Gặp lại chú xe ôm nói tiếng Anh "như gió", siêu dễ thương ở chợ Bến Thành

Toàn Nguyễn - Ảnh, Clip: Quỳnh Trân, Theo Thời Đại 07:10 17/03/2017
Chia sẻ

Khiến nhiều người bất ngờ trước khả năng giao tiếp tiếng Anh tự tin nhưng chú xe ôm nổi tiếng ở chợ Bến Thành chưa từng đến trường lớp hay một khoá học Anh ngữ bài bản nào.

Cách đây không lâu, trên mạng xã hội xuất hiện một clip ghi lại cảnh một chú xe ôm ở khu vực chợ Bến Thành (TP.HCM) giao tiếp tiếng Anh với khách vô cùng lưu loát và tự tin, khiến không ít bạn trẻ tỏ ra thán phục.

Gặp lại chú xe ôm nói tiếng Anh nổi tiếng trên Youtube.

Và thật may mắn, trong một lần dạo quanh khu chợ, chúng tôi đã có dịp gặp lại chú xe ôm trong đoạn clip nọ để trò chuyện với chú nhiều hơn.

Nhân vật chính trong đoạn clip tên là Trần Văn Thành (54 tuổi) trước đây chú làm nghề chạy xích lô, khoảng một năm gần đây chú chuyển sang chạy xe ôm. Nhắc đến đoạn clip được chia sẻ trên mạng xã hội, chú Thành hào hứng kể: "Khoảng 2 tháng trước, bữa đó chú đứng ở góc đường Nguyễn An Ninh thì gặp một anh da trắng lắm, nhìn giống người nước ngoài, nên chú mới tới hỏi. Thấy anh đó nói là người Mỹ nên chú mới trao đổi, ai dè ảnh quay lại hồi nào không hay luôn, lúc cuối ảnh mới nói là người Việt, chú cũng bất ngờ".

Gặp lại chú xe ôm nói tiếng Anh như gió, siêu dễ thương ở chợ Bến Thành - Ảnh 2.

Chú Thành trước đây chạy xích lô, dạo gần đây sức khoẻ yếu đi nên chú chuyển sang chạy xe ôm.

"Mấy bữa sau em dâu của chú mới mở clip trên mạng cho chú xem, cả nhà ai cũng hỏi bữa đó ai nhập ông mà nói tiếng Anh hay dữ vậy, nói như gió luôn. Chú cũng không biết sao bữa đó nói ngon lành vậy, thấy cũng vui vui" - chú Thành cười sảng khoái khi biết đoạn clip được mọi người đón nhận rất tích cực.

Gặp lại chú xe ôm nói tiếng Anh như gió, siêu dễ thương ở chợ Bến Thành - Ảnh 3.

Chú Thành rất vui vì clip nói tiếng Anh của mình được nhiều người yêu thích.

Năm 1982 chú Thành làm công việc chạy xích lô, nhưng mãi đến những năm 1990 chú mới bắt đầu tiếp cận với tiếng Anh, vì khoảng thời gian này lượng khách nước ngoài tìm đến Sài Gòn để tham quan du lịch ngày một tăng cao.

"Khách nước ngoài thì sẽ trả cho mình số tiền cao hơn so với khách Việt, vì vậy nếu có thể giao tiếp với họ thì mình cũng sẽ có một nguồn thu nhập khá hơn để chăm lo cho gia đình" - chú tâm sự.

Gặp lại chú xe ôm nói tiếng Anh như gió, siêu dễ thương ở chợ Bến Thành - Ảnh 4.

Chú tập nói tiếng Anh để có thể giao tiếp với những vị khách người nước ngoài.

Gặp lại chú xe ôm nói tiếng Anh như gió, siêu dễ thương ở chợ Bến Thành - Ảnh 5.

Chia sẻ về việc học tiếng Anh chú tâm sự: "Ban đầu chú tập nói những từ, những câu đơn giản như: Hello, Good morning hay How are you. Nhưng lúc đó còn sợ, bởi vì mình biết vốn từ còn ít nên cũng sợ giao tiếp với khách nước ngoài. Mình nói một câu, họ trả lời lại một mớ câu nghe không hiểu gì hết là bắt đầu ớn ớn rồi".

Dần dần công việc bắt buộc chú phải gặp và giao tiếp với nhiều khách nước ngoài hơn, từ đó chú Thành tự trau dồi khả năng tiếng Anh của mình. "Khách nước ngoài khi nói chuyện với mình họ luôn cố gắng nói thật chậm để mình có thể hiểu được, đồng thời họ cũng lược bớt những câu từ khó, chỉ nói những câu đơn giản để mình có thể hiểu, nên việc giao tiếp dần dần trở nên dễ dàng hơn" - chú chia sẻ.

Gần 20 năm tiếp cận với tiếng Anh giao tiếp, hiện tại chú Thành luôn tự tin có thể nói chuyện với khách nước ngoài mà không rụt rè như những ngày đầu. Bên cạnh việc chở khách, chú còn kiêm luôn công việc của hướng dẫn viên. Chú bảo vốn từ của chú đủ để có thể giới thiệu những nét cơ bản về một số điểm du lịch trong thành phố như chợ Bến Thành, các bảo tàng hay chùa chiền... Giờ đây chú còn có cả những khách mối là người nước ngoài, mỗi dịp cần đi đâu chỉ cần gọi là chú có mặt.

Gặp lại chú xe ôm nói tiếng Anh như gió, siêu dễ thương ở chợ Bến Thành - Ảnh 6.

Hiện tại chú Thành rất tự tin với việc giao tiếp với khách nước ngoài.

Theo chú, tiếng Anh thật ra không hề khó, chỉ cần rèn luyện mỗi ngày là sẽ thành thục, những bạn trẻ hiện nay có điều kiện học hành bài bản, chỉ cần mạnh dạn giao tiếp với người nước ngoài sẽ nâng cao được khả năng của bản thân và tự tin hơn trong giao tiếp.

Cuộc sống này vốn không có những giới hạn, chỉ cần chúng ta có đủ sức mạnh và ý chí để vượt qua những ranh giới của bản thân. Những nỗi lo về miếng cơm, manh áo đã giúp chú Thành phá bỏ những giới hạn của bản thân để thích nghi với công việc của mình. Nhìn cách chú Thành tự học, ta biết chẳng có gì là không thể, nếu không ngừng cố gắng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày