Gần 90.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt

Nam Khánh, Theo Tiền phong 08:36 01/05/2020
Chia sẻ

Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, có gần 90.000 hộ dân đang bị thiếu nước sinh hoạt do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn.

Gần 90.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt - Ảnh 1.

Ngày 30/4, Tổng cục Thủy lợi cho biết, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có gần 67.000 hộ đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt do hạn mặn.

Trong đó, địa phương chịu ảnh hưởng lớn nhất là Sóc Trăng với 19.000 hộ dân, Cà Mau 17.500 hộ dân, Bến Tre 12.000 hộ dân, Kiên Giang khoảng 10.300 hộ dân...

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở khu vực miền Trung, với khoảng 17.600 hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt, trong đó lớn nhất là Bình Thuận trên 11.500 hộ, Quảng Bình khoảng 3.000 hộ, Quảng Ngãi 1.600 hộ, Phú Yên khoảng 1.100 hộ...

Tại khu vực Tây Nguyên, gần 5.000 hộ cũng trong tình trạng thiếu nước: Kon Tum gần 1.800 hộ, Đắk Lắk gần 1.400 hộ, Gia Lai gần 1.200 hộ, Lâm Đồng gần 600 hộ.

Đáng lưu ý, khu vực Tây Nguyên hiện là nơi nhiều diện tích cây trồng “khát nước” nhất, với trên 20.750 ha, trong đó nặng nhất là tại ba tỉnh là Đắk Lắk gần 9.500 ha, Đắk Nông trên 9.400 ha và Gia Lai trên 1.900 ha.

Trong thời gian tới, theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ở khu vực Trung Bộ, tổng lượng mưa trong tháng 5/2020 phổ biến thấp hơn từ 10-40% so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ.

Đến tháng 6/2020, tại khu vực Bắc và Trung Trung Bộ lượng mưa cao hơn từ 10-25%, tại khu vực Nam Trung Bộ phổ biến xấp xỉ so với TBNN.

Tháng 7 và tháng 8/2020, tại khu vực Bắc Trung Bộ, lượng mưa xấp xỉ với TBNN; khu vực Trung và Nam Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 10-35%, riêng Ninh Thuận, Bình Thuận phổ biến xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ.

Đến tháng 9/2020, tổng lượng mưa toàn khu vực phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN; tháng 10/2020 toàn khu vực phổ biến cao hơn từ 10-30% so với TBNN.

Gần 90.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt - Ảnh 2.

Gần 21.000 ha cây trồng ở Tây Nguyên đang "khát nước" vì hạn hán

Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, tổng lượng mưa tháng 5/2020 phổ biến thấp hơn so với TBNN cùng thời kỳ từ 15-30%. Mùa mưa trên khu vực có khả năng đến muộn hơn so với trung bình, do vậy cảnh báo tiếp tục ít mưa và khô hạn cho tới nửa đầu tháng 5/2020.

Từ tháng 6-9/2020 lượng mưa có xu hướng gia tăng trên khu vực, phổ biến ở mức xấp xỉ với giá trị TBNN, riêng tháng 7 khu vực Tây Nguyên có khả năng cao hơn TBNN từ 10-25%; tháng 10/2020 tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 10-30% so với TBNN cùng thời kỳ.

Với dự báo trên, Tổng Cục Thủy lợi cho biết, vụ hè thu - mùa 2020, ở Bắc Trung Bộ khả năng sẽ có khoảng 9.500-15.500 ha diện tích canh tác không đủ nguồn nước tưới, chiếm khoảng 2 - 3,3% diện tích gieo trồng hàng năm.

Diện tích trên nằm chủ yếu ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh…, do vậy, cần phải điều chỉnh giảm, giãn tiến độ gieo cấy hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Ở các tỉnh Nam Trung Bộ, theo dự báo, đến cuối tháng 5, dung tích hồ chứa thủy lợi tiếp tục có xu thế giảm, đạt phổ biến từ 30-60% dung tích thiết kế.

Khoảng 40.000-43.000 ha diện tích canh tác không đủ nguồn nước tưới, cần điều chỉnh giảm diện tích, giãn vụ hoặc chuyển đổi.

Tại Tây Nguyên, với vụ Mùa, dự kiến bắt đầu gieo trồng vào trung tuần tháng 5, là thời điểm vùng Tây Nguyên bắt đầu bước vào đầu mùa mưa, nên nguồn nước cơ bản được bảo đảm.

Tuy nhiên, một số vùng mưa muộn hơn như M’Đrăk, Krông Pa thuộc tỉnh Gia Lai và một số công trình nhỏ thuộc tỉnh Kon Tum, Đăk Lăk và Đăk Nông có thể bị thiếu hụt mưa cục bộ, cần tiến hành giãn vụ cho diện tích từ 1.000- 2.000 ha đất canh tác.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày