Chắc hẳn nhiều người hâm mộ không còn xa lạ với những cái tên như Thanh Thịnh, Đức Chiến hay Hồ Tấn Tài, họ đều là những nhân tố chính trong thành tích giành huy chương vàng SEA Games 2019 của U23 Việt Nam. Tuy nhiên ít ai biết rằng họ cùng có chung một người đại diện, đó là ông Đặng Hoàng Dương.
Nếu theo dõi các giải bóng đá phủi tại Hà Nội, nhiều người hẳn sẽ biết đến ông bầu Dương "Duy" của FC Moon, đội bóng từng khuấy đảo các giải phong trào hàng đầu vài năm trước. Giờ đây, ông Đặng Hoàng Dương đã chọn cho mình một hướng đi mới, cũng gắn chặt với trái bóng tròn, đó là người đại diện cho các cầu thủ. Hãy cùng đến với một vài chia sẻ của "bầu" Dương để có thể hiểu rõ hơn về những khó khăn của một người đại diện.
Quan trọng nhất niềm tin
- PV: Ông định nghĩa quản lý cầu thủ là gì?
- Người đại diện Đặng Hoàng Dương: Đối với cầu thủ, chúng ta như một người bạn, người anh, người chú, một người mà cả 2 phía đều hiểu rõ về nhau và có thể chia sẻ mọi thứ trên đời.
Bên cạnh đó, NĐD còn là người cân bằng lợi ích giữa cầu thủ và câu lạc bộ chủ quản, hiểu được sự thích hợp giữa câu lạc bộ và cầu thủ.
Chúng tôi phải chăm lo lợi ích cho cầu thủ từ việc đời tư, tài chính, tương lai, thậm chí một số góc độ từ tâm lý thi đấu lẫn phong cách thi đấu. Tóm lại, NĐD là người đứng ra làm tất cả mọi việc xung quanh cầu thủ để đảm bảo cho họ có thể tập trung vào việc chơi bóng mà vẫn được hưởng những quyền lợi cao nhất.
- Nghề quản lý cầu thủ còn khá xa lạ ở Việt Nam. Tại sao ông lại quyết định theo đuổi một nghề còn lạ lẫm này?
- Hiện tại ở Việt Nam, thuật ngữ về khái niệm người đại diện gần như chưa xuất hiện trong bóng đá, nói cách khác là chưa được chấp nhận ở các câu lạc bộ.
Tôi có gây dựng nên một đội bóng đá phong trào, ở đó chúng tôi có những cầu thủ đang ăn tập theo con đường chuyện nghiệp và có các bạn chơi vì đam mê. Chúng tôi theo đuổi phong cách vui vẻ, sức khỏe và tình đoàn kết. Sau nhiều năm tháng chơi bóng cùng nhau, tình cảm bền chặt hơn. Cá nhân tôi cũng có sự hiểu biết và quan hệ về bóng đá chuyên nghiệp, thậm chí tôi cũng từng ăn tập chuyên nghiệp đầu những năm 90 ở Thanh Hóa, từ đó mà trở thành người chăm sóc và lo cho cầu thủ lúc nào không hay.
- Sắp tới ông sẽ đi học để lấy một tấm bằng về quản lý cầu thủ, ông muốn đi xa đến đâu trong sự nghiệp của mình, ông có sẵn sàng làm việc với các cầu thủ ngoại quốc?
- Trong tương lai tôi muốn có một chứng chỉ hành nghề đại diện hợp pháp của FIFA để thuận lợi cho công việc của mình. BĐVN đang trên con đường phát triển chuyển mình mạnh mẽ từ sau thành tích của U23 Châu Á tại Thường Châu. Tôi xem đây là một công việc đúng nghĩa. Vừa làm việc và vừa được sống với đam mê.
Đối với cầu thủ ngoại quốc thì đây là vấn đề hết sức khó khăn. Hiện tại ở Việt Nam tôi được biết cũng có vài trường hợp đại diện cho cầu thủ ngoại quốc. Họ thực sự đáng nể đấy. Ngôn ngữ là một rào cản, khó thể hiện được tình cảm và sự tin tưởng. Tôi cho rằng những người đại diện Việt Nam làm được với cầu thủ ngoại quốc là vấn đề hết sức khó khăn. Theo dõi họ thi đấu, nắm bắt trình độ, lối chơi để tìm câu lạc bộ thích hợp là rất khó, bảo ban được họ càng khó hơn. Đấy là chưa kể khi mang cầu thủ sang Việt Nam sau khi đã cam kết uy tín với CLB chủ quản còn thể bị "đánh tháo" thì sẽ thiệt hại về tài chính. Dù sao thì cũng có nhiều người thành công, ví dụ như Huỳnh Kesly Alves, Hoàng Vũ Samson, Leandro...
- Điều quan trọng nhất trong mối quan hệ giữa cầu thủ và người đại diện là gì?
- Đối với cầu thủ và người đại diện, tôi cho rằng điều kiện cần nhất đó là sự tin tưởng lẫn nhau. Người đại diện phải đặt sự nghiệp của cầu thủ lên hàng đầu, bởi sự nghiệp có tốt và phát triển thì mọi việc xung quanh ắt sẽ tốt lên nếu mình biết nắm bắt. Đối với anh em cầu thủ, họ xa nhà từ nhỏ, phải tự lực từ bé và môi trường tiếp cận gần như chỉ gói gọn trong bóng đá đây là một việc hết sức thiệt thòi.
Đa phần cầu thủ cần một hậu phương về tinh thần, một chỗ dựa tình cảm thực sự cho những lúc xảy ra những việc không thuận lợi trong sự nghiệp. Có những bạn trẻ sự nghiệp đang lên thì dính chấn thương hoặc những yếu tố khách quan khác, họ sẽ rất suy sụp. Lúc ấy người đại diện cần khơi lại cho họ sự mãnh liệt sinh tồn, thậm chí phải hướng họ cho công việc mới, điều mà họ không muốn chút nào.
- Ông có kỷ niệm nào đáng nhớ với cầu thủ của mình?
Trong một trận đấu tại giải HPL của Moon FC, Đức Chiến cũng có mặt. Khi ấy, đội thua và phải xuống hạng. Lúc cả đội ngồi ăn cơm và nói chuyện, Chiến thấy tôi buồn nên khóc, cả đội thấy thế cũng có vài người khóc theo. Từ ấy tôi coi Chiến như con của mình, còn cậu ấy thì gọi tôi thân thiết là "bố". Tính cách của tôi và Chiến cũng giống nhau lắm, nói chung là hợp tính.
Sẵn sàng mắng cầu thủ khi cần
- Ngoài chuyện đá bóng, các cầu thủ chuyên nghiệp hiện tại có nên tham gia nhiều hoạt động quảng cáo? Mức độ như thế nào là đủ?
- Xuất phát từ hiệu ứng U23 châu Á 2018 và SEA Games vừa rồi, hình ảnh của cầu thủ đã được nâng lên rất nhiều. Tôi cho rằng điều này các em ấy xứng đáng được hưởng. Các em ấy nâng tầm bóng đá Việt Nam lên tầm châu lục mà. Chuyện quảng cáo để có thêm thu nhập cũng là điều hết sức bình thường. Mỗi một cầu thủ có cách làm và suy nghĩ khác nhau mà. Nhưng miễn sao vẫn đáp ứng đủ những yêu cầu về mọi việc cho câu lạc bộ chủ quản mới là điều quan trọng.
- Về việc ứng xử với truyền thông của cầu thủ ngày nay, anh nghĩ họ đã thay đổi như thế nào trong những năm gần đây?
- Tôi nghĩ nhiều cầu thủ trẻ bây giờ có cách đối nhân xử thế rất ổn. Họ cũng hoạt bát hơn trong chuyện giao tiếp với truyền thông. Đó là kết quả của việc các trung tâm bóng đá bây giờ chú trọng hơn việc dạy văn hóa đi kèm tập luyện chuyên môn.
- Ông có sẵn sàng mắng cầu thủ nếu họ có dấu hiệu mất tập trung, đánh mất phong độ hay không?
Mỗi người đều có cách ứng xử khác nhau, có những mối quan hệ vượt qua về mặt thân thiết mà xem nhau như ruột thịt. Tôi cho rằng chuyện mắng chửi cầu thủ cũng là câu chuyện bình thường nếu như bản thân cầu thủ đó có những sinh hoạt không tốt, ảnh hưởng tới chính sự nghiệp bản thân họ. Lúc này mình cần có một cái uy riêng để bảo ban cầu thủ. Tuy nhiên, tôi và anh em chưa bao giờ để xảy ra tình trạng này.
- Cầu thủ nào rồi cũng sẽ giải nghệ, một người đại diện cần làm gì để cầu thủ của mình không phải lo nghĩ quá nhiều về cuộc sống sau khi rời sân cỏ?
Quan điểm cá nhân của tôi, chuyện tương lai thì chúng ta cần bàn bạc và tính toán cho nhau. Có thể bằng nhiều cách như là đi học, định hướng cho kinh doanh, hoặc giải trí… tôi thường có câu nói với anh em: "Cứ tập trung tập luyện và thi đấu đi, cứ thi đấu thật tốt, phấn đấu khoác cái áo đỏ cờ vàng trên ngực là mọi điều tốt đẹp sẽ tới với các bạn".
- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Ông Đặng Hoàng Dương
Sinh ngày: 12/5/1979 tại Thanh Hóa
Quê quán: Cự Khê - Thanh Oai - Hà Nội
Nghề nghiệp: Đại diện cho cầu thủ bóng đá đang thi đấu tại Các giải bóng đá chuyên nghiệp và Đội tuyển quốc gia Việt Nam.