Chị T kể lại sự việc với phóng viên. Ảnh Yến Nhi
Chạy thâu đêm xin được giám định
Trong đơn kêu cứu gửi đến báo Tiền Phong, chị H.T (SN 1978, trú quận Tân Bình, TPHCM) cho biết, con gái 5 tuổi của chị bị một người hàng xóm 60 tuổi dâm ô trong lúc chị vắng nhà vào hôm 14/4.
Chị T kể lại, hôm đó chị đang bán hàng ngoài hẻm, để đứa con gái ở phòng. Khi về nhà, con gái kể lại sự việc bị ông C dâm ô trong lúc đang tập tô màu. “Nghe con gái kể lại sự việc mà tim tôi đau nhói, căm phẫn hành động của lão hàng xóm”, chị T tức giận nói.
Ngay sau khi nghe con gái kể lại sự việc, chị T dẫn con gái vào nhà vệ sinh để xem lại vùng kín. Chị đau đớn khi phát hiện vùng kín của con gái bị sưng đỏ. “Tôi vội chạy sang phòng ông C để hỏi chuyện. Ông C phủ nhận và chỉ nói vào chơi với con gái tôi”, chị T thuật lại.
Để làm rõ sự thật, chị T nhờ chủ nhà trọ trích xuất cho xem camera. Qua hình ảnh từ camera, ông C đi vào trong phòng hơn 10 phút mới đi ra. Lập tức chị bế con gái lên Công an phường 14 (quận Tân Bình) để tố cáo.
Tại đây, cán bộ công an ghi lại lời tố cáo của chị T và hướng dẫn chị đến bệnh viện để khám cho con. “Tôi đưa con sang bệnh viện gần nhất nhưng họ nói không khám cho trẻ. Hai mẹ con sang Bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ lại hướng dẫn và làm giấy giới thiệu cho tôi qua Trung tâm Pháp y TPHCM để giám định”, chị T kể.
Đến trung tâm giám định chị T nhận được thông báo phải có công an quận dẫn đi thì mới làm giám định. Chị lại lật đật chạy về trụ sở công an khi đồng hồ điểm sang ngày hôm sau.
Hình ảnh camera ghi lại cảnh ông C vào phòng trọ. Ảnh Yến Nhi
“Tại công an phường, cán bộ trực ban có nói với tôi là ông C lên nhận lỗi và kêu tôi chấp nhận để ông C xin lỗi, bồi thường. Tôi nhất định không đồng ý”, chị T cho biết.
Đến rạng sáng hôm sau, công an phường dẫn ông C đến gặp chị T để dựng lại hiện trường và sau đó có tạm giữ ông này.
Mãi đến sáng 15/4, khi chị T liên hệ với Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, được sự giúp đỡ của hội, đến chiều cùng ngày chị mới đưa con gái đi giám định được.
Tuy nhiên, chị T rất bất ngờ khi ông C được công an thả ra sau đó với lý do hết hạn tạm giữ 24 tiếng. “Ông C sau đó vẫn đi lại sinh hoạt bình thường, đi làm ngày nào tôi cũng gặp. Hiện tại tôi rất lo lắng, cảm giác bất an mỗi khi gặp ông C”, chị T lo sợ nói.
Trao đổi với PV, đại diện Công an phường 14, quận Tân Bình cho biết có tiếp nhận sự việc và triệu tập người bị tố cáo để lấy lời khai. “Sau khi lấy lời khai ban đầu của những người liên quan, chúng tôi đã bàn giao vụ việc cho đội Điều tra tổng hợp - Công an quận Tân Bình tiếp tục xử lý”, đại diện công an phường cho biết.
Ðại biểu HÐND bức xúc…
Liên quan đến trường hợp chị T, trong buổi khảo sát của Ban VH-XH HĐND TPHCM tại quận Bình Tân về tình hình thực hiện Luật Trẻ em, công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn quận ngày 18/4, bà Nguyễn Thị Tố Trâm (Đại biểu HĐND TPHCM) bức xúc, ngay giữa trung tâm thành phố mà hai mẹ con phải đi suốt đêm để được bảo vệ quyền lợi của mình là việc rất cần suy nghĩ.
“Người dân cảm thấy không được bảo vệ và kẻ xâm hại không bị xử lý nghiêm thì công tác tuyên truyền dù có mọi hình thức vẫn không hiệu quả”, bà Trâm nói.
Bác sĩ Vương Anh Tài, Phó phòng nghiệp vụ y - Sở Y tế TPHCM nói thêm, khi xảy ra sự việc thì giám định pháp y cần làm ngay nhưng phải báo với công an quận để có hồ sơ, trưng cầu giám định. Đây là vấn đề để có đủ thủ tục chứ không phải các bên đùn đẩy nhau.
Bác sĩ Tài cho biết thêm, về xâm hại tình dục, không chỉ có trung tâm giám định pháp y làm mà các bệnh viện sản nhi có chuyên môn cũng có thể xử lý ngay vết thương, chăm sóc điều trị.
Ông Chung Hùng Bang, Phó trưởng phòng bảo vệ chăm sóc trẻ em (Sở LĐTB&XH TPHCM) nhìn nhận, quy trình xử lý vụ việc xâm hại trẻ em làm sao để tránh phiền hà cho người dân. Cơ quan chức năng nên có sự phối hợp, hướng dẫn. Khi người nhà đưa trẻ đến bệnh viện, bệnh viện có thể chủ động liên lạc với công an để hoàn thiện thủ tục hồ sơ và đảm bảo cho trẻ được giám định pháp y ngay, chứ không thể đi chỗ khác mất thời gian.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, chi hội trưởng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM cho biết, việc xâm hại trẻ em diễn ra liên tục là do chế tài chưa đủ răn đe, dẫn đến việc coi thường pháp luật. Bên cạnh đó, trong các vụ dâm ô pháp luật đòi hỏi chứng cứ quá khắt khe, trong khi nhiều vụ dâm ô thường diễn ra ở nơi vắng vẻ, chỉ có lời kể của trẻ nên việc đòi hỏi phải có chứng cứ vật chất là rất khó.
Để trẻ thoát khỏi móng vuốt kẻ xấu
Theo TS. Nguyễn Hồng Phan, trưởng Bộ môn Tâm lý giáo dục (Khoa Giáo dục - Trường ĐH KHXH&NV TPHCM), qua những sự việc cho thấy một điều quan trọng là cha mẹ phải biết cách dạy trẻ cách phòng ngừa ngay từ đầu để bảo vệ chính mình trước. "Cha mẹ nên dạy cho trẻ những kỹ năng phòng tránh xâm hại đơn giản, phù hợp với lứa tuổi và trình độ nhận thức của trẻ", TS. Phan nói.
Cụ thể, theo TS. Nguyễn Hồng Phan những "bí kíp" đơn giản đó là dạy trẻ về giới tính, không chạm vào vùng nhạy cảm của người khác, tránh xa người lạ mặt và không cho người lạ mặt vào nhà.
Văn Minh