Phạm Tâm Tuấn Khương là cái tên không quá xa lạ trong cộng đồng hoạt động xã hội tại TP.HCM. Chàng trai 27 tuổi là người sáng lập nhóm Bếp sẻ chia (The Sharing Kitchen), cùng những người bạn của mình, mang đến hàng ngàn bữa ăn ngon cho người khó khăn. Ngoài ra, anh còn theo đuổi những dự án xây dựng bếp ăn, nhà vệ sinh, hệ thống nước sạch cho trẻ em vùng cao.
Tuấn Khương - Chàng trai 27 tuổi sáng lập nhóm Bếp sẻ chia (The Sharing Kitchen).
Bếp sẻ chia - Lan tỏa yêu thương qua những món ăn
Chỉ với 600 ngàn đồng từ những ngày đầu thành lập, anh Khương đã kêu gọi mạnh thường quân để có kinh phí mua nguyên vật liệu, sửa sang mái ấm, các thành viên trong nhóm chung tay nấu nướng và hỗ trợ các hoạt động khác.
Những món ăn ngon lành, nóng sốt được Khương và tình nguyện viên bày ra làm các em nhỏ ở mái ấm trầm trồ, thích thú. Hầu hết các em ở mái ấm Sơn Kỳ, Lạc Quan, Hoa Huệ (đều nằm tại Q12, TP.HCM) là trẻ mồ côi, người dân tộc thiểu số, vì thế, mỗi lần các anh chị Bếp sẻ chia đến nấu ăn, các em rất vui vẻ và phấn khích. Em Hậu (mái ấm Sơn Kỳ) gửi lời đến các anh chị Bếp sẻ chia: "Các món ăn hôm nay rất là ngon. Em cảm ơn anh chị Bếp sẻ chia đã nấu cho chúng em một bữa thật no, thật ngon và nhiều như vậy".
Cơ duyên anh tiếp xúc với các hoạt động cộng đồng như thế nào?
Từ nhỏ, mình đã cảm thấy mình có một chút tố chất lãnh đạo nhưng không biết phát triển nó như thế nào. Sau này mình có tham gia một vài tổ chức từ thiện và tự đúc kết những kinh nghiệm riêng cho bản thân. Mình nhận ra mình có thể sử dụng mạng xã hội để kêu gọi, tuy nhiên, lần đầu tiên kêu gọi mình không nhận được gì cả (cười). Từ những hoạt động mình tự đúc kết kiến thức, có kinh nghiệm để hình thành nên sứ mệnh riêng của Bếp sẻ chia, làm sao để làm từ thiện một cách lâu dài và bền vững nhất.
Thời gian đầu, mình kêu gọi tài trợ nhưng nhận được rất nhiều sự từ chối. Mình vẫn không bỏ cuộc mà tự nhìn nhận lỗi sai của mình như thế nào. Từ đó, mình tự học cách viết dự án, đăng ký học về cách lãnh đạo, những điều này không ai dạy mình hết, mình đều phải tự học cả. Và kết quả là hai lần mình được gọi tên nhận tài trợ từ Lãnh Sự Quán Úc và 1 trong 8 lãnh đạo trẻ Việt Nam tham dự YSEALI Go NGO.
Cơ duyên anh thành lập Bếp sẻ chia như thế nào?
Nhắc đến cơ duyên thành lập Bếp sẻ chia làm mình nhớ đến câu chuyện khá buồn này. Khi nhận được số tiền quyên góp đầu tiên để quyên góp cho một bà lão bán hàng rong già yếu, không được về quê, mình đã dùng một phần mua nhu yếu phẩm, thuốc men, quần áo để giúp đỡ người đó. Tuy nhiên, bà lại không chịu về quê như lời nhờ giúp ban đầu mình cảm thấy rất có lỗi vì đã không tìm hiểu kĩ nhân vật. Cuối cùng, mình dùng 600 ngàn còn lại để thành lập Bếp sẻ chia, một phần vì muốn chuộc lại lỗi lầm.
Những bạn trẻ là thành viên của Bếp
Tại sao anh lại chọn nấu ăn để làm vì cộng đồng mà không phải là hoạt động khác?
Với mình lúc 20 tuổi khi ấy, đó là việc dễ dàng nhất mà mình có thể làm. Lúc đó cũng có khá nhiều nhóm nấu ăn nhưng quan trọng là mình phải khác biệt. Bếp sẻ chia đi vào các mái ấm, mượn gia vị và dụng cụ tại đó để tiết kiệm chi phí. Mình nghĩ con đường ngắn nhất đến trái tim là qua bao tử, qua việc ăn uống. Từ đó, nhóm bắt đầu tìm hiểu nhu cầu, mong muốn của các em nhỏ tại đây, sau đó mình mở rộng các dự án, sáng tạo thêm nhiều hoạt động từ thiện hơn. Những hoạt động ngoại khóa, giáo dục giới tính, chiếu phim, ăn buffet cứ thế được diễn ra để cuộc sống các em có được sự cân bằng với bạn bè đồng trang lứa.
Anh có thể chia sẻ về quá trình hình thành Bếp sẻ chia như hiện nay?
Đối với mình, mọi thứ đến tự nhiên nhưng không tự nhiên mà có. Đó là cả quá trình mình đã nỗ lực trong âm thầm và nỗ lực của mình được lan tỏa đến nhiều người hơn. Mình nghĩ là, khi mình giúp đỡ người khác thì ngược lại Bếp sẻ chia cũng đang giúp bản thân mình rất nhiều. Có nhiều mối quan hệ tốt, được đi học và quan trọng nhất là có một vị trí đẹp trong lòng mọi người. Có thể nói nếu chọn một cách sống khác thì đã không có một Khương nhiều kiến thức, có tiếng nói và được nhiều người yêu quý. Và việc giúp người khác là mình cũng đang giúp chính mình vậy.
Anh đã gặp những khó khăn như thế nào trong những ngày đầu thành lập Bếp sẻ chia?
Lúc đầu, người ta không biết mình là ai hết. Nhờ những mối quan hệ từ lúc còn tham gia các tổ chức từ thiện trước đây, mình có danh sách các mái ấm cần giúp đỡ nhưng họ cũng rất e dè, hoài nghi về một đứa 20 tuổi. Dần dần, mình đến thường xuyên hơn, mình gắn kết lâu dài hơn nên đến bây giờ, nhóm đã tạo được lòng tin với các nơi mình đã đến hoạt động. Còn việc gây quỹ, mình nhớ mãi cái thời mình đi bán từng cái bánh bột lọc kiếm 1000 đồng 1 cái để mua sữa cho tụi nhỏ nhưng nhờ vậy mà mọi người đánh giá cao hành động của mình.
Hiện tại, ngoài nấu ăn, Bếp sẻ chia còn có những hoạt động nào?
Nhóm còn có các hoạt động như xây dựng nhà vệ sinh, bếp ăn, hệ thống nước sạch... đã có 5 nhà vệ sinh được xây dựng, 4 hệ thống nước và một nhà bếp.
Ngoài ra, mình cũng đang tập trung nhất về việc tổ chức các hoạt động vui chơi dịp hè cho các em. Bởi vì các em ở mái ấm dường như thiếu sự giao tiếp xã hội nên mình mong tổ chức nhiều hoạt động để các em có thể cùng vui chơi, cùng chia sẻ với nhau. Mình và nhóm rất lo lắng liệu các em nhận quá nhiều mà không biết cách cho đi hay không. Vì thế, mỗi dịp nhóm đến nấu ăn, mình tập trung 3 mái ấm lại để các em đều phụ giúp anh chị và san sẻ thức ăn cho những bạn khác. Mình hoạt động theo nguyên tắc chia sẻ chứ không chỉ đến nấu ăn, phát quà rồi ra về mà để lại tình thương qua cách giáo dục dù là trong chuyện ăn uống.
Nguồn kinh phí hoạt động của nhóm chủ yếu là từ đâu?
Hiện tại thì Bếp sẻ chia đã trải qua giai đoạn ‘khó khăn’ ban đầu, đã có khá nhiều mạnh thường quân yêu thương và đồng hành lâu dài cùng mình. Thật sự mình cảm thấy rất may mắn. Sắp tới, mình sẽ sáng tạo thêm nhiều hoạt động hơn, vì thế, mình cũng muốn tiếp xúc với nhiều mạnh thường quân hơn. Mình cũng cảm thấy rất vui vì có thể là cầu nối giữa các tổ chức từ thiện khác với các hoàn cảnh kém may mắn.
Được biết, nhóm chủ yếu hoạt động tại mái ấm La Vang, Sơn Kỳ, Lạc Quang, Hoa Huệ, viện dưỡng lão Thiên Ân... Tại sao anh lại chọn những nơi này để gắn bó?
Trước hết khi nhóm đến những nơi này đều cảm thấy có sự gắn kết vô hình nào đó, kể cả người quản lý và các bà, các em nhỏ. Đó không chỉ là cảm nhận của riêng mình mà là của cả nhóm nên chúng mình quyết định tập trung hoạt động tại những nơi này. Đã yêu thương nhau thôi thì đi với nhau đường dài luôn.
Bây giờ anh có cảm thấy Bếp sẻ chia thành công như mong muốn ban đầu của anh không?
Thật sự mà nói là nó đã vượt qua sự mong đợi ban đầu của mình. Từ ý tưởng chỉ là nấu ăn cuối tuần, gặp những người mình thích sau đó, mình nhìn ra những tồn đọng, những khó khăn ở mái ấm và thế là sứ mệnh của tụi mình lại tăng thêm. Mỗi lần nhóm đến, mình nhận ra sự thay đổi ở từng ngóc ngách của mái ấm và mình cảm thấy rất vui. Các em nhỏ cũng rất vui mừng, phấn khích khi nhóm đến nấu ăn, cho đi chơi và quyên góp đồ dùng. Mình nghĩ đó là sự thành công lớn nhất của nhóm.
Những món ăn tươi ngon được gửi tặng các em nhỏ tại Mái ấm Sơn Kỳ
Động lực nào khiến anh duy trì Bếp sẻ chia trong 7 năm qua mà chưa bao giờ bỏ cuộc?
Thứ nhất thì ngoài mình ra còn có những người bạn đồng hành, sẵn sàng giúp đỡ mình mọi lúc. Cho mình lần đầu tiên gửi lời cảm ơn Sin, Hà, Mai và Chị Trinh thân yêu. Cảm ơn các anh chị mạnh thường quân đứng sau chúng em nữa. Dường như cái tên Khương Phạm đã gắn liền với Bếp sẻ chia từ lâu rồi.
Thứ hai là từ lúc mình khai sinh ra Bếp sẻ chia, đây chỉ là cái tên vô hình, không được ai biết đến nhưng mà bây giờ, nó đã hiện hữu trong trái tim của mọi người, khi nhắc đến những tổ chức cộng đồng hiệu quả. Mỗi ngày, mình đều có những thử thách mới, cho nên, đó là động lực khiến mình không thể dừng lại Bếp sẻ chia, khi mình còn khả năng mang lại niềm vui cho người khác.
Các em nhỏ hào hứng khi được tổ chức 1 buổi liên hoan thật vui
Mong muốn, nguyện vọng sắp tới của anh dành cho Bếp sẻ chia?
Mình muốn Bếp sẻ chia tiếp tục có những hoạt động lớn mạnh hơn. Và mong muốn lớn nhất là có thể mở một trường tiếng Anh phi lợi nhuận mà nơi đó mình có thể mở lớp dạy tại chỗ tại các mái ấm, duy trì lớp học lâu dài để mang lại cho các em kiến thức.
Anh có lời khuyên nào đến với các bạn trẻ cũng mong muốn hoạt động cộng đồng như mình?
Mình nghĩ các bạn nên trau dồi tư duy, kiến thức của mình trước tiên. Quan trọng mình làm tổ chức xã hội nhưng vẫn giữ được cá tính của mình, sứ mệnh riêng của mình. Điều đó cũng thể hiện rằng bạn có tính cách kiên định, không dễ lung lay trước những khó khăn. Đôi khi việc làm từ thiện không thể vừa lòng tất cả mọi người được nên hãy giữ lấy sứ mệnh của mình.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.