Ngày 29/7, trao đổi riêng với PV Tiền Phong, ông Lê Văn Thinh - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM - chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến tình hình việc làm của người lao động, cũng như những kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp (DN), công nhân vượt qua giai đoạn khó khăn.
Theo ông Thinh, tình hình đơn hàng, sản xuất kinh doanh của các DN từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn. Khó khăn của DN lan đến khó khăn của người lao động. Vì vậy, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM tiếp cận để nắm số lượng công nhân bị ngừng, bị nghỉ cũng như ngành nghề, công việc, đồng thời kết nối với các DN có nhu cầu tuyển dụng.
Công nhân thất nghiệp chật vật mưu sinh
Trong 6 tháng đầu năm, Sở LĐ-TB&XH TPHCM đã tiếp nhận thông báo cho người lao động thôi việc của 23 DN, trong đó có 14 DN FDI, 8 DN tư nhân và một đơn vị sự nghiệp, với số lao động mất việc là 1.137 người/20.405 người (tăng 9 DN so với cùng kỳ năm 2022, số lao động mất việc tăng 1.065 người). Tổng số tiền trợ cấp mất việc cho người lao động là trên 28,515 tỷ đồng. Bên cạnh đó, số lao động nghỉ việc tại các DN và đề nghị giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp là 64.860 trường hợp.
Từ đầu năm đến nay, TPHCM đã giải quyết việc làm cho trên 163.000 lao động (đạt trên 54,3% kế hoạch), trong đó việc làm mới gần 80.000 vị trí (đạt 52,1% kế hoạch). So với cùng kỳ năm 2022, tỷ lệ giải quyết việc làm tăng 0,21%, tỷ lệ tạo việc làm mới tăng 0,25%.
Đối với các DN, Sở phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện để nắm tình hình thông qua các cơ chế kiểm tra giám sát để nắm được tình hình “sức khỏe” DN. Với những DN đông trường hợp nghỉ việc, Sở chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm nắm bắt nhu cầu lao động của DN có nhu cầu tuyển dụng. Từ đó để kết nối nguồn lực lao động để người lao động và nhà tuyển dụng gặp gỡ.
Có việc làm ổn định lúc này là mong ước của rất nhiều lao động
“Thực tế trong những tháng đầu năm, khi tình hình kinh tế thế giới tác động đến câu chuyện sản xuất chung, một số doanh nghiệp trên địa bàn của thành phố phải cắt giảm quy mô sản xuất, cắt giảm lao động... đơn cử như Pouyuen Việt Nam. Vì vậy, Trung tâm dịch vụ việc làm TPHCM đã thực hiện chỉ đạo này rất nghiêm túc và mang lại những hiệu quả nhất định cho người lao động bước đầu” - ông Thinh nhìn nhận.
Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH TPHCM cũng phối hợp với Liên đoàn lao động TPHCM thực hiện các chính sách chăm lo, hỗ trợ chia sẻ với các trường hợp công nhân khó khăn. Mặt khác, Sở cũng đề nghị các quận, huyện quan tâm hỗ trợ vận động đối với các trường hợp công nhân thuê nhà trên địa bàn để có những chính sách hỗ trợ giảm, miễn tiền thuê nhà cho công nhân để vượt qua những giai đoạn khó khăn như giai đoạn dịch COVID-19.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, để hỗ trợ người lao động tốt hơn, cần có sự chung tay của cơ quan, đơn vị, đoàn thể, mặt trận đặc biệt là thành phố và Trung ương phải có những chính sách lớn để tháo gỡ khó khăn cho DN.
“Đó mới là cái gốc của câu chuyện giải quyết chăm lo cho người lao động. Bởi lẽ trong thực tế, nếu kinh tế phát triển, sản xuất tốt thì DN và người lao động tự tìm đến nhau và tự giải quyết được nhu cầu của nhau một cách chính xác và cần thiết. Còn trách nhiệm của sở, ngành là giám sát mối quan hệ lao động đó để động viên, hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện giữa người lao động và người sử dụng lao động thực hiện đúng pháp luật lao động và các chính sách tiền lương, tiền thưởng công bằng, đảm bảo theo cam kết góp phần vào an ninh trật tự của xã hội” - ông Thinh nhấn mạnh.
Tính đến cuối tháng 6, Sở LĐ-TB&XH TPHCM chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM tổ chức 59 phiên, sàn giao dịch việc làm trực tuyến, tư vấn việc làm cho gần 70.000 người và có hơn 43.200 người nhận việc.
Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH TPHCM cũng tiếp nhận gần 64.860 hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, 512 quyết định hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho người lao động thất nghiệp, tiếp nhận 245.414 lượt người lao động đến thông báo tìm kiếm việc làm.