F0 dịp Tết cần làm gì?

Kim Chi, Theo infonet 10:02 30/01/2022

Trong dịp nghỉ Tết 9 ngày, việc đi lại về quê, đi du lịch dịp Tết là nhu cầu của rất nhiều người, tuy nhiên đây cũng là thời điểm dễ lây nhiễm bệnh nhất.

Không để lây nhiễm tự nhiên

Theo thông báo của Bộ Y tế trung bình qua 24h thì Việt Nam ghi nhận hơn 15 nghìn ca mắc Covid-19. Hà Nội vẫn tiếp tục dẫn đầu cả nước về số ca mắc mới. Trong khi đó, Đà Nẵng, Bắc Ninh và Hải Phòng và một số tỉnh khác cũng duy trì tốc độ ghi nhận ca nhiễm mới tăng cao trong thời gian gần đây.

Việc đi lại quá nhiều, ngày Tết lại gặp gỡ, giao lưu, tới các khu vui chơi, giải trí đón xuân chính là thời điểm dễ lây lan dịch bệnh nhất.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai cho rằng người dân dù đã tiêm 2, 3 mũi vắc xin thì về quê hay đi chơi dịp Tết cũng phải hết sức cảnh giác. Nhiều người có tư tưởng cố tình nhiễm Covid-19 để có miễn dịch là điều nguy hiểm. Chỉ trừ khi nhiễm bệnh không thể tránh được ta mới phải cam chịu. Người dân vẫn nên phòng bệnh hết mức có thể. Người trẻ khi nhiễm bệnh đa phần có thể trải qua nhẹ nhàng. Nếu làm lây lan bệnh cho những người trong gia đình, đặc biệt là người cao tuổi, có bệnh nền, họ có thể diễn tiến nặng, nguy kịch.

Mặt khác, không phải trường hợp nào tiêm vắc xin rồi cũng chỉ bị nhẹ. Đã có những trường hợp bị Covid-19 tử vong dù tiêm đủ 2 liều vắc xin. Do vậy, người dân cần tích cực phòng bệnh. Dịp Tết đi lại nhiều thì vẫn cố gắng làm sao đảm bảo an toàn nhất, tuân thủ 5K. Tốt nhất đi lại bằng phương tiện cá nhân đồng thời luôn sử dụng nước sát khuẩn tay thường xuyên.

PGS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết dịp Tết sẽ là thời điểm nhạy cảm, nhiều yếu tố kích thích tăng nguy cơ lây nhiễm. Nếu chúng ta để sự lây nhiễm trở nên tự nhiên sẽ nguy hiểm vì ca nhiễm tăng lên thì áp lực lên cơ sở y tế. Nếu 1.000 ca mắc mỗi ngày ở 1 tỉnh và chỉ cần có 1% trở nặng thì con số cần hỗ trợ y tế cũng trở nên quá tải như thế nào.

F0 dịp Tết cần làm gì? - Ảnh 1.

F0 phải làm sao vào ngày Tết?

Nên làm gì nếu bạn là F0 dịp Tết?

PGS Phu cho rằng không nên để lây nhiễm tự nhiên, nhiều người cho rằng cùng lắm thành F0 thì cả nhà ở nhà, không đi chơi Tết. Đó là điều dễ dàng với gia đình trẻ, còn với gia đình có người già thì lại nguy hiểm với họ.

Ngoài tuân thủ phòng bệnh cá nhân, PGS Trần Đắc Phu cũng lưu ý thêm dịp Tết khi về quê mọi người cũng cần chuẩn bị sẵn cho mình các tình huống của dịch bệnh. Ví dụ như tình huống bản thân mình trở thành F0 sẽ như thế nào? Khi đó, bạn phải tìm hiểu về việc cách ly với F0 ở địa phương nơi bạn đến như thế nào?

Nếu có triệu chứng, xét nghiệm dương tính, PGS Phu khuyến cáo bạn nên liên hệ với trạm y tế địa phương đó để có hướng dẫn chi tiết. Ngoài ra, bạn cũng có thể chuẩn bị một vài thuốc cơ bản, cách ly phải tuân thủ theo quy định của Bộ Y tế. Trường hợp nhà không có phòng cách ly riêng cho người bệnh thì nên nhờ sự hỗ trợ của cơ quan y tế.

Đối với du khách đi du lịch dịp Tết cũng tương tự. Bạn cần hiểu rõ quy tắc cách ly tại địa phương đó với F1, F0 và có sự chuẩn bị rõ ràng vì bất cứ lúc nào mình cũng trở thành F0.

Để bảo vệ bản thân và gia đình, bạn nên đeo khẩu trang thường xuyên, che kín mũi, miệng; rửa sạch tay trước khi đeo, tháo khẩu trang; giữ khoảng cách tối thiểu 1m với người xung quanh.

Đặc biệt, lễ tết hay đi đến các nơi du lịch cũng nên tránh những không gian kín, tụ tập đông người, mở cửa sổ để thông thoáng gió, không nên nghĩ cấm tụ tập đông người ở lễ hội xong lại mở ở các khu du lịch.

Mỗi người cần duy trì thói quen rửa sạch tay bằng xà bông, nước sát khuẩn vẫn cần được duy trì. Hiện tại, vắc xin Covid-19 vẫn là công cụ hiệu quả để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh và chuyển nặng khi nhiễm nCoV.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày