Làn sóng sa thải, cắt giảm nhân sự và giờ làm của các xí nghiệp, nhà máy trên địa bàn tỉnh Bình Dương buộc nhiều công nhân phải khăn gói về quê kiếm sống. Bình Dương từng là "miền đất hứa" với họ, rời xa nó trong hoàn cảnh hiện tại không phải điều dễ dàng.
"Công ty không có đơn hàng nên cắt giảm, ở lại không có việc tiền đâu trả tiền trọ", một công nhân rưng rưng mắt.
Công nhân trăn trở đường về quê
Cùng chồng từ Cà Mau lên Bình Dương làm thuê đã nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Minh (SN 1969) luôn ấp ủ giấc mơ ngày được trở về nhà. Căn bệnh vảy nến, hở van tim 3 lá đã khiến người phụ nữ này mất khả năng lao động, "chôn chân" trong căn phòng trọ chật hẹp, đúng kiểu dãy trọ khu công nghiệp. Kinh tế chính của gia đình bà hàng chục năm trời phụ thuộc vào đồng lương của chồng - hiện tại chỉ còn khoảng 4-5 triệu mỗi tháng.
Công nhân ở Bình Dương thất nghiệp trăn trở đường về quê
"Mỗi tuần ông ấy làm 2 - 3 ngày công. Ngày trước mỗi ngày ăn 50 ngàn thì nay mình ăn chỉ 20 - 30.000 ngàn.
Khó khăn thì ai cũng khó khăn, lãnh lương ra mình để lại 500.000 phòng thân, lỡ khi bị bệnh còn xoay xở kịp. Nếu tháng đó không bệnh thì xem như mình còn 500.000, còn bệnh thì coi như mất. Ở quê mình còn đi bắt cua bắt ốc được, còn ở đây chỉ đi làm như vậy thôi chứ đâu còn làm gì được nữa", bà Minh tâm sự.
Như một cách để dần thực hiện hóa ước mơ hồi hương, vợ chồng bà Minh dựng một ngôi nhà nhỏ ở quê (Cà Mau). Ngôi nhà được dựng từ số tiền vợ chồng bà dành dụm sau nhiều năm tha phương cầu thực và vay thêm của người thân. Hai vợ chồng xem như có nơi dưỡng già. Tới giờ, ở tuổi ngoài 50, vợ chồng bà Minh vẫn cố gắng bám trụ từng ngày trên vùng đất mệnh danh thu nhập cao hàng đầu cả nước, mong trả hết nợ để về quê.
"Muốn về quê lắm chứ nhưng khó, xây được cái nhà nhỏ nhỏ không có gì ở trong. Chỉ chờ chồng trả hết nợ để về".
Chẳng thế mà bà Minh xúc động ra mặt khi có người hỏi tới 2 chữ ''về quê''. Mặt bà Minh ửng đỏ, 2 dòng nước mắt bất giác lăn dài. Đưa vạt áo quẹt mắt, bà Minh run giọng:
"Phải về chứ, quê hương xứ sở mình mà. Tôi chứng kiến, ở dưới quê khổ, người ta mới lên đây nhưng lên đây nửa tháng xin đủ thứ việc mà không có, phải bán bông tai để lấy tiền mua vé xe về. Tháng trước người ta lên rồi về nhiều lắm".
Ông Trần Văn Xuân (59 tuổi, quê Bạc Liêu) là hàng xóm cùng dãy trọ với bà Minh nhiều năm nay. Không nhà, không đất, cả gia đình 5 người của ông Xuân cùng lên Bình Dương kiếm sống. Làm công nhân, mỗi người trong gia đình ông đều có thu nhập hiện tại khoảng 4-5 triệu đồng. Cuộc sống hiện tại bấp bênh nhưng đường về quê xem ra cũng khó khăn không kém.
Gia đình ông Xuân
"Tôi ở đây 12 năm, chưa bao giờ thấy cảnh này. Họ đi làm bấp bênh lắm nên phải đi đây đi kia kiếm kế sinh nhai, ở lại không làm được, đưa hồ sơ không ai nhận, người lớn tuổi bị sa thải. Định giữ trẻ nhưng không có trẻ để giữ, đa số đều chọn đi bán vé số. Nhưng bây giờ người bán còn nhiều hơn cả người mua. Lớn tuổi không làm được, ra ngoài mua thiếu (vé số - PV) người ta không bán.
Không có đất ở quê về làm sao sống, người có đất người ta còn bỏ lên này sống, tôi định già làm không nổi thì về luôn, che tạm một cái nhà để ở chứ không lên lại", ông Xuân chạnh lòng nói.
Những khu trọ giờ đây thưa thớt người qua lại
Để có thêm thu nhập, ông Xuân nhặt ve chai quanh khu trọ rồi đem bán. May thì cũng đủ tiền gạo trong nhà.
"Tôi không có vốn nên không đi thu mua, tôi đặt một cái bao trước hẻm, ai có gì cho đó, cuối tháng tôi gom lại rồi bán, được đồng nào hay đồng đó.
Ngày trước đủ ăn đủ sống, sau này thay đổi từng ngày một. 12 năm qua không năm nào thay đổi như vậy, công nhân hồi xuất nhập khẩu ổn định làm một tháng ít nhất cũng mười mấy triệu, năm nay tháng làm 4 - 5 triệu đã thấy nhiều".
Nói về mơ ước của mình ở thời điểm này, ông Xuân bộc bạch mong muốn có một chiếc xe đạp thồ chở ve chai rồi cùng vợ về quê dựng chòi kiếm sống qua ngày.
Nằm trong diện bị hoãn hợp đồng lao động, bà Bùi Thị Hằng (SN 1969, quê Cà Mau) cũng trong tình cảnh phải chạy đôn chạy đáo đi tìm việc làm suốt 1 tháng nay. Không có xe máy lẫn xe đạp, bà Hằng phải xin đi nhờ xe của hàng xóm. Có hôm không đi nhờ được, bà Hằng phải đi bộ, nhiều ngày như thế tiếp diễn dưới cái nắng oi bức, kiệt sức, người phụ nữ này đã ngất xỉu khi còn chưa xin được việc làm.
Không tìm được việc cộng thêm con dâu vừa sinh, đang trong giai đoạn nghỉ thai sản, bà Hằng thắt chặt chi tiêu từng thứ một trong nhà.
"Ăn uống tiết kiệm, tôi dặn các con cũng phải biết tiết kiệm theo. Các con cũng lớn nên hiểu, chẳng đứa nào phung phí", bà kể.
Nói về những dự định sắp tới, bà Hằng cho biết trong thời gian bị hoãn hợp đồng không lương, bà vẫn sẽ tiếp tục tìm công việc phụ nhằm gánh đỡ phần chi phí sinh hoạt trong gia đình.
"Nếu không có gì làm nữa thì về quê, mình cũng là người nhà quê lên mà lên đây không sống được thì mình về. Ở lại không có tiền đóng tiền trọ", bà Hằng nói.
Trong những tháng đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, phải cắt giảm giờ làm, hoãn hợp đồng lao động, sa thải nhân sự. Sau khi nhận quyết định, nhiều công nhân chọn về quê dùng tiền trợ cấp tiếp tục lao động kiếm sống, một số khác lại chọn ở lại chạy vạy khắp nơi tìm việc làm để duy trì đời sống nơi đất khách quê người.
Bà Bùi Thị Hằng (quê Cà Mau) vừa bị hoãn hợp đồng lao động vì công ty không có đơn hàng
Bên cạnh các hoạt động bảo vệ quyền lợi, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương đã phối hợp cùng các cấp các ngành trong tỉnh tập trung nguồn lực để chăm lo, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Sở cũng đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Việc làm của tỉnh tăng cường công tác tổ chức tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động nhanh, đúng và kịp thời.
Trung tâm dịch vụ Việc làm tỉnh Bình Dương với nhiệm vụ tạo cung - cầu lao động cũng như tăng cường thu thập thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn để hỗ trợ người lao động tiếp cận với các vị trí việc làm, giới thiệu lao động đến doanh nghiệp nộp hồ sơ ngay trong ngày. Đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, việc nắm bắt nhu cầu lao động của các doanh nghiệp; tổ chức các phiên giao dịch việc làm nhằm đưa người lao động sớm tìm được việc làm mới, ổn định cuộc sống cũng như đẩy mạnh công tác tư vấn lao động tận dụng cơ hội để học nghề nâng cao trình độ nghề, chuẩn bị tốt các kỹ năng để nâng cao tính cạnh tranh khi thị trường tuyển dụng khởi sắc trở lại.