Nhất Trung là đạo diễn nổi tiếng với 49 Ngày (2015), Cua Lại Vợ Bầu (2019) hay 1990 (2022) - tức những bộ phim có ý tưởng nghe hay hay nhưng đến khi triển khai thì lại có lắm vấn đề. Gặp Lại Chị Bầu cũng không ngoại lệ khi những cảm xúc lẽ ra phải thật bùng nổ lại không được làm đến nơi đến chốn, còn sạn thì lại nhiều vô số.
Nhân vật chính của Gặp Lại Chị Bầu là Phúc (Anh Tú) - một thanh niên mồ côi cha mẹ, ăn chơi lêu lổng. Trong một lần bị chủ nợ đuổi, anh chàng vô tình rơi xuống sông và bị sét đánh nên đã xuyên không về năm 1997. Thấy Phúc lang thang không nơi nương tựa, bà Lê (Lê Giang) đã nhận anh chàng làm con nuôi, cho sống cùng Ngọc (Ngọc Phước), Huyền (Diệu Nhi) và Tuấn (Quốc Khánh). Bộ ba giúp Phúc có công việc diễn viên quần chúng trong đoàn phim mà họ đang tham gia. Trong lúc cả nhóm ngày càng thân thiết, xem nhau như anh em trong nhà thì biến cố một lần nữa ập đến khi Phúc phát hiện ra sự thật đằng sau cha mẹ ruột của mình.
Trong các bộ phim xuyên không, bối cảnh là vô cùng quan trọng để khiến khán giả tin vào câu chuyện. Gặp Lại Chị Bầu làm khá tốt yếu tố này ở những phút đầu khi Phúc mới lần đầu bước chân về năm 1997. Tiệm băng đĩa chứa đầy những bộ kiếm hiệp Hong Kong, tần số radio của Làn Sóng Xanh, cuốn lịch năm cũ, tờ tiền giấy xanh đỏ mang nhiều yếu tố hoài niệm. Hay hình ảnh cái Tết xưa, cả nhà quây quần ăn bánh mứt để lại nhiều cảm xúc.
Tuy nhiên, càng về sau thì phim càng phát sinh nhiều sạn. Dàn diễn viên sử dụng những câu thoại rất hiện đại, thậm chí còn đậm chất gen Z. Dù nhiều chỗ chỉ để gây cười nhưng lại vô cùng lạc quẻ. Bên cạnh đó, MV Đi Về Nơi Xa của Đan Trường, vốn ra mắt năm 1999, lại xuất hiện trong bối cảnh phim năm 1997 khiến nhiều khán giả đặt câu hỏi. Đạo diễn Nhất Trung từng giải thích rằng MV thường ghi hình sớm 1-2 năm trước khi ra mắt. Song, Gặp Lại Chị Bầu lại không thể hiện rõ ràng mốc thời gian là Phúc đã ở lại quá khứ bao lâu. Hay hình ảnh đĩa DVD xuất hiện khắp nơi dù vô cùng đắt đỏ và chưa hề phổ biến cho đến giữa thập niên 2000 cũng khá khó hiểu.
Không những thế, Phúc chỉ cố gắng trở về tương lai trong vài cảnh phim ngắn ngủi rồi sau đó dường như "quên" luôn việc nay. Anh chàng ở lại quá khứ quá lâu và gây ra nhiều tác động lớn như giúp Huyền trở thành diễn viên nổi tiếng hay Tuấn lại là đạo diễn MV Đi Về Nơi Xa để lại rất nhiều vấn đề về mặt logic.
Câu chuyện con cái đi về quá khứ gặp cha mẹ thời trẻ không hề mới nhưng cách khai thác của đạo diễn sẽ quyết định phim có thành công hay không. Như Đạp Gió Rẽ Sóng (2017) có Bành Vu Yến và Đặng Siêu đóng vai chính từng rất thành công nhưng rồi lại bị Xin Chào, Lý Hoán Anh (2021) vượt mặt sau đó. Đáng buồn là Gặp Lại Chị Bầu lại đi theo hướng đáng quên.
Ban đầu, phim không hề khắc họa rõ việc Phúc thù ghét cha mẹ mình nhiều ra sao vì đã bỏ rơi anh chàng lúc bé. Mọi việc chỉ vỡ lẽ khi anh chàng tình cờ biết được thân phận thật của người mẹ. Những đoạn hồi tưởng về việc Phúc đã trưởng thành trong buồn tủi, bị xã hội bắt nạt, đày đọa quá vội vã, nặng tính sắp đặt nên không đủ sức thuyết phục.
Sau đó, mọi mâu thuẫn của cả hai lại được giải quyết một cách quá dễ dàng chỉ bởi một câu nói. Để rồi khi người mẹ này buộc phải đưa ra quyết định đau lòng thì cả hai lại một lần nữa xung đột. Đạo diễn Nhất Trung dường như không xác định được đâu mới là tình tiết then chốt khiến Phúc hiểu những nỗi khổ mà mẹ mình phải gánh chịu để từ đó tha thứ cho bà và thay đổi bản thân.
Việc nhồi nhét, ôm đồm quá nhiều giai đoạn trong mối quan hệ giữa Phúc và mẹ khiến phim trở nên dài dòng, lê thê. Người xem cũng khó mà cảm nhận hay đồng cảm với hành trình chuyển biến tâm lý của Phúc. Không những thế, những tình tiết quan trọng như cha của Phúc là ai, hay Tuấn và Ngọc ở đâu trong tương lai chỉ được đặt ra mà không còn thời lượng giải quyết. Chúng như khẩu súng đã lên đạn nhưng không bóp cò gây khó chịu cho khán giả.
Bộ tứ Diệu Nhi, Ngọc Phước, Quốc Khánh và Lê Giang là bất ngờ lớn nhất của Gặp Lại Chị Bầu. Họ thường được biết đến với những vai hài có phần lầy lội, nói nhiều và ồn ào. Song, tất cả đều có sự tiết chế rõ rệt và cho thấy một bộ mặt khác hoàn toàn trong phim.
Bà Lê của Lê Giang là một phụ nữ nhiều tâm tư. Bà không thể có con, bị chồng bỏ rơi nên xem những thanh niên lang thang như gia đình. Bà Lê luôn là người đứng ra khuyên can, tâm sự và chia sẻ nỗi buồn với những "đứa con" của mình. Ngọc thì có tính mê trai đẹp nhưng không lố lăng mà được thể hiện một cách nhẹ nhàng, dễ thương qua các câu thoại, tình huống hài hước. Cô lúc nào cũng lạc quan nhưng không ngại nói ra sự thật phũ phàng. Tuấn thì như người anh cả, luôn thận trọng và chăm lo cho hai cô em gái. Diệu Nhi là người yếu mềm, dịu dàng nhất nhóm. Nhưng khi đụng đến đam mê diễn xuất hay tình cảm gia đình thì cô lại vô cùng mạnh mẽ.
Nhìn Huyền thì khó mà tin được Diệu Nhi là một diễn viên hài khi diễn bi cũng rất đạt. Tương tác của bộ ba rất mượt, làm người xem cảm nhận được họ là một gia đình rất yêu thương nhau dù không cùng máu mủ. Vai khách mời của Kiều Minh Tuấn hơi lố nhưng lại hợp để khuấy động không khí.
Điểm yếu lớn về khâu diễn xuất chính là Anh Tú. Biểu cảm của anh khá đơ cứng và không có nhiều thay đổi dù trải qua đủ hỉ, nộ, ái, ố. Phúc là nhân vật trung tâm của phim, có sự chuyển biến tâm lý và những mâu thuẫn, bi kịch đắt giá. Song, nam diễn viên sinh năm 1993 lại gây hụt hẫng khi không thể truyền tải được cảm xúc gì cho người xem. Phim cũng vì thế mà mất đi sức nặng.
Với những ý tưởng cũ, nếu đạo diễn biết xây dựng những tình tiết, cách tiếp cận mới thì vẫn hoàn toàn mang đến một câu chuyện cảm xúc, chạm đến trái tim của khán giả. Tiếc thay, điều này không xảy ra với Gặp Lại Chị Bầu. Sau nhiều năm, có lẽ kịch bản vẫn là điểm yếu chí mạng mà đạo diễn Nhất Trung phải tiếp tục cải thiện.