Sebastian Perayil - nữ nhân viên công ty Big 4 lĩnh vực kiểm toán Ernst & Young (EY) đang dấy lên một làn sóng phản đối dữ dội. Được biết Anna gia nhập EY vào tháng 3/2024 với tư cách là một kế toán viên công chứng. Nhưng đến tháng 7/2024, chỉ sau 4 tháng làm việc, Anna đã qua đời vì làm việc quá sức, theo chia sẻ của bà Anita Augustine - mẹ Anna gửi Chủ tịch EY Ấn Độ Rajiv Memani.
Ngay sau khi câu chuyện được chia sẻ, nhiều cựu nhân viên của EY Ấn Độ đã đồng loạt lên tiếng phanh phui văn hóa làm việc tại đây. “Tồi tệ”, “kinh khủng” “ác mộng”, “từ công việc trong mơ đến ám ảnh kinh hoàng”,... là những mô tả mà những người này nói về môi trường làm việc tại công ty này.
Một người đàn ông từng làm việc tại EY cho biết đã bị giám đốc yêu cầu làm việc 17 - 18 giờ/ngày. Khi báo cáo vấn đề này với phòng nhân sự, khiếu nại của anh đã bị phớt lờ.
“Nhân viên phòng nhân sự cho rằng đó có thể là do yêu cầu của khách hàng. Ngay cả khi tôi cố gắng bày tỏ sự lo ngại của mình, các đồng nghiệp lại chế giễu tôi trong các cuộc họp nhóm” - người này nói.
Ngoài ra anh cũng từng có trải nghiệm khủng khiếp trong 6 tháng công tác ở châu Phi khi quản lý bắt nhóm là việc ít nhất 10 tiếng/ngày, ngay cả vào cuối tuần. Các cuộc họp được lên lịch ngay cả trong lễ hội Hindu. “Quản lý bắt chúng tôi làm việc từ 9h sáng đến ít nhất 7h tối, kể cả thứ 7 và Chủ nhật, trong gần hai tháng liên tục”.
“Trong đại dịch Covid-19, tình hình càng trở nên tồi tệ hơn. Tôi nhận được các cuộc gọi từ 8h30 sáng và đôi khi đến nửa đêm. Tôi trở nên chán nản đến mức đã từ chức mà không có lời đề nghị công việc khác”, người này cho biết và nhấn mạnh đến tỷ lệ hao hụt nhân sự đáng báo động tại EY.
Lịch làm việc khó thở này cũng được một người khác xác nhận. Dù cô không làm việc tại EY nhưng chồng cô là nhân viên ở đây.
“Chồng tôi là nhân viên của EY. Nếu nói nơi này có văn hóa làm việc độc hại chỉ là đang nói giảm nói tránh. Tại đây, mọi người được kỳ vọng làm việc 24h/ngày, 7 ngày/tuần.
Chồng tôi thường trở về từ văn phòng lúc 9h tối và có các cuộc họp lúc 10h hoặc 11h tối. Trời đánh tránh bữa ăn nhưng anh ấy cũng không có thời gian ăn tối trong yên bình. Sếp của anh ấy có thể gọi điện lúc 12h đêm hoặc 1h sáng. Khi có chuyến công tác ở thành phố khác, anh ấy về nhà lúc 2h sáng nhưng trước khi đi ngủ vẫn phải mở laptop xử lý một số công việc khẩn cấp. Những thứ khẩn cấp đó dường như không bao giờ kết thúc và chồng tôi luôn ở trong tình trạng căng thẳng mãn tính.
Áp lực công việc ở đây rất lớn, 1 người làm công việc của 4 người và được mong đợi phải thực hiện ở mức 110% trên mọi mặt trận. Chồng tôi không có thời gian dành cho sức khỏe của mình hoặc cho gia đình, nói cách khác văn hóa làm việc đã gây áp lực rất lớn cho cuộc hôn nhân của chúng tôi và sức khỏe của anh ấy. Tôi đã nhiều lần đề nghị rời bỏ công việc độc hại này nhưng anh ấy vẫn chưa thực hiện. Bây giờ tôi chỉ hy vọng một ngày nào đó anh ấy sẽ nghe lời tôi.
Gia đình chúng tôi có những thành viên cũng làm nhân viên ở các công ty lớn nhưng thành thật mà nói, EY có văn hóa làm việc tệ nhất. Mục đích duy nhất của họ là kiếm tiền mà không hề có sự đồng cảm nào đến nhân viên”.
Chính giờ giấc làm việc này đã tạo nên sự căng thẳng tột độ về mặt sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của nhân viên tại EY, khiến nhiều người quyết định nghỉ việc. Nhưng dù là phỏng vấn xin việc hay nghỉ việc ở đây đều không hề dễ dàng.
Một cựu nhân viên EY tại Bengaluru (Ấn Độ) chia sẻ trải nghiệm đau thương của mình cách đây 6 năm. Cô cho biết văn hoá làm việc ở nơi này đã ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe tinh thần của mình.
“6 năm trước, tôi nhận được thư mời làm việc từ EY. Đối với tôi, đó là một giấc mơ khi trở thành nhân viên công ty Big 4 ngay sau khi tốt nghiệp. Tôi rất háo hức khi chuyển đến Bengaluru để làm việc, dù phải rời xa gia đình. Nhưng chỉ vài tháng sau, tôi nhận ra mình đang ở trong một môi trường làm việc độc hại, nó ảnh hưởng đến chuyện ăn uống, giấc ngủ và sức khỏe tinh thần của tôi” - cô kể lại.
Trước tình hình này, cô quyết định nghỉ việc và nhận về sự chỉ trích từ cấp trên và đồng nghiệp tại EY.
“Khi quyết định nghỉ việc, tôi đã bị chỉ trích rất nhiều. Tôi bị gọi là chưa trưởng thành, nhớ nhà, thậm chí là lười biếng và không có khả năng theo kịp các yêu cầu của môi trường làm việc. Cảm giác bị chê bai là cực kỳ khó chịu nhưng nó cần thiết cho sức khỏe của tôi vào lúc đó”, cô nói thêm.
Không chỉ bị đối xử tệ khi nghỉ việc, ngay cả vòng phỏng vấn đầu vào ở công ty này cũng có vấn đề.
Một người dùng LinkedIn tên Preethi Kannath cho biết: “Mấy năm trước, tôi đã đi phỏng vấn tại EY và người tuyển dụng đã ném-một-quyển-sách-vào-tôi trong buổi phỏng vấn. Anh ta đã xúc phạm và chất vấn trình độ học vấn của tôi rồi ném sách về phía tôi. Nếu một ứng viên bị đối xử như vậy trong buổi phỏng vấn thì tôi có thể tưởng tượng được những gì nhân viên chính thức phải chịu đựng”.
Cũng từng làm việc tại EY Ấn Độ, Yash Vig lại gặp vấn đề về chuyện bắt nạt và quấy rối tại nơi làm việc cùng với các kỳ vọng không thực tế, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Điều này không chỉ xảy ra với anh mà còn cả với các đồng nghiệp xung quanh.
“Chúng tôi đã cố gắng bày tỏ điều này trong các cuộc họp và thảo luận nhưng luôn nhận được những phản hồi chung chung và sau đó mọi chuyện rơi vào quên lãng. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ rõ mặt mũi và họ tên những kẻ đã khiến cho cuộc sống của tôi trở nên khốn khổ nhưng có lẽ với những người khác, điều đó không còn quan trọng nữa.
Đã gần 4 năm kể từ khi tôi rời EY Ấn Độ và bây giờ hay tin về Anna, tôi rất buồn khi thấy mọi thứ vẫn như trước đây. Hy vọng chúng ta sẽ xây dựng một không gian làm việc tốt đẹp hơn, từ bây giờ và cho tất cả mọi người”.
Hiện tại phía EY vẫn chưa có bất cứ phản hồi nào về những ý kiến này. Sau sự việc của Anna, công ty này đang phải nhận sự điều tra từ cơ quan chức năng.
(Nguồn: Hindustantimes, LinkedIn)