Sao chép có thể trở thành một phong cách?

Cô Kim, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 06/05/2014
Chia sẻ

Tương tự như sao chép văn, nhạc... sao chép phong cách là một thảm trạng. Khi đã sao chép y nguyên thì có một từ khác để lột tả chuẩn xác hơn: "ăn cắp chất xám".

Dấu ấn của ngôi sao

Khái niệm về ngôi sao chẳng hề xa lạ. Nôm na thì họ là những con người có tài năng xuất chúng trong các lĩnh vực nghệ thuật, mà điển hình nhất là âm nhạc, điện ảnh hay thời trang. Nhưng dấu ấn mà họ để lại thì không chỉ gói gọn trong vài bộ phim, những ca khúc bất hủ... mà còn hơn thế nữa. Tôi còn nhớ, một cô bạn đã từng chia sẻ thành thật rằng, cô rất ngưỡng mộ Audrey Hepburn nhưng tất cả những gì cô nhớ nhất về nữ minh tinh huyền thoại lại chỉ gói gọn trong một chiếc váy đen dài lịch lãm và sang trọng - một kiệt tác của nhà thiết kế Hubert de Givenchy. Bộ phim Breakfast At Tiffany's thú vị ra sao, tài diễn xuất của Audrey đã đạt đến đỉnh cao như thế nào dường như không gây ấn tượng mạnh mẽ đến bạo liệt bằng một chiếc váy đen đơn giản và sang trọng.


Audrey Hepburn

Một đối trọng của Audrey Hepburn Marylin Monroe. Người ta thường nhớ đến cái mê hoặc ngọt ngào ẩn giấu trong đôi mắt, bờ môi, cá tính và dĩ nhiên, cả chiếc váy trắng trong phim The Seven Year Itch. Đơn giản nhưng không hề đơn điệu. Cũng như chiếc váy đen của Audrey Hepburn, chiếc váy trắng đã tạo nên dấu ấn không thể lu mờ cho cô đào đi tiên phong trong phong cách gợi cảm của Hollywood. Giới hạn của chiếc váy trắng không chỉ bó buộc trong phạm vi gợi cảm, nó dường như đã trở thành một dấu ấn thời trang mang tính biểu tượng và không bao giờ bị xóa nhòa bởi năm tháng.

Marilyn Monroe

Dấu ấn của ngôi sao là vậy, là khi nhắc đến tên họ thì chúng ta sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh, phong thái, gout thời trang của họ hay đơn giản hơn, chỉ quẩn quanh váy đen với váy trắng như Audrey Marilyn. Tạo dấu ấn của cá nhân chính là bước đệm để một nghệ sĩ bước lên hàng siêu sao, cũng như việc mang đến giá trị thương hiệu cho những vật phẩm nhỏ nhoi quen thuộc. Hơn cả váy áo, dấu ấn cá nhân giúp lưu giữ hình ảnh của ngôi sao, của những kiệt tác nghệ thuật trong lòng công chúng, sống mãi cùng năm tháng và còn trở thành niềm cảm hứng cho bao nhiêu tín đồ thời trang trẻ. Học hỏi từ tiền bối, các ngôi sao hiện đại cũng luôn xem chuyện tạo dựng dấu ấn phong cách là một công cuộc dài lâu nhưng chẳng bao giờ là thiệt. Dấu ấn đó có thể là những chiếc váy khéo nhờ cậy văn hóa Trung Hoa để trưng trổ như Phạm Băng Băng hay cú "vồ ếch" đi vào lịch sử khi đang diện thiết kế Dior của Jennifer Lawrence. Dù tích cực hay tiêu cực thì đó cũng là phong thái, là cá tính, gout thẩm mỹ, là những gì tinh túy nhất của một ngôi sao mà công chúng luôn nhớ mãi về họ, chính họ chứ không ai khác.

Jennifer Lawrence

Học hỏi và sao chép

Ranh giới giữa học hỏi và sao chép chỉ là một lằn chỉ mỏng. Trong thời trang, giới hạn này càng mờ ảo hơn hết. Thành thực mà nói, những ý tưởng nguyên gốc là cực kì hiếm.

Hãy nhìn vào những chiếc đầm họa tiết đồ gốm Delft mùa Thu/Đông 2013 của thương hiệu Valentino. Mọi người đều nghĩ nó thật sáng tạo. Tuy nhiên, thực ra điểm sáng tạo duy nhất nó có được đó là hai hậu bối lừng danh của Valentino - Maria Grazia ChiuriPierpaolo Piccioli đã biết cách biến tấu hoa văn và kiểu dáng để trông chúng hiện đại và hợp thời hơn. Vấn đề này cũng tương tự đối với phong cách thời trang. Audrey Hepburn, Marilyn Monroe, Elizabeth Taylor hay Grace Kelly là những tư liệu thời trang quý báu của lớp trẻ ngày nay. Hàng loạt ngôi sao danh tiếng của thời đại này như Kim Kardashian, Lindsay Lohan không ngần ngại khẳng định rằng họ đam mê những giá trị về phong cách - hào quang còn sót lại từ những ngôi sao kỳ cựu, và học hỏi lại phong cách của những ngôi sao đó.



Kim "siêu vòng 3" và Lindsay Lohan thử trải nghiệm phong cách của những ngôi sao thuộc thời hoàng kim của Hollywood.

Vấn đề nằm ở chỗ họ biết sao chép những gì có hiệu quả, họ cần hiểu những gì họ đang làm theo và họ kết hợp chúng một cách hợp lý. Và hơn cả, họ sao chép nhằm thể hiện và tôn vinh nét đẹp của những gì xưa cũ chứ không mang hàm ý nhào nặn nó thành cái của mình. Hoặc, họ chỉ học hỏi một phần nhất định những nét hay, đẹp và biến chúng thành thứ gia vị để tôn hương sắc cá nhân, tất nhiên, kèm theo sự sáng tạo tự có. Chẳng ngôi sao thực sự nào lại muốn gò mình để trở thành cái bóng của những gì xưa cũ. Bởi, điều tối thiểu nhất khi muốn trở thành một ngôi sao là phải hiểu rõ và trân trọng giá trị của chính bản thân. Sao chép không chọn lọc hay sao chép dai dẳng chính là tự phủ nhận giá trị của chính mình. Và ai sẽ tôn trọng họ nếu họ không tự tôn trọng bản thân?

Sao chép cũng là một phong cách?

Ở Việt Nam, có nhiều ngôi sao chỉ sao chép phần bề ngoài đơn thuần trong khi cái họ cần là những gì cốt lõi chứ không phải lớp vỏ ngoài bóng bẩy? Đơn cử, Angela Phương Trinh - một cô nàng 18 tuổi với hàng loạt scandal muốn tạo nên sự nổi bật bằng cách khoác lên mình trang phục mang âm hưởng của Grace Kelly, đội chiếc mũ ấn tượng và hành xử theo phong thái hoàng gia mặc dù cô không thật sự có "cốt cách" đến thế. Và , nếu như Phạm Băng Băng phải đầu tư một khoản không nhỏ để tạo dựng ekip, xây dựng hình ảnh và kiên nhẫn mài giũa tài năng cùng phong thái trong một thời gian dài thì Angela Phương Trinh nhanh chóng "thừa hưởng" chỉ với những chiếc váy được may lại, cách tạo dáng rập khuôn để "đến gần" với bản gốc nhất. Angela Phương Trinh không công nhận và chẳng phủ nhận, nhưng ai cũng hiểu rằng cô luôn sao chép. Nhận định là sao chép, lại còn là sao chép vụng về, những gì thuộc về cốt lõi của Grace Kelly Phạm Băng Băng thì Angela Phương Trinh chẳng thể nào chạm tới. Cô chỉ đang chơi trò "cosplay" nhằm mang lại niềm vui cho người nhìn và bằng mọi cách để trở nên nổi bật nhất. Dấu ấn của Angela Phương Trinh luôn mang hình bóng của ngôi sao khác. Cô thẳng tay tiễu trừ hình tượng Bà mẹ nhí ngày nào, gấp gáp tô vẽ cho mình một phong cách với cái bàn lề lỏng lẻo là sự sao chép.



Angela Phương Trinh sao chép lộ liễu những biểu tượng thời trang nổi tiếng.

Một trường hợp khác của Vbiz là Chung Thục Quyên. Cô từng gây sóng gió với bộ ảnh bán nude rất giống với hình ảnh của siêu mẫu quốc tế Mirranda Kerr, bị quy kết là sao chép ý tưởng và gây phản cảm đối với người xem; hay chiếc váy cut-out là "hàng nhái" của mẫu váy Anthonay Vaccarrello đã từng được Maggie Q diện. Tương tự như Angela Phương Trinh, Chung Thục Quyên luôn chọn những gì quá sức với mình và sao chép mà không nề hà đến khoảng cách về văn hóa hay những khác biệt về đặc điểm hình thể. Không ai từ chối quyền học hỏi nhưng đã là ngôi sao thì thước đo trí tuệ là điều vô cùng quan trọng. Và sự hiện diện tiêu biểu nhất của trí tuệ là ở vấn đề học hỏi: sao chép, chọn lọc và sáng tạo. Khi mọi thứ chỉ dừng lại ở mức sao chép thì hiển nhiên, sự học hỏi sẽ không bao giờ được đánh giá cao. Nâng tầm sao chép trở thành một phong cách? Câu trả lời rõ nhất sẽ đến từ chính những công chúng văn minh.

Chung Thục Quyên cũng học hỏi không sáng tạo hay chọn lọc từ siêu mẫu Miranda Kerr.

Tạm kết

Tương tự như sao chép văn, nhạc... sao chép phong cách là một thảm trạng. Khi đã sao chép y nguyên thì có một từ khác để lột tả chuẩn xác hơn: "ăn cắp chất xám". Có thể nói, trong tất cả các hành động ăn cắp thì kiểu ăn cắp chất xám là đáng lên án nhất. Vì kẻ cắp này thường là những người được coi là có hiểu biết. Họ sẵn sàng lấy những thứ không thuộc về mình và nhận những thứ không xứng đáng được nhận. "Mua vui cũng được một vài trống canh". Họ - những "ngôi sao" sẽ còn lại gì sao khi đã sử dụng xong xuôi những chất xám mà mình có được chẳng tốn công? Tiếp tục sao chép?

Những ngôi sao nổi tiếng nhất, trên phạm vi quốc tế nói chung và Vbiz nói riêng, đều chưa bao giờ là cái bóng của một ai khác. Chỉ khi được là chính mình và khẳng định tài năng, phong cách vốn có, họ mới trở nên thực sự thu hút. Bởi cái bóng chỉ là cái bóng, chẳng bao giờ tận hưởng được niềm kiêu hãnh của hào quang tỏa ra từ một ngôi sao đích thực.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày