Quá khứ có thể ảnh hưởng sâu sắc đến cách bạn nhìn nhận và tiếp cận với khái niệm kết hôn trong hiện tại.
Hôn nhân thường được coi là một trong những quyết định quan trọng nhất trong đời mỗi người. Với nhiều người, đó là cột mốc đầy hạnh phúcphấn khởi, nhưng đối với một số khác, ý nghĩ về hôn nhân lại khiến họ sợ hãi và lo âu tột cùng. Nỗi sợ hãi mạnh mẽ và kéo dài liên quan đến hôn nhân hoặc cam kết, còn gọi là “Gamophobia”, có thể gây cản trở trong việc xây dựng hoặc duy trì những mối quan hệ ý nghĩa.
Biểu hiện của nỗi sợ này thường bao gồm cảm giác lo lắng quá mức hoặc hoảng loạn khi nghĩ đến hôn nhân, né tránh các cuộc trò chuyện hay tình huống liên quan đến chủ đề này, luôn cảm thấy bất an khi ở trong một mối quan hệ nghiêm túc và có xu hướng phá vỡ mối quan hệ khi nó trở nên sâu sắc hơn. Ngoài ra, những người này thường có xu hướng soi xét quá kỹ các khuyết điểm của đối phương để tìm lý do né tránh cam kết, đồng thời họ thường thích các mối quan hệ ngắn hạn hoặc không ràng buộc.
Nghiên cứu năm 2024 được công bố trên tạp chí Family Transitions đã khảo sát cảm nhận của người trẻ về hôn nhân và chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng không kết hôn là do vấn đề tâm lý và sự lo ngại này. Theo kết quả nghiên cứu, dưới đây là ba lý do chính khiến một số người dè dặt với hôn nhân.
Việc chứng kiến cha mẹ ly hôn từ khi còn nhỏ có thể ảnh hưởng sâu sắc đến cách một người nhìn nhận hôn nhân. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người trưởng thành trong môi trường gia đình tan vỡ thường mang tâm lý e ngại hoặc không tin tưởng vào tính bền vững của hôn nhân.
Họ dễ hình thành suy nghĩ rằng mối quan hệ nào cũng mong manh và dễ đổ vỡ. Chẳng hạn, họ có thể tự hỏi: “Nếu cha mẹ tôi còn không thể giữ được hôn nhân, tại sao tôi phải cố gắng?” hoặc “Tôi không muốn trải qua những gì họ từng chịu đựng”. Lối suy nghĩ này dễ dẫn đến việc họ ít nỗ lực và cam kết trong các mối quan hệ của mình, từ đó vô tình tạo ra một vòng lặp khiến mối quan hệ dễ rạn nứt như họ từng lo sợ.
“Chúng tôi đặt câu hỏi liệu chính khái niệm ‘hôn nhân’ có mang theo những cảm xúc nặng nề đối với những người từng chứng kiến cha mẹ ly hôn, khiến họ theo phản xạ tự nhiên có xu hướng đánh giá tiêu cực về hôn nhân hay không” các nhà nghiên cứu viết.
Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh rằng kết quả không hoàn toàn giống nhau ở tất cả mọi người. Dù một số người trở nên hoài nghi về hôn nhân, vẫn có những người khác nhìn nhận một cách tích cực hơn, nuôi dưỡng hy vọng và mong muốn học hỏi từ kinh nghiệm của cha mẹ để xây dựng những mối quan hệ lành mạnh và bền vững hơn.
Ví dụ, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những người chứng kiến cha mẹ tái hôn hạnh phúc - đặc biệt là nam giới - thường có thái độ tích cực hơn đối với hôn nhân. Họ xem những cuộc hôn nhân thứ hai thành công như minh chứng cho cơ hội làm lại và sự trưởng thành sau những vấp ngã. Điều này giúp củng cố niềm tin rằng hôn nhân vẫn có thể mang lại hạnh phúc, ngay cả khi đã từng trải qua đổ vỡ.
Ngay cả khi cha mẹ vẫn sống chung, việc lớn lên trong một gia đình thường xuyên xảy ra mâu thuẫn cũng có thể để lại những ám ảnh đáng kể. Nghiên cứu được công bố trên The Family Journal chỉ ra rằng những người trưởng thành trong môi trường gia đình nhiều xung đột thường có xu hướng đồng nhất hôn nhân với sự căng thẳng và bất hạnh, lo sợ rằng các mối quan hệ của họ sau này sẽ đi vào vết xe đổ của cha mẹ.
Những trải nghiệm từ thuở nhỏ này định hình thái độ của họ đối với sự gần gũi, niềm tin và khả năng mở lòng trong các mối quan hệ sau này. Nỗi lo sợ này có thể khiến họ né tránh hoàn toàn việc cam kết hoặc luôn ở trong trạng thái cảnh giác cao độ khi yêu, thường xuyên lo lắng và chờ đợi mâu thuẫn xảy ra.
Điều đáng chú ý là các nhà nghiên cứu cũng phát hiện rằng chất lượng mối quan hệ gia đình - bất kể có xảy ra ly hôn hay không - đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành quan điểm về hôn nhân. Đặc biệt, những gia đình khuyến khích tinh thần tự lập và sự tự chủ thường nuôi dưỡng những người trẻ có cái nhìn tích cực và lành mạnh hơn về các mối quan hệ.
Tuy nhiên, sự thiếu vắng tính tự lập trong quá trình trưởng thành có thể làm gia tăng nhu cầu mạnh mẽ về sự độc lập, đồng thời củng cố những quan điểm tiêu cực rằng các mối quan hệ trong tương lai sẽ tiếp tục trở thành rào cản, khiến họ cảm thấy bị kìm hãm.
“Những người trẻ có thể có cảm xúc trái chiều về hôn nhân khi họ được nuôi dưỡng với tinh thần coi trọng sự độc lập và tự chủ, nhưng đồng thời vẫn chịu ảnh hưởng từ các giá trị truyền thống do xã hội phương Tây truyền bá”, các nhà nghiên cứu bổ sung.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng nỗi sợ hôn nhân còn bắt nguồn từ cảm giác không thoải mái với sự gần gũi trong các mối quan hệ. Theo lý thuyết gắn bó, những mối quan hệ đầu đời với người chăm sóc có ảnh hưởng sâu sắc đến cách mỗi người tiếp cận các mối quan hệ thân mật sau này. Những người thuộc kiểu gắn bó “né tránh” thường sợ sự gần gũi và phụ thuộc, dẫn đến tâm lý ngần ngại khi nghĩ đến hôn nhân.
Đối với họ, hôn nhân có thể là biểu tượng của sự dễ tổn thương, phụ thuộc lẫn nhau và mất đi quyền tự chủ - những điều khiến họ cảm thấy không an toàn hoặc bị đe dọa. Kiểu gắn bó “né tránh” thường hình thành từ trải nghiệm thiếu ổn định hoặc lạnh nhạt về mặt cảm xúc với người chăm sóc trong thời thơ ấu, khiến họ học cách kìm nén nhu cầu tình cảm và né tránh sự gần gũi như một cơ chế tự bảo vệ.
Cách nhìn nhận này thường kéo dài đến khi trưởng thành và ảnh hưởng trực tiếp đến các mối quan hệ tình cảm. Những người thuộc kiểu gắn bó này có xu hướng ưu tiên sự độc lập hơn là sự gắn kết, coi hôn nhân không phải là sự hợp tác mà là nguy cơ đánh mất bản thân. Họ lo sợ việc trở nên quá phụ thuộc vào bạn đời hoặc bị "mắc kẹt" trong một mối quan hệ nơi nhu cầu của họ bị phớt lờ hoặc không được thấu hiểu. Điều này dẫn đến việc họ tiếp cận các mối quan hệ một cách dè dặt hoặc né tránh những cam kết dài hạn.
Hơn thế nữa, những người có kiểu gắn bó này thường gặp khó khăn trong việc xây dựng lòng tin và bộc lộ cảm xúc - hai yếu tố cốt lõi để duy trì một cuộc hôn nhân lành mạnh. Nỗi lo bị tổn thương hoặc bị bỏ rơi, dù không có cơ sở rõ ràng, cũng khiến họ không thể hoàn toàn mở lòng với bạn đời.
Điều tích cực là các kiểu gắn bó không phải bất biến. Với sự tự nhận thức và nỗ lực cải thiện, một người hoàn toàn có thể chuyển đổi sang kiểu gắn bó an toàn hơn. Bạn đời của những người thuộc kiểu gắn bó “né tránh” cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình này. Sự kiên nhẫn, nhất quán và khẳng định rằng sự gần gũi không đồng nghĩa với mất đi bản sắc cá nhân có thể giúp họ dần thay đổi suy nghĩ. Theo thời gian, họ có thể học cách xem hôn nhân là một mối quan hệ hỗ trợ thay vì mối đe dọa đến sự ổn định cảm xúc.
Những lo lắng về hôn nhân thường là hệ quả từ các cơ chế tự bảo vệ trong quá khứ, nhưng không nhất thiết phải chi phối tương lai. Hiểu rõ nguồn gốc của những nỗi sợ này là bước đầu tiên để phá vỡ rào cản. Đối với những ai đang gặp khó khăn khi nghĩ đến hôn nhân, việc nâng cao nhận thức về bản thân và hành động có chủ đích sẽ giúp họ xây dựng mối quan hệ lành mạnh hơn.
Liệu pháp tâm lý, giao tiếp cởi mở với bạn đời và viết lại những câu chuyện cá nhân có thể biến nỗi sợ thành sự tự tin. Điều quan trọng là cần biết thách thức các áp lực xã hội, xem hôn nhân như một sự lựa chọn tự nguyện, thay vì một cột mốc bắt buộc phải đạt được.
Nỗi sợ hôn nhân không nhất thiết là điều tiêu cực. Nó có thể giúp bạn suy nghĩ kỹ lưỡng về những điều mình mong muốn từ một mối quan hệ lâu dài, thúc đẩy việc chất vấn các quan niệm cũ, phá bỏ các khuôn mẫu gia đình, chữa lành những tổn thương trong gắn bó và mở ra khả năng tạo dựng một mối quan hệ hoàn toàn mới mẻ. Với nhận thức đúng đắn và thái độ tích cực, bạn có thể tiếp cận hôn nhân không bằng nỗi sợ hãi, mà với niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp.
Nguồn: Forbes