TP.HCM sẽ tận dụng hữu hiệu nhất hai tuần giãn cách sắp tới để dập dịch (Ảnh: SGGP)
Trong đó, 857 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng (chiếm tỉ lệ 77,97%), 238 trường hợp là người nhập cảnh (21,65%), 4 trường hợp lây trong khu cách ly (0,38%). Đã có 298 bệnh nhân được điều trị khỏi, 2 bệnh nhân tử vong. Hiện nay, 799 bệnh nhân đang được điều trị.
Từ ngày 26/5 đến hết ngày 13/6, TP.HCM đã lấy 560.270 mẫu xét nghiệm, trong đó 9.931 tiếp xúc gần, 550.339 tiếp xúc khác và mở rộng. Kết quả, trong 9.931 mẫu tiếp xúc gần, 9.859 mẫu có kết quả âm tính, 72 mẫu đang chờ. Đối với các tiếp xúc khác và mở rộng xét nghiệm, 530.295 mẫu âm tính, 20.044 mẫu đang chờ kết quả.
TP.HCM đang cách ly kiểm dịch 32.316 người. Trong đó, 11.307 người đang cách ly tập trung, 21.009 trường hợp cách ly tại nhà/nơi lưu trú.
Đến nay, trong TP còn nhiều chuỗi lây nhiễm chưa xác định được nguồn lây như: chuỗi lây nhiễm tại khu dân cư Ehome 3 (giáp ranh Bình Tân và quận 8); chuỗi lây nhiễm ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới; chuỗi lây nhiễm xưởng cơ khí Hóc Môn; chuỗi lây nhiễm tại đường số 11, phường Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức; chuỗi lây nhiễm tại ấp Tân Thới 2, Tân Hiệp, Hóc Môn và chuỗi lây nhiễm tại Tân Thới 3, Tân Hiệp, Hóc Môn.
Các biện pháp dập dịch quyết liệt của TP.HCM
Linh hoạt tính toán việc giãn cách tại các khu vực
Những ngày cuối cùng của hạn giãn cách lần 1, dù chuỗi lây nhiễm tại điểm nhóm Hội truyền giáo Phục Hưng cơ bản được kiểm soát nhưng lại xuất hiện thêm nhiều chuỗi lây nhiễm khác không rõ nguồn lây.
Do đó, TP quyết định tiếp tục giãn cách xã hội thêm 2 tuần kể từ 0h ngày 15/6, kể cả quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) theo Chỉ thị 15. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết tùy thuộc diễn biến dịch bệnh trong tuần tới, có thể một số khu vực sẽ chuyển sang giãn cách theo Chỉ thị 16 hoặc Chỉ thị 19.
Quận Gò Vấp được chuyển giãn cách xã hội từ Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15
Tại cuộc họp báo chiều 14/6, khi được hỏi liệu 2 tuần nữa TP.HCM có dập triệt để dịch hay không, Tuổi Trẻ dẫn lời Giám đốc HCDC Nguyễn Trí Dũng cho biết không một chuyên gia nào có thể khẳng định 2 tuần hay bao lâu sẽ dập dịch triệt để được.
"Dù TP.HCM quyết định giãn cách thêm 2 tuần, tuy nhiên sau 1 tuần sẽ đánh giá lại tình hình dịch bệnh để quyết định tăng cấp, giữ cấp hay giảm cấp ở một số khu vực" - ông Dũng thông tin.
Đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, có kết quả trong 6 giờ
Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu các lực lượng chức năng trong vòng 2 giờ kể từ khi xác định ca nghi nhiễm, phải truy cho được tất cả F1, đặc biệt là phải xác định ngay lập tức các F1 có tiếp xúc rất gần với người bệnh, như thành viên trong gia đình, để lấy mẫu xét nghiệm, chuyển cách ly tập trung. Song song với hoạt động truy vết tiếp tục, các mẫu bệnh phẩm của F1 phải được gửi ngay đến phòng xét nghiệm nCoV khẳng định để tiến hành chẩn đoán.
Báo VnExpress dẫn lời ông Dũng cho hay, hiện Bộ Y tế quy định, trong vòng 24 giờ phải có kết quả xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCT đối với các F1.
Tuy nhiên, TP.HCM đã rút ngắn thời gian này chỉ còn 6 đến 10 tiếng (nhanh gấp 2,4 đến 4 lần so với quy định của Bộ). Điều này có nghĩa, các đơn vị được giao xét nghiệm phải ưu tiên làm nhóm mẫu F1 này trước, nhằm đẩy nhanh tốc độ truy vết, có biện pháp xử lý phù hợp, cắt đứt sớm nguồn lây.
Nới rộng giám sát y tế người đến từ vùng dịch
HCDC gần đây đã thêm 5 địa điểm ở TP.HCM, 20 nơi tại Bình Dương, 1 nơi ở Tiền Giang, 3 điểm ở Hà Tĩnh, 1 điểm ở Hà Nội, vào diện giám sát y tế.
Cụ thể, người ở/đến các địa điểm này cần khai báo y tế để được hướng dẫn giám sát y tế, xét nghiệm và cách ly khi có chỉ định, ngoài ra cần tự theo dõi sức khỏe, báo cáo ngay cho cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi nhiễm nCoV. Riêng người có liên quan 5 địa điểm tại TP.HCM thì thực hiện cách ly tại nhà.
Xin Thủ tướng được chủ động tìm nguồn vắc xin Covid-19
TP.HCM quyết tâm sớm đạt miễn dịch cộng đồng với 70% dân số được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 (Ảnh: Báo NLĐ)
Báo Giao Thông dẫn nguồn tin từ TP.HCM cho biết, hiện tình hình dịch bệnh Covid-19 tại thành phố đang diễn biến rất phức tạp, số ca bệnh ngày càng tăng với sự xuất hiện và lây nhiễm mạnh của các biến chủng virus SARS-CoV-2 của Anh, Ấn Độ. TP.HCM có trên 7,2 triệu người từ 18 tuổi trở lên, số công nhân và người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, tập đoàn trong các khu công nghiệp là rất lớn với trên 1,6 triệu người.
Tuy nhiên, đến nay mới nhận được 140.000 liều vắc-xin phòng Covid-19 và triển khai tiêm phòng cho 64.366 người được tiêm 1 mũi và 10.179 người tiêm đủ 2 mũi. Để đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng với trên 70% dân số, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng xin chủ động tìm nguồn mua vắc xin Covid-19.
Tổng hợp