Đúng vậy, bạn không đọc nhầm đâu! Gấu Bắc Cực tại các sở thú trên khắp Bắc Mỹ đang cho ra những cục phân sáng lấp lánh. Chúng được gửi về Cincinnati - sở thú mà bất kỳ nhà khoa học nghiên cứu về gấu trắng Bắc Cực nào cũng sẽ biết. Không phải vì nơi này nuôi nhiều gấu trắng, mà chỉ vì đây là nơi lưu giữ nhiều... phân gấu nhất thế giới.
Bên trong sở thú Cincinnati là Trung tâm bảo tồn và nghiên cứu động vật hoang dã đang nguy cấp (CREW), và tại đây có cái gọi là "Ngân hàng phân", với hơn 30.000 mẫu phân thu thập từ 63 con gấu trắng tại 30 sở thú trên khắp Bắc Mỹ.
Nhưng tại sao phân của chúng lại phát sáng được? Thực ra thì bản thân cục phân không phát sáng, mà do chúng có chứa một dụng cụ lấp lánh mà các nhà nuôi gấu đã cài vào khẩu phần ăn.
Và dĩ nhiên, tất cả là vì mục đích khoa học
Cụ thể, những vật thể lấp lánh ấy là vật để đánh dấu, được làm từ vật liệu không thể tiêu hóa, và thiết kế phù hợp để có thể xuyên qua ruột của gấu mà không gây tổn hại gì cho chúng. Thứ họ muốn đánh dấu dĩ nhiên là phân của từng con gấu khác nhau.
"Chẳng hạn gấu đực và gấu cái cùng nuôi chung một khu vực, nhưng chúng tôi chỉ cần phân của con cái để theo dõi sự thay đổi hormone thôi. Trong trường hợp đó, sở thú sẽ cho vật đánh dấu vào khẩu phần ăn của gấu cái, để sau này không lấy nhầm phân của con đực và gây nhiễu loạn kết quả nghiên cứu," - trích lời Erin Curry, chuyên gia về gấu trắng tại sở thú.
Sau khi gấu "đi cầu", người trông coi sẽ cẩn thận thu lấy mẫu phân, đóng gói và gửi đến Cincinnati để phân tích. Đây là quá trình phục vụ cho dự án Polar Bear Signature Project, nhằm tìm hiểu quá trình sinh sản của gấu Bắc Cực và bảo vệ chúng.
"Gấu trắng Bắc Cực có tập tính sinh sản với những hiện tượng rất lạ," - Curry cho biết. "Chúng chỉ giao phối ở một vài khoảng thời gian nhất định trong năm, đến lúc giao phối thì trứng mới rụng. Và thậm chí, con cái đôi khi có biểu hiện mang thai giả, giống như con người."
Một con gấu không mang thai đôi lúc sẽ trải qua sự gia tăng progesterone (hormone có trong chu kỳ kinh) hoàn toàn giống với gấu có thai. Curry cho biết nếu không có phương pháp xét nghiệm nào hiệu quả, chẳng ai biết một con gấu có đang mang thai hay không cho đến khi nó thực sự đẻ. Vậy nên, việc tìm hiểu cơ chế sinh sản của gấu trắng trong môi trường nuôi nhốt có thể giúp chúng ta có thêm thông tin về đồng loại của chúng ngoài tự nhiên.
"Thật không may là gấu trắng ngoài tự nhiên quá khó để nghiên cứu. Đặc biệt là với công đoạn thu thập phân, có thể nói đó là chuyện không tưởng," - Curry chia sẻ.
Gấu trắng hiện đang được xếp vào diện nguy cấp
Hiện tại, gấu trắng đang được xếp vào diện nguy cấp. Chúng đang bị đe dọa vì băng ở cực tăng quá nhanh, khiến quá trình kiếm ăn của chúng gặp nhiều rắc rối. Trong những năm gần đây, Curry đã ghi nhận nhiều trường hợp gấu đã không thể tích đủ cân nặng để mang thai, từ đó dẫn đến sảy thai hoặc con chết non.
Đó là lý do vì sao CREW phải tìm cách hỗ trợ chúng, nếu không muốn một ngày thế giới không còn nhìn thấy một con gấu nào nữa.