Nhà không chỉ là nơi che nắng che mưa đơn thuần, mà còn là nơi “sạc đầy”, tái tạo năng lượng cho gia chủ sau một ngày dài bộn bề ngoài xã hội. Không gian sống ấy phải đạt đến sự an toàn, chất lượng, thoải mái và thân thiện, đó là những tiêu chí cơ bản, tiên quyết nhất.
Khi nhìn vào một căn nhà, nhiều người thường chỉ đánh giá xem nó đẹp hay không, dùng nội thất của thương hiệu nào, tốn bao nhiêu tiền… nhưng ít ai dành lời khen hay chú ý đến vấn đề an toàn trong thiết kế của căn nhà ấy. Các yếu tố an toàn trong thiết kế là yếu tố then chốt mang lại một không gian sống an toàn cả về thể chất và tâm lý, khiến cho những người sống trong không gian ấy cảm thấy an tâm hơn.
Về các yếu tố an toàn, các KTS đều có sự tính toán kỹ càng làm sao để công trình đạt được độ an toàn về mọi mặt và tính toán các phương án dự tính cho những trường hợp rủi ro. Với gần 10 năm gắn bó với công việc KTS, KTS Chi Mai - Founder LimDim House, KTS ấn tượng với nhiều công trình kiến trúc nhà ở, văn phòng đã xuất hiện trên các tạp chí kiến trúc quốc tế nổi tiếng như Archdaily, Dezeen… đã có những chia sẻ về yếu tố an toàn trong việc thiết kế, kiến tạo không gian sống.
Từng thiết kế nhiều công trình từ văn phòng đến nhà ở, các đề bài mà khách hàng, gia chủ đưa ra, chị thấy họ thường chú trọng đến những vấn đề nào? Họ có sự chú ý nhất định đến các yếu tố an toàn như thế nào, thưa chị?
Mỗi khách hàng sẽ có những yêu cầu khác nhau về công trình của mình. Nhưng hầu hết tôi thấy rằng, khách hàng luôn có những yêu cầu từ tổng quát về công năng lẫn những yêu cầu chi tiết như màu sơn hoặc một vài vật phẩm décor. Nhiệm vụ của KTS sẽ phải tư vấn toàn bộ vấn đề mà gia chủ đưa ra vì đây có thể là một tài sản lớn nhất của họ và họ sẽ gắn bó rất lâu dài với sản phẩm mà mình thiết kế ra nên việc tư vấn trong quá trình thiết kế phải được đặt lên hàng đầu.
Về sự an toàn đối với thiết kế, chủ yếu gia chủ yêu cầu về kết cấu, điện nước, phòng cháy chữa cháy và các chiều cao của lan can bảo vệ trong nội thất như cầu thang hoặc ngoại thất như ban công, lô gia. Ngoài ra một số khách hàng cũng yêu cầu về vật liệu đảm bảo cho quá trình sử dụng được an toàn như gạch ốp lát ở khu vực ẩm ướt hoặc thiết kế hợp lý nhưng thiết bị điện và nước được cách ly với nhau.
Khi tư vấn về cửa hoặc cổng chúng tôi cũng luôn đưa ra các phương án an toàn về thoát hiểm khi có cháy nổ. Ví dụ nếu khách có yêu cầu về cửa cuốn thì chúng tôi luôn cố gắng đưa thêm một phương án cửa mở thủ công nhỏ để có thể thoát ra an toàn khi có sự cố mà không phụ thuộc vào tình trạng của cửa cuốn. Hoặc về việc bắt đầu thiết kế kết cấu của dự án chúng tôi thường tư vấn cho gia chủ thực hiện việc khảo sát địa chất để có thể mô phỏng chính xác nhất có thể nền đất nơi công trình đặt móng qua đó đảm bảo việc kết cấu công trình ổn định nhất.
Việc thi công phần hạ tầng này là điều kiện tiên quyết để việc thi công phần thượng tầng được bền vững, hạn chế nứt gãy, thấm dột qua đó đảm bảo sự an toàn cho công trình.
Là KTS, chị đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của các yếu tố an toàn trong một căn nhà?
Yếu tố mang tính chất an toàn sẽ là yếu tố tiên quyết mà mọi thiết kế cần phải bàn đến trước khi được triển khai thi công. Nếu một thiết kế đẹp nhưng ảnh hưởng đến độ an toàn, bền vững của công trình thì thiết kế đó phải thay đổi. Bởi chúng ta sẽ không biết được nguy hiểm nào sẽ xảy ra đối với công trình, cũng như gia chủ sống trong những công trình đó nên phương châm đối với việc tư vấn khảo sát, tư vấn thiết kế và triển khai thi công đó là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Theo chị, về mặt thiết kế, từ bố cục, vật liệu, công năng cho đến các thiết bị cần được lưu ý như thế nào thì sẽ đảm bảo được một ngôi nhà an toàn?
Để một công trình được coi là an toàn trước hết nó phải là một công trình tuân theo các tiêu chuẩn về an toàn. Các tiêu chuẩn này được quy định kỹ trong bộ Tiêu chuẩn về thiết kế của Việt Nam, các tiêu chuẩn Ngành hoặc các thông tư, nghị định liên quan. Đối chiếu vào đó chúng ta sẽ thiết kế được một công trình về mặt kết cấu, công năng, phòng cháy chữa cháy đảm bảo an toàn. Ngoài ra, chi tiết hơn là về vấn đề sử dụng, thì an toàn sẽ thể hiện qua cách áp dụng các vật liệu phù hợp, các thiết kế phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương, giảm các rủi ro gây mất an toàn mà trong các Tiêu chuẩn hay quy định còn chưa nói đến.
Hoặc trong công năng KTS sẽ phải xử lý các vùng không gian của nhà để tạo sự an toàn trong chính giao thông, lối sinh hoạt, ví dụ không thể bố trí bể bơi quá sát với khu vực có nhiều trẻ em có thể tiếp cận hoặc không đưa các thiết bị nặng bố trí lên cao gây mất an toàn. Đó là một số ví dụ nhỏ để thấy được việc suy nghĩ về yếu tố “an toàn” của KTS khi thiết kế công trình phải bao quát mọi khía cạnh, từ an toàn theo các quy định, quy chuẩn thì cũng phải suy nghĩ về những nguy cơ mất an toàn có thể có trong thiết kế của mình.
Nhiều công trình của chị có không gian gần gũi với thiên nhiên nên đưa nhiều cây xanh vào nhà. Vậy theo chị, khi đưa cây xanh vào nhà, chúng ta nên chú ý những yếu tố như thế nào để đảm bảo an toàn trong không gian sống?
Thực ra việc đưa cây xanh vào công trình là một việc rất đáng hoan nghênh. Vì gia chủ phải hi sinh diện tích, công năng sử dụng tương đối để đổi lại những mảng xanh cho công trình. Việc đưa cây xanh vào công trình cũng kéo theo nhiều rủi ro gây mất an toàn như thấm hoặc các loại côn trùng, động vật gây bệnh có thể xuất hiện. Nhưng chúng ta có thể hạn chế những tác hại này bằng cách thực hiện các biện pháp chống thấm kỹ, hoặc có những vùng đệm ngăn các loại côn trùng hoặc động vật gây hại như chuột, bọ có thể tiếp cận sâu vào không gian sống của chúng ta.
Tôi nghĩ việc xử lý các tác nhân gây mất an toàn không khó, việc đưa cây xanh vào công trình một cách tự nhiên để cây có thể thực sự “sống” trong công trình mới là điều khó và nó là một sự phối hợp giữa kiến trúc sư, đơn vị thi công cũng như chính chủ nhà vì cây xanh cũng là một cá thể sống, cũng cần chăm sóc và lưu tâm thì cây xanh sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho căn nhà.
Để không gian sống trở nên thật an toàn, theo chị, không gian ấy cần được trang bị những thiết bị, sử dụng vật liệu, nội thất như thế nào?
Đối với các thiết bị, theo tôi, những căn hộ bình thường cũng nên có những thiết bị cảnh báo về cháy nổ, chống sét, chống giật vì những sự cố thì luôn có nguy cơ xảy ra dù căn nhà có sử dụng các đồ dùng cao cấp như thế nào thì cháy nổ hoặc mất an toàn là điều có khả năng.
Trong thiết kế của chúng tôi, việc tư vấn sử dụng các vật liệu với mức xả thải các hóa chất có nguy cơ gây ung thư cũng được tính toán để đảm bảo an toàn về mặt sức khỏe lâu dài cho gia chủ. Ví dụ các loại ván MDF sẽ sử dụng các mẫu có mức xả thải Formaldehyde ở mức thấp tương đương với các tiêu chuẩn ở châu Âu hoặc Nhật Bản. Mặc dù việc đầu tư cho ngôi nhà an toàn sẽ khiến chi phí phát sinh hơn so với một công trình bình thường nhưng chúng tôi nghĩ rằng điều này là xứng đáng vì gia chủ xứng đáng được hưởng những gì tốt nhất, hoặc ít ra và tốt nhất về an toàn sức khỏe ở trong chính căn nhà của mình.
Để có được yếu tố “an toàn” trong vật liệu, công năng, nội thất trong căn nhà, chi phí bỏ ra thường có lớn không, thưa chị?
Nếu sau những sự cố mà báo chí đã đưa tin thì chúng tôi nghĩ, chi phí bỏ ra cho các yếu tố đảm bảo an toàn sẽ không lớn so với lợi ích mà nó mang lại. Chúng tôi luôn tư vấn khách hàng sử dụng những sản phẩm an toàn nhất trong tầm mức đầu tư và khách hàng đang hướng đến. Ví dụ ta có thể cân đối giữa diện tích sử dụng giảm lại để dành một khoảng đầu tư cho các thiết bị an toàn, chúng tôi nghĩ như vậy sẽ hợp lý hơn. Vì nếu vì một lý do chủ quan nào đó, có sự cố xảy ra liên quan đến tính mạng của con người thì chi phí hay tiền bạc sẽ là vô nghĩa.
Trong một công trình, chị tính toán như thế nào trong việc cân bằng giữa yếu tố an toàn với thẩm mỹ trong ngôi nhà?
Yếu tố an toàn phải đặt lên hàng đầu rồi mới đến việc thiết kế về đẹp hay sáng tạo. Do đó để vừa đảm bảo an toàn và thẩm mỹ thì KTS cần phải suy nghĩ, thử nghiệm và nghiên cứu nhiều về thiết kế sao cho những vấn đề gây mất an toàn của thiết kế này đều đã được tính đến và khắc phục.
Ví dụ một số dự án tập trung đông người thì theo quy định phải bố trí thang thoát hiểm thỏa mãn những quy định rất ngặt nghèo để người sử dụng di chuyển khi có đám cháy và khói. Và thường những thang thoát hiểm này sẽ không đẹp nếu chiếu theo các quy định của chính quyền. Do đó chúng tôi hay nói vui rằng bây giờ là lúc thử xem ai sẽ là người thiết kế thang thoát hiểm đẹp hơn, nghĩa là khi bạn không thể tránh né thì ta phải đối đầu với bài toán khó này. Giải bài toán này với một kết quả đẹp nhất, sao cho thang thoát hiểm nhưng vẫn đẹp và vẫn rất ăn nhập chung với tổng thể thiết kế của cả dự án.
Chị có lời khuyên gì cho các gia chủ trong việc tạo nên một ngôi nhà, không gian an toàn cho mình?
Những vấn đề mà chúng ta nói đến ở trên đây đều liên quan đến việc khảo sát, thiết kế, thi công hay trang thiết bị cho công trình nhưng những thứ đó suy cho cùng đều là đồ vật và đều cần gia chủ hiểu và sử dụng thì mới phát huy hiệu quả. Trong mọi tình huống, con người luôn đóng vai trò then chốt, do đó chúng tôi thường khuyên gia chủ khi sống trong không gian của mình thì nên quan sát,hiểu và bảo dưỡng nó để không gian đó đúng nghĩa là một không gian sống an toàn. Chỉ khi người chủ để ý đến căn nhà của mình thì họ mới thực sự cảm nhận được đâu là yếu tố gây mất an toàn ứng với thói quen, lối sống sinh hoạt của mình, từ đó họ sẽ là người đưa ra những phương án để xử lý sao cho tốt nhất hoặc tìm đến KTS để nhờ tư vấn.
Theo tôi, việc tạo ra một không gian an toàn dựa trên các yêu cầu của gia chủ là của KTS nhưng sống, làm việc, tận hưởng cũng như duy trì không gian đó với sự an toàn tốt nhất lại là gia chủ. Chúng tôi rất mong gia chủ hiểu được điều này để từ đó duy trì sự an toàn cho căn nhà của mình một cách tốt nhất.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!